Phóng viên: TPHCM có những giải pháp ưu tiên gì trong việc triển khai phát triển công nghiệp văn hóa, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy: Một số giải pháp đáng chú ý có thể kể như: Nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý gồm các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách… để phát huy tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ hoạt động sáng tạo. Gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực cho công nghiệp văn hóa (CNVH) phát triển; xây dựng các tuyến, tour sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng; hình thành các không gian công cộng. Nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển thành phố các khu phức hợp văn hóa gồm các thiết chế văn hóa hiện đại, xứng tầm quốc tế; quy hoạch, đầu tư phim trường, hệ thống trung tâm chiếu phim hiện đại, nhà triển lãm… đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện quốc tế.
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường văn hóa nghệ thuật trực thuộc UBND TPHCM. Tổ chức tốt các sự kiện văn hóa lớn mang tính thường niên như Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, Liên hoan phim quốc tế TPHCM, Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ, Ngày hội du lịch TPHCM, Lễ hội Áo dài… và các cuộc thi, liên hoan tầm quốc gia.
Thành lập một số quỹ hỗ trợ phát triển về văn học nghệ thuật để hỗ trợ tài chính cho các dự án có tiềm năng, tạo điều kiện xây dựng và phát triển ngành CNVH. Tích cực thúc đẩy việc xây dựng TPHCM trở thành thành phố sáng tạo trên lĩnh vực điện ảnh của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của ngành văn hóa - nghệ thuật của thành phố theo hình thức đầu tư từ ngân sách; có chính sách động viên nguồn lực sáng tạo các sản phẩm CNVH, chính sách khuyến khích hợp tác quốc tế và hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm CNVH. Tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực CNVH…
* Bà có thể chia sẻ thêm về kế hoạch đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực?
- Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng với các nhóm nội dung: triển khai thực hiện đề án về “Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn TPHCM”. Ban hành chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực phát triển ngành CNVH. Kết hợp cùng các tổ chức, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNVH.
Xã hội hóa và hợp tác quốc tế để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Xây dựng các khóa học ngắn hạn, tập huấn, tiến tới liên kết các bộ môn, chương trình chuyên sâu trong trường đại học, cao đẳng về quản lý và kinh doanh các ngành CNVH trong và ngoài nước.
Phát triển CNVH TPHCM vừa có những đặc điểm chung của văn hóa Việt Nam vừa mang tính chất đặc thù của một đô thị đặc biệt - nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời cũng là nơi hội tụ và là cửa ngõ giao lưu văn hóa vùng miền và với các nước trên thế giới. Với hệ thống kinh tế - xã hội phát triển nhanh và sôi động, cơ sở hạ tầng thuận lợi, thị trường dịch vụ lớn… TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành CNVH, đóng góp thiết thực vào GRDP của thành phố. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy |
* Một trong những mục tiêu của CNVH TPHCM là sử dụng nguồn lực xã hội hóa, phối hợp giữa nhà nước và tư nhân. Bà có thể cho biết mục tiêu này sẽ được thực hiện ra sao?
- Phát triển CNVH là định hướng mang tính chiến lược của quốc gia. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, triển vọng, nhưng chắc chắn cũng rất khó khăn nếu không có sự tham gia đầu tư của các bên liên quan và doanh nghiệp… TPHCM với vai trò là trung tâm về nhiều mặt của đất nước, được giao trọng trách là “đầu tàu”, ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển văn hóa của Việt Nam. Phát triển CNVH sẽ góp phần nâng tầm vị thế và khẳng định bản sắc văn hóa của đất nước, con người Việt Nam.
Với ý nghĩa đó, chiến lược phát triển CNVH của thành phố cũng căn cứ trên chiến lược phát triển CHVN của quốc gia để hình thành cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tạo ra hạ tầng pháp lý để những tiềm năng sáng tạo, trí tuệ của ngành công nghiệp sáng tạo thành phố phát triển đúng mức và bền vững.
Để phát triển CNVH, theo tôi, trước hết cần nhận diện đúng đắn về xây dựng sản phẩm văn hóa trong chuỗi sản xuất, phân phối (thương mại hóa văn hóa). Xây dựng CNVH không chỉ tập trung khai thác giá trị văn hóa mà sự đầu tư đúng mức, xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, tài năng và có cơ chế vận hành phù hợp là những điều cần được đặc biệt quan tâm. Chúng ta vẫn còn nặng tư duy bao cấp trong phân phối và thụ hưởng một sản phẩm văn hóa. Ngoài ra, việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn những tài nguyên văn hóa và phát huy chúng thế nào để không chạy theo yếu tố thương mại, đánh mất các giá trị tốt đẹp của văn hóa, nhất là văn hóa dân tộc cũng cần được xem trọng.
Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM mở ra cho thành phố nhiều thuận lợi, tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư, kêu gọi các nguồn lực xã hội để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao. Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tổ chức thực hiện từ nguồn xã hội hóa để rà soát và nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố. Kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), xây dựng hồ sơ cụ thể các dự án để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư; hình thành các tổ hợp phục vụ cho CNVH liên ngành.
|
Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô - một thành công theo chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của TPHCM - Ảnh: Thành Lâm |
* Sau 3 lần tổ chức, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô đã hình thành một thương hiệu văn hóa mới, là một thành công thể hiện chiến lược đầu tư phát triển ngành CNVH của TPHCM. Chúng ta đã có được kinh nghiệm gì từ thành công này, thưa bà?
- Từ khi bắt đầu xây dựng kế hoạch, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô đã được xác định phải trở thành một liên hoan âm nhạc quốc tế đúng nghĩa. Lễ hội xuất phát từ chủ trương, sự đầu tư của thành phố và là mô hình tiêu biểu trong kết hợp với các nguồn lực xã hội hóa, xứng với kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp âm nhạc của thành phố. Bên cạnh đó, còn một mục tiêu quan trọng khác là thông qua hoạt động trình diễn tại lễ hội sẽ gìn giữ, lan tỏa những giá trị của âm nhạc và văn hóa dân tộc ra thế giới.
Lễ hội âm nhạc quốc tế đúng nghĩa phải là cơ hội để các quốc gia trên thế giới tiếp cận và khai thác thị trường âm nhạc Việt Nam sôi động, đầy tiềm năng; là dịp để các nghệ sĩ quốc tế giao lưu văn hóa, trao đổi chuyên môn nghệ thuật, giới thiệu công nghệ, hình thức thể hiện âm nhạc mới, đặc biệt là bản sắc dân tộc được thể hiện qua ngôn ngữ âm nhạc đương đại. Lễ hội còn là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, nhà tổ chức sự kiện, các nhà cung cấp trang thiết bị phục vụ cho ngành công nghiệp âm nhạc giới thiệu những công nghệ mới, tiên tiến nhất đến với giới chuyên môn và người dân thành phố.
Trên cơ sở đó, thành phố xây dựng hệ sinh thái lễ hội, mô hình “Lễ hội trong lòng lễ hội” với chuỗi hoạt động đa dạng, liên tục, chất lượng gồm các đêm diễn đỉnh cao, kết hợp với các khu phức hợp từ khu vui chơi, ẩm thực, khu trải nghiệm công nghệ tiên tiến, triển lãm, các hoạt động work shop, hội thảo chuyên sâu về âm nhạc và thị trường âm nhạc… Các hoạt động có sự tham gia của giới tổ chức biểu diễn quốc tế, các tập đoàn nghệ thuật đa quốc gia, mở ra điều kiện giao lưu, học hỏi để đóng góp thêm cho nền CNVH tại TPHCM.
Sau 3 kỳ tổ chức, Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò Dô đã từng bước xây dựng được thương hiệu, ghi dấu ấn là điểm đến văn hóa mới, điểm trình diễn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế trên bản đồ liên hoan âm nhạc thế giới. Tất cả đã thể hiện được khát khao, kỳ vọng vào lộ trình trưởng thành của một liên hoan, vào những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật xứng tầm.
* Xin cảm ơn bà.
Hoa Nguyễn (thực hiện)