Nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa Tây Nguyên

25/05/2014 - 10:30

PNO - PNO – Ngày 24/5, tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông và UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức tọa đàm khoa học về giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa Tây...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Theo các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận không chỉ là địa bàn chiến lược về phát triển kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng mà còn là vùng văn hóa dân gian đa dạng, đặc sắc của Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Tây Nguyên ngày càng được quan tâm, hướng đến mục đích phát triển bền vững xã hội. 

Quang cảnh buổi tọa đàm

Sau khi UNESCO công nhận văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản phi vật thể đại diện của thế giới, thì cồng chiêng đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, song những giá trị truyền thống đã bị mai một ít nhiều, đặc biệt là mất đi không gian thiêng vốn có của nó.
“Những đêm hát kể sử thi, những nhạc cụ dân tộc và các hình thức hát dân ca, dân vũ… vẫn được duy trì, nhưng thiếu linh hồn vì tâm lý và không gian diễn xướng bị thay đổi”- ông Y Hồng Hà, Phó chủ tịch UBND TP Kon Tum, nói.

Theo Th.S Măng Linh Nga, Phó trưởng khoa Âm nhạc - Múa, Trường Trung cấp VHNT Gia Lai, không gian sống của các cư dân có cồng chiêng đã gần như thay đổi hoàn toàn, dẫn đến sự thờ ơ, nhất là trong lớp trẻ đối với văn hóa cồng chiêng.

TS. Y Ghi Niê - Chủ tịch Liên hiệp hội Đắc Lắc cho biết, hiện nay những loại hình kiến trúc dân gian đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên như nhà rông, nhà dài và nhà mồ đang mất dần, thay vào đó là những thiết chế văn hóa hiện đại, mà nhà văn hóa cộng đồng bằng bê tông là một ví dụ.
Nhiều đại biểu cho rằng, tiếng nói là biểu hiện sinh động và mạnh mẽ nhất của bản sắc văn hóa tộc người, nhưng hiện nay ở Tây Nguyên, hiện tượng quên dần tiếng mẹ đẻ đang diễn ra khá phổ biến, làm mất đi tâm hồn, tính cách, xa rời những giá trị cơ bản của văn hóa tộc người…“Để phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên, trước tiên cần phải bảo tồn chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số”, TS Y Ghi Niê nói.

Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lí về văn hóa Tây Nguyên và các nhà nghiên cứu đều nêu ý kiến phải bảo tồn văn hóa Tây Nguyên có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm. Th.S Măng Linh Nga cho rằng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa cồng chiêng, nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu cồng chiêng; đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.

Theo bà Nga Ri Vê, dân tộc Hrê (Quảng Ngãi), phải sớm xây dựng đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn, có tâm huyết trong sưu tầm, sáng tác, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống Tây Nguyên có nguy cơ thất truyền.

TS Buôn Krông Tuyết Nhung lại cho rằng, cần quy hoạch lại thiết chế làng ở Tây Nguyên một cách hệ thống theo mô hình đồng nhất từng cộng đồng để thuận lợi cho việc quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình làng tiêu biểu cho từng cộng đồng và theo từng cụm cộng đồng, theo vùng cộng đồng gắn với môi trường văn hóa, sinh thái, môi trường tâm linh và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống Tây Nguyên.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, phát triển các loại hình văn hóa Tây Nguyên cần gắn với việc phát triển du lịch và lễ hội. Qua đó, tạo điều kiện cho cư dân có thu nhập, nhằm cải thiện đời sống cộng đồng.

TÂM NHƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI