|
Cha mẹ của Lee Ji-han, 24 tuổi, đã trở thành mục tiêu của làn sóng công kích trên mạng kể từ khi con họ qua đời vào năm 2022 |
Từ nạn nhân thành tội đồ
Vào tháng 10/2022, cậu con trai 24 tuổi của Lee Jong-chul nằm trong số hơn 150 người thiệt mạng do bị đè bẹp dưới một con dốc ở quận Itaewon nổi tiếng của thành phố. Quá đau buồn, ông đã nói chuyện với giới truyền thông, cầu xin các chính trị gia Hàn Quốc hành động.
Sau đó, một đám đông trên mạng đã dùng bi kịch cá nhân của ông Lee và gia đình để chế giễu, coi thường và xuyên tạc họ.
Từ những bức ảnh được chỉnh sửa cho thấy ông Lee mỉm cười sau khi được đề nghị bồi thường, cho đến những nỗ lực nói rằng ông có gốc gác Triều Tiên – cả 2 nội dung được hãng tin AFP xác nhận là giả mạo, gia đình ông Lee đã trở thành bao cát trút giận trên các diễn đàn tiếng Hàn.
Ga-young, con gái của ông Lee nói: "Thật không thể diễn tả được những gì một số bình luận này nói", đồng thời cho biết thêm rằng số lượng của chúng “quá choáng ngợp", với bất kỳ bản tin nào về họ đều thu hút hàng trăm bình luận, hầu hết là tiêu cực, chỉ trong vài phút.
Tại căn hộ của gia đình ở thành phố Goyang, ngay bên ngoài Seoul, phòng ngủ của cậu con trai quá cố Lee Ji-han vẫn yên tĩnh kể từ lần cuối cùng anh bước ra ngoài vào ngày 29/10/2022. Quần áo của Ji-han vẫn treo trên cánh cửa, cuốn sách mà chàng trai đã đọc nằm gọn trên giường.
Bà Cho Mi-eun, mẹ của chàng trai xấu số, nói với AFP: "Ngày hôm đó đã thay đổi cuộc đời chúng tôi mãi mãi", đồng thời cho biết bà vẫn thường bật những tin nhắn thư thoại cũ chỉ để nghe giọng nói của con trai.
"Mỗi đêm, cha của Ji-han vẫn ra ngoài đợi, đôi khi hàng giờ đồng hồ. Anh ấy nói rằng anh ấy sẽ ra ngoài hút thuốc, nhưng chúng tôi biết anh ấy đang đợi Ji-han", bà nói và cho biết thêm rằng sau thảm kịch, chồng của bà đã nhiều lần có ý định tự tử dưới áp lực từ các cuộc tấn công trực tuyến.
|
Bà Cho Mi-eun giữ nguyên căn phòng của con trai Ji-han kể từ khi cậu qua đời |
Góc tối của chính trị
Lee Jung-min, người đã mất con gái 29 tuổi, nói với AFP rằng gia đình của các nạn nhân ở Itaewon muốn có câu trả lời về lý do tại sao chính quyền không thể ngăn chặn thảm họa mặc dù đã có những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.
Một số gia đình nạn nhân đã thành lập một nhóm thảo luận "để hiểu những gì thực sự đã xảy ra và buộc những quan chức phải chịu trách nhiệm".
Nhưng nhiều người trên mạng diễn giải những nỗ lực của họ là một cuộc tấn công vào chính phủ, là những kẻ lừa đảo phát động một cuộc phản công phối hợp, cáo buộc các gia đình là những kẻ trục lợi để đòi bồi thường, hoặc các lực lượng chống chính phủ.
Các chuyên gia cho biết nhiều người lo ngại thảm họa có thể gây tổn hại cho hình ảnh của chính quyền. Trước đây, chính quyền của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã bị lung lay và dần sụp đổ kể từ khi xử lý sai thảm họa chìm phà Sewol năm 2014, khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Do đó, một số nhà lập pháp của đảng cầm quyền đã chỉ trích gia đình các nạn nhân trong các phiên họp quốc hội, điều này đã tạo ra "làn sóng bài xích" trên mạng.
Các nhà lập pháp thúc đẩy những thuyết âm mưu kỳ quặc: Một người cho rằng đám đông chen lấn là do dầu trơn, được các thành viên liên đoàn lao động có liên kết với phe đối lập đổ xuống đất; trong khi một người khác ám chỉ những cái chết là do ma túy bất hợp pháp.
Một cuộc điều tra chính thức của cảnh sát không tìm thấy bằng chứng nào cho cả 2 cáo buộc.
Seo Soo-min - giáo sư truyền thông tại Đại học Sogang – giải thích, môi trường chính trị phân cực cao của Hàn Quốc cho phép những thông tin sai lệch như vậy phát triển mạnh.
|
Vụ việc đám đông té ngã tại một con dốc thuộc quận Itaewon danh tiếng của Seoul vào kỳ lễ Halloween năm 2022 đã làm hơn 150 người thiệt mạng |
Không được hỗ trợ
2 ngày sau thảm họa, Thủ tướng Han Duk-soo đã công khai kêu gọi mọi người không "đưa ra những bình luận thù hận, lan truyền thông tin bịa đặt hoặc chia sẻ những hình ảnh phản cảm về vụ tai nạn".
Nhưng Kim Yu-jin, người đã mất em gái 24 tuổi trong thảm họa, cho biết chính phủ gần như không làm gì để ngăn chặn các cuộc tấn công, bất chấp những lời cầu xin giúp đỡ liên tục từ gia đình nạn nhân.
Một nạn nhân 16 tuổi sống sót ở Itaewon đã tự tử vào tháng 12/2022, một phần do bị sốc trước làn sóng tấn công trên mạng. Dù vậy, Thủ tướng Han Duk-soo cho biết chính phủ không chịu trách nhiệm về vụ tự sát, và đổ lỗi cho nạn nhân không đủ “bản lĩnh” để đối mặt với áp lực.
Ngay cả một bàn thờ công cộng được dựng lên để tưởng nhớ các nạn nhân cũng trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi chính quyền đe dọa dỡ bỏ. Đồng thời, một số YouTuber cũng tìm cách phá hoại bàn thờ trong các buổi livestream.
Cô Kim cho biết, gia đình của các nạn nhân giờ đây không chỉ đau buồn vì những người thân yêu đã mất mà còn phải chiến đấu để giành lại ký ức về họ trên mạng.
Mỗi ngày, cô ấy đọc vô số bình luận thù hận mới về em gái mình và liên hệ với các phương tiện truyền thông cá nhân để yêu cầu xóa chúng.
Cô chia sẻ: “Tôi biết đó là một nhiệm vụ vô vọng, có vô số lời bình luận. Nhưng tôi phải tiếp tục, còn ai sẽ đấu tranh cho em gái tôi?”.
|
Ngay cả một bàn thờ tưởng niệm công cộng dành cho các nạn nhân cũng trở thành mục tiêu bị lên án |
Linh La (theo AFP, CNA)