Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở TPHCM

31/08/2023 - 06:22

PNO - Chỉ còn gần 1 tuần nữa năm học 2023-2024 bắt đầu, các trường học tại TPHCM đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, sẵn sàng cho năm học mới.

Đa dạng hình thức tuyển dụng

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục TPHCM cần tuyển 4.717 giáo viên (GV). Trong đó, cần 1.051 GV cấp mầm non, 1.667 GV tiểu học, 1.748 GV THCS và 251 GV THPT.

Ngành giáo dục TPHCM đang có nhiều nỗ lực để đảm bảo đủ giáo viên cho năm học mới. Trong ảnh: Một tiết học của Trường tiểu học Lương Thế Vinh trong năm học 2022-2023 - ẢNH: PHƯƠNG THANH
Ngành giáo dục TPHCM đang có nhiều nỗ lực để đảm bảo đủ giáo viên cho năm học mới. Trong ảnh: Một tiết học của Trường tiểu học Lương Thế Vinh trong năm học 2022-2023 - Ảnh: Phương Thanh

Cụ thể, tại quận Bình Tân, tổng số GV còn thiếu là 454 GV các cấp, trong đó bao gồm nhu cầu GV cho 5 trường học đang được xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng từ đầu năm 2024. Để chuẩn bị cho năm học mới, quận đã tuyển dụng được gần 300 GV. Năm học này, học sinh tiểu học tại quận giảm gần 2.000 em. Do đó, sĩ số học sinh cũng giảm từ 42 học sinh/lớp xuống còn khoảng 38-40 học sinh/lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 - cho biết, các trường hiện đã tuyển được gần 80% lượng GV thiếu hụt. Trong thời gian tới, quận sẽ rà soát lại chỉ tiêu của các trường, những trường hợp còn thiếu sẽ tiếp tục tuyển đợt 2. Công tác tuyển dụng GV đang được quận đặc biệt quan tâm bởi năm nay, học sinh lớp Sáu tăng gần 3.000 em. 

Riêng đối với TP Thủ Đức, với tổng cộng 160 trường học, con số GV còn thiếu lên đến hơn 1.000. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - khẳng định, vấn đề này không quá căng thẳng, bởi nếu tính theo từng trường thì mức thiếu là không cao. Theo ông, khó khăn trong khâu tuyển dụng là do một số GV đã được nhận nhưng sau đó lại nghỉ, hoặc một số GV đang dạy, GV mới ra trường chọn công tác tại trường tư. Thành phố vẫn đang tiếp tục có kế hoạch tuyển dụng cho đến khi đủ chỉ tiêu. 

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, mỗi năm, ngành giáo dục đều tổ chức tuyển dụng viên chức nói chung, GV nói riêng nhằm thay thế số lượng GV nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc bổ sung GV cho các trường được giao tăng số lớp học. Để khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực, việc tuyển dụng được tổ chức bằng nhiều hình thức như thi tuyển (đợt 1); xét tuyển với các vị trí còn thiếu (đợt 2) và xây dựng kế hoạch tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (đợt 3). Qua đợt 1, đã có 165/447 ứng viên trúng tuyển vị trí GV và 20/20 ứng viên trúng tuyển vị trí nhân viên. 

Giáo viên phải dạy “choàng” 

Để đảm bảo năm học mới được bắt đầu đúng kế hoạch, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho biết, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức đã đề nghị các trường ký hợp đồng hoặc cho GV dạy thêm giờ ở những môn học đang còn thiếu. GV sẽ nhận được phụ trợ theo quy định của ngành. Đặc biệt, các trường cần tận dụng tối đa lợi ích từ hệ thống quản lý học tập Learning Management System (LMS) để giúp học sinh học tập tại nhà dưới sự hỗ trợ của GV, thay vì phải trực tiếp lên lớp. 

“Từ sau đại dịch COVID-19, đa số học sinh đều được trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh, các em có thể sử dụng tài khoản trên hệ thống LMS để nhận chỉ dẫn, nhiệm vụ của GV để làm bài tập, hoặc nghiên cứu bài học trước ở nhà. Việc này không chỉ giảm áp lực cho học sinh mà còn giảm giờ lên lớp của GV” - ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên nhấn mạnh. 

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân - cho rằng việc thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, tin học, tiếng Anh là tình trạng chung. Tuy nhiên, các trường vẫn có thể giải quyết bằng cách ký hợp đồng với những GV dư tiết để dạy “choàng” cho nhau, hoặc mời những GV đã về hưu về trở lại dạy để đảm bảo đủ số giờ lên lớp cho học sinh. 

Về hướng giải quyết lâu dài cho việc khó tuyển dụng GV ở những môn học đặc thù, ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay, sở đã làm việc và đặt hàng với Trường đại học Sư phạm TPHCM, Trường đại học Sài Gòn đào tạo các bộ môn tích hợp, nhạc, họa, tin học… Đồng thời chỉ đạo các phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND trong việc phân bổ GV; đẩy mạnh triển khai các lớp học số và đề xuất các chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút GV ở các bộ môn thiếu.

Bằng các biện pháp cấp bách và quyết liệt, ông Nguyễn Bảo Quốc kỳ vọng: “Toàn thể ngành giáo dục TPHCM sẽ phấn đấu triển khai chương trình 2018 toàn diện và đầy đủ nhất để đảm bảo thực hiện mục tiêu của chương trình”. 

Đắk Nông, Gia Lai nỗ lực giải “bài toán” thiếu hàng ngàn giáo viên

Mới đây, tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo gửi Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT về nhu cầu biên chế GV năm học mới. Theo đó, với 90 trường mầm non (26.232 học sinh), 132 trường tiểu học (hơn 74.000 học sinh), 77 trường THCS (hơn 47.000 học sinh), 34 trường THPT (hơn 26.000 học sinh), tỉnh đề nghị xem xét, giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức.

Bà Châu Thị Hồng Nhạn - Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) - cho biết, năm học này, trường thiếu 14 GV ở nhiều bộ môn. Thực trạng này khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc phân công chuyên môn. 

Theo bà Châu Thị Hồng Nhạn, tình trạng thiếu GV đã kéo dài nhiều năm nay. Thời gian qua, nhiều GV vừa dạy THPT vừa phải hỗ trợ dạy cấp THCS và ngược lại. Nhiều GV trong trường phải đảm nhận số tiết dạy cao hơn nhiều so với quy định. Do không có thời gian để chăm lo gia đình và đến nay vẫn chưa được chi trả tiền dạy dôi dư tiết nên nhiều GV cương quyết chỉ dạy đúng số tiết quy định. Vì vậy, trường đang làm tờ trình gửi sở GD-ĐT xin ý kiến chỉ đạo về phương án dạy học do thiếu GV. Đồng thời, đề nghị xem xét, điều động, bổ sung số GV còn thiếu.

Năm học này, tỉnh Gia Lai cũng thiếu 6.048 GV. Trong đó, bậc mầm non là: 1.695 GV, tiểu học: 2.233, THCS: 1.275, THPT: 844. Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết, sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện dồn lớp đạt đến mức tối đa; dồn các điểm trường phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương. Đồng thời, thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm biên chế được giao. Phối hợp các trường đại học đào tạo GV tiếng Anh, tin học cấp tiểu học và các môn mới ở cấp THPT hiện không có GV như âm nhạc, mỹ thuật để chủ động nguồn tuyển…

Nguyên Bảo 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI