Nhiều dữ liệu cho một niềm tin…

09/02/2023 - 06:31

PNO - “Tình hình kinh tế khó khăn” là chủ đề thường được nêu trong rất nhiều cuộc trò chuyện khi người ta gặp nhau trong ngày đầu năm mới Quý Mão.

Từ ngày 8/1/2023 trở đi, Cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai mở từ 7-22h hàng ngày, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết.
Từ ngày 8/1/2023 trở đi, Cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai mở từ 7-22h hàng ngày, kể cả ngày nghỉ lễ, tết

Khó khăn là điều mà từng người, từng nhà cảm nhận rõ rệt trong những ngày tết. Nhiều nhóm hàng hóa không tăng giá, nhiều nhóm hàng giảm giá vẫn khó tiêu thụ, chẳng hạn hoa, kiểng. Ngay cả thịt heo - mặt hàng chiếm tới 4,2% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - cũng giảm giá giai đoạn cao điểm mua sắm trước tết.

Hoạt động tiêu dùng giảm là nguyên nhân chính khiến nhiều mặt hàng thiết yếu giữ nguyên hoặc hạ giá bán. Điều này đến từ việc lãi suất từ các ngân hàng đồng loạt tăng trong những tháng cuối năm 2022 nhằm kiểm soát lạm phát. Song song đó, các doanh nghiệp thiếu hợp đồng xuất khẩu cũng phải cắt giảm lao động hoặc cho người lao động nghỉ tết sớm… 

Với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, khi người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu thắt chặt chi tiêu thì những khó khăn đó là tất yếu. Sản xuất công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó trong những tháng tới. Đó là chưa kể đến những rủi ro như kinh tế thế giới đối diện với khả năng suy thoái, diễn biến khó lường từ xung đột quân sự Nga - Ukraine, dịch bệnh vẫn phức tạp…

Cùng thời điểm này 1 năm trước, cả nước vừa “mở cửa” sau nhiều tháng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch khiến nhiều hoạt động sản xuất, đầu tư bị ngưng trệ. Khi đó, cũng đã xuất hiện không ít lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn đạt 8%, trong khi lạm phát chỉ ở mức 3,15%.

Quyết định thay đổi biện pháp chống dịch COVID-19, sớm đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, cùng với các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô kèm nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã giúp kinh tế Việt Nam có 1 năm tăng trưởng ấn tượng.

Một điều rất đáng quan tâm là trong bối cảnh kinh tế thế giới có những biến động theo hướng tiêu cực thì hầu hết các tổ chức, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đều có chung nhận định là Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Cơ sở của nhận định này là đà phục hồi kinh tế trong năm 2022 sẽ tiếp tục được phát huy; chính sách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với sự chắp cánh của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả; khả năng thu hút thêm các dòng vốn FDI tốt. Đặc biệt, các nhà đầu tư lớn trên thế giới đang có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh dồn vào một quốc gia, một khu vực như trước nay. 

Thêm vào đó, Trung Quốc - thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam - đã bỏ chính sách “zero COVID”. Nhiều lĩnh vực sản xuất sẽ khôi phục được nguồn cung nguyên liệu từ nước này, trong khi việc xuất khẩu nông lâm thủy sản vào nước này sẽ được khai thông. Du lịch cũng có cơ hội đón thêm nguồn khách lớn…

Một điều chắc chắn là những cơn sốt đất khắp hang cùng ngõ hẻm, những cuộc làm giàu chóng vánh nhờ phù phép chứng khoán, cổ phiếu sẽ khó lặp lại trong năm nay. Những hoạt động kinh doanh gian dối đã và đang bị phanh phui, xử lý; dòng vốn nuôi sống nền kinh tế đang được nắn chảy đúng quỹ đạo của nó là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. 

Quá trình chuyển dịch này có thể mất nhiều tháng. Trong khoảng thời gian đó, nó có thể khiến một số người có cảm nhận mọi thứ khó khăn, ngột ngạt hơn. Nhưng khi mọi thứ được vận hành đúng như chức năng vốn có, nó có thể mở ra một chu kỳ phát triển ổn định và bền vững hơn.

Hoàng Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI