Theo UBND TPHCM, tính đến nay, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp với UBND TPHCM tháo gỡ khó khăn cho 30% trong tổng số 148 dự án bất động sản (BĐS) có vướng mắc pháp lý với hơn 10.000 căn hộ.
Tuần qua, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc (thuộc Tập đoàn Khang Điền) đã mở bán căn hộ chung cư The Privia Khang Điền (quận Bình Tân) với gần 700 căn được đặt mua trước. Tập đoàn Nam Long cũng mở bán căn hộ trong dự án chung cư Akari City (quận Bình Tân) giai đoạn 2. Chủ đầu tư các dự án chung cư Fiato Premium (TP Thủ Đức), Essentia (huyện Nhà Bè) cũng đang khởi động lại công tác quảng bá, truyền thông, chuẩn bị mở bán lại căn hộ sau thời gian tạm ngưng.
Chủ đầu tư dự án The Infinity Riviera Point (quận 7) cũng vừa giới thiệu sản phẩm ra thị trường sau khi được cấp giấy phép xây dựng vào ngày 27/11/2023 sau hơn 5 năm làm thủ tục (từ cuối năm 2018). Trước đó, vào tháng 4/2023, dự án Khai Hoan Prime (huyện Nhà Bè) đã được cấp giấy phép xây dựng sau hơn 4 năm “án binh bất động”. Các sản phẩm BĐS được giới thiệu hoặc mở bán gần đây đều đảm bảo về mặt pháp lý, có nhiều chính sách ưu đãi.
|
Dự án Shizen Home (quận 7) của Công ty TNHH Gotec Việt Nam đã được tháo gỡ vướng mắc, được phép bán 50% số căn hộ hình thành trong tương lai |
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - nhận định, thị trường BĐS đã qua giai đoạn khó khăn nhất và có triển vọng phục hồi. Các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, UBND TPHCM không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn khiến người dân có niềm tin hơn khi đầu tư vào BĐS.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư BĐS Avison Young Việt Nam - đánh giá, thị trường nhà ở Việt Nam đã có một số chuyển động trong các tháng cuối năm 2023. Có thể kỳ vọng sắp tới, sẽ có nhiều dự án tái khởi động, bổ sung nguồn cung mới cho thị trường dù một số doanh nghiệp BĐS còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn và phát triển dự án, Công ty cổ phần DKRA Group - nhận định, một số dự án BĐS thu hút sự quan tâm của khách hàng là nhờ có tính pháp lý đầy đủ, rõ ràng và nhờ nguồn cung nhà trên thị trường đang khan hiếm. Tuy nhiên, để bán được sản phẩm, các chủ đầu tư buộc phải đưa ra các chính sách ưu đãi như giá bán hợp lý, thời gian thanh toán dài, hỗ trợ tài chính cho người mua. Ông nói: “Lúc này, ưu tiên của các doanh nghiệp không phải là lợi nhuận mà là dòng tiền, nên họ cần mau chóng bán được sản phẩm”.
Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, các biện pháp tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ đã có tác dụng nên lĩnh vực BĐS bắt đầu có các dự án mới, có nguồn cung. Tuy nhiên, người dân vẫn chờ lãi suất vay giảm thêm và ổn định ở mức từ khoảng 6 - 7%/năm. Thời gian qua, việc một số ngân hàng đưa ra lãi suất cho vay mua nhà 6,5 - 7%/năm nhưng 1 năm sau lại tăng rất cao đã khiến người dân nghi ngại.
Ưu tiên gỡ vướng thủ tục đầu tư, quyền sử dụng đất UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành giải quyết được 52 kiến nghị ở 44 dự án trong số 189 kiến nghị, 148 dự án mà Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã tổng hợp. Các kiến nghị được chia thành 5 nhóm để giải quyết, trong đó nhóm 1 là vướng mắc thủ tục đầu tư (48 dự án, 71 kiến nghị); nhóm 2 là vướng mắc do thanh tra, điều tra, rà soát tính pháp lý (21 dự án, 22 kiến nghị); nhóm 3 là vướng đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (15 dự án, 21 kiến nghị); nhóm 4 là nhóm các sở, ngành đã có văn bản giải quyết (44 dự án, 52 kiến nghị) và nhóm 5 là nhóm các dự án đã xây dựng hoàn thành nhưng vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (30 dự án, 30 kiến nghị). Trong thời gian tới, UBND TPHCM sẽ tập trung giải quyết cho nhóm 1, nhóm 5 (36 dự án, 43 kiến nghị) và tiếp tục theo dõi, xử lý khi có kết luận, bản án có hiệu lực pháp luật hoặc sau khi có ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương. |
Bích Trần