Nhiều gia đình tan tác vì lệnh cấm đến Mỹ của ông Trump

30/01/2017 - 09:00

PNO - Lệnh cấm người nhập cư, người tị nạn của Tổng thống Trump đang phủ không khí u ám lên nhiều người, gây cảnh ly tán ở nhiều gia đình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump giải thích lệnh cấm là cách bảo vệ quốc gia khỏi những cuộc tấn công khủng bố do người nước ngoài gây ra. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận cho rằng đây không phải là biện pháp duy nhất.

Việc cấm cửa người nhập cư từ 7 quốc gia trong 90 ngày, đóng băng chương trình người tị nạn 120 ngày ở Mỹ đang tạo ra bị kịch với nhiều người, khiến mong ước đoàn tụ với người thân trở nên xa vời.

Nhieu gia dinh tan tac vi lenh cam den My cua ong Trump
Nhiều người khóc ròng vì sắc lệnh của ông Trump. - Ảnh: Getty Images

Amer Arab (35 tuổi), kỹ sư phần mềm Syria hiện sống ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Amer Arab là công dân Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ làm việc từ năm 2003. Năm 2010 anh kết hôn và vợ anh là công dân Mỹ đang làm việc ở một công ty nghiên cứu kinh tế tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi tình hình Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên bất ổn, đỉnh điểm là vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 cùng nhiều vụ tấn công khủng bố nhằm vào dân thường, vợ chồng Amer quyết định rời khỏi nơi này.

Amer đã nộp hồ sơ di cư đến Mỹ từ tháng 10/2016 và dự định đến Mỹ cùng vợ mùa hè năm nay. Họ muốn sống ở California hoặc thủ đô Washington DC để Amer có thể tiếp tục công việc kỹ sư phần mềm hoặc thông dịch viên tiếng Ả Rập.

Tuy nhiên, lệnh cấm của ông Trump đã làm hỏng kế hoạch của cặp đôi này. Amer  chia sẻ: “Ở lại Thổ Nhĩ Kỳ, với tôi cũng chẳng sao. Nhưng tôi lo cho vợ mình. Cô ấy là người Mỹ, rất dễ gặp nguy hiểm ở đây. Cô ấy đang mắc kẹt ở đây vì tôi. Hoặc chúng tôi buộc phải xa nhau ngay lúc này. Không ai biết trước tiếp theo là những lệnh cấm gì nữa từ ông Trump”.

Amer nói trong bất lực: “Ông ấy không lắng nghe đâu. Ông ấy không hiểu tâm tư của những người như chúng tôi, những người chỉ mong muốn ổn định cuộc sống chứ không hề toan tính bất cứ điều gì gây hại cho nước Mỹ”.

Meathaq và Mahmoud, người tị nạn Iraq ở Mỹ

Vợ chồng Meathaq (45 tuổi) và Mahmoud (49 tuổi) vừa đến Mỹ, ổn định cuộc sống tại Tennessee sau khi rời khỏi Iraq cùng con trai 5 tuổi và con gái 15 tuổi. Nhưng họ vẫn còn hai con gái sinh đôi mắc kẹt lại ở Iraq.

Vì Mahmoud là phiên dịch viên cho quân đội Mỹ nên họ có thị thực đặc biệt. Họ phải mất 4 năm nộp đơn xin thị thực mới được chấp thuận. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hai con gái sinh đôi quá 18 tuổi nên quá trình mất thêm nhiều thời gian hơn. Giờ đây, cả hai vẫ phải ở Baghdad.

Meathaq vừa khóc vừa nói: “Tôi không thể ngăn được nước mắt khi nghĩ đến các con. Vậy là gia đình chúng tôi không còn cơ hội đoàn tụ nữa. Tôi lo cho con mình  sống từng ngày trong nỗi sợ hãi mà không có người thân bên cạnh”.

Nhieu gia dinh tan tac vi lenh cam den My cua ong Trump
Chị Meathaq mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình với hi vọng thay đổi được tình thế. - Ảnh: Huffington Post

Dallal từng sống ở thị trấn Sinjar ở Iraq

Dallal may mắn trốn thoát khỏi thị trấn Sinjar của Iraq, nơi mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giày xéo, bắt có người vô tội.

Cô nói: “Ước mơ đoàn tụ gia đình của tôi coi như chấm hết”. Chồng cô là người phiên dịch trong quân đội Mỹ, được chấp nhận đến Mỹ mùa hè năm ngoái sau khi nộp đơn xin tị nạn theo một chương trình thị thực đặc biệt.

Dallal cứ tưởng mọi việc dễ dàng, ngày cô đoàn tụ với chồng không xa. Tuy nhiên, sắc lệnh mới của Tổng thống Trump thật sự là cú sốc mà đến giờ cô vẫn không thể chấp nhận. Ngay khi chuẩn bị lên máy bay, cô bị từ chối. Cô liên tục lặp đi lặp lại “Tại sao lại là tôi” trong sự uất nghẹn.

Nhieu gia dinh tan tac vi lenh cam den My cua ong Trump
Dallal đau đớn vì bị từ chối ngay khi sắp lên máy bay. - Ảnh: CNN

Beheshteh Farshneshani (30 tuổi), nhân viên công ty đầu tư ở thủ đô Washington DC

Beheshteh là công dân mang hai quốc tịch Mỹ và Iran. Cô đến Mỹ lúc 5 tuổi và có rất nhiều người thân ở Iran luôn mong ngóng, dõi theo cuộc sống của cô. Với Beheshteh, họ là điểm tựa tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời.

Beheshteh chuẩn bị kết hôn và mong muốn 12 người thân nhất ở Iran có thể đến chung vui cùng cô trong khoảnh khắc ý nghĩa của đời người. Quá trình nộp hồ sơ để nhận thị thực vào Mỹ của những người thân Beheshteh diễn ra khá suôn sẻ, cho đến trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh gây khó dễ người tị nạn và người nhập cư.

Faisal (26 tuổi), người Iraq tị nạn ở Baltimore (Mỹ)

Khi còn ở Iraq, Faisal là nhà sản xuất, viết kịch bản cho nhiều chương trình truyền hình với nội dung đả kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhận quá nhiều lời đe dọa từ IS, Faisal phải xin tị nạn ở Mỹ và anh đã ở Mỹ 10 tháng nay. Anh đang rất lo sợ vì e ngại Tổng thống Trump biết đâu sẽ thêm sắc lệnh mới, đuổi anh về Iraq.

Faisal cho biết: “Tôi chưa từng hoang mang đến tột độ như lúc này. Cảm giác như mạng sống của mình không còn thuộc quyền quyết định của mình ngày càng rõ”.

 Minh Bách (Theo TIME, CNN, Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI