Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn mơ hồ về thương mại điện tử

20/11/2024 - 19:00

PNO - Đây là nhận định được một số đại biểu đưa ra tại hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử", do Báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức chiều 20/11.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 18%/năm, người tiêu dùng tập trung mua chủ yếu trên những nền tảng lớn như Shopee và TikTok Shop. Do đó, các doanh nghiệp phải liên tục theo dõi cập nhật để giúp việc chuyển đổi số TMĐT hiệu quả hơn. “Những điểm chính quan trọng các doanh nghiệp cần phải lưu tâm hiện nay là về trí tuệ nhân tạo (AI), livestream và quảng cáo”- ông Đức lưu ý.

Một phiên live stream bán hàng đạt kết quả tốt ở sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành”
Sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành”, nhiều người nổi tiếng đã hỗ trợ tiểu thương bán hàng qua livestream

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn mơ hồ, chưa thực sự hiểu bản chất của livestream nên vẫn chưa hiểu rõ cách khai thác. Tại các buổi livestream, không ít doanh nghiệp chưa biết cách thiết lập giỏ hàng hay thu hút khách hàng hiệu quả.

Dẫn thống kê gần đây, VECOM cho biết, 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trên sàn TMĐT thì chỉ có Vinamilk là doanh nghiệp nội, và chỉ nằm cuối cùng trong danh sách, còn lại là doanh nghiệp ở Mỹ, Trung Quốc...

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Trần Quốc Bảo - Phó tổng giám đốc tập đoàn KIDO kiêm giám đốc điều hành TMĐT E2E - cho biết, KIDO tham gia TMĐT không phải để cung cấp dịch vụ hay chỉ tập trung bán sản phẩm riêng. KIDO định hướng xây dựng một kênh phân phối toàn diện, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm khác nhau, từ thương hiệu của KIDO đến các đối tác. Định hướng này không chỉ giúp công ty tăng cường khả năng tiếp cận người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ thống phân phối bán hàng của sản phẩm.

Một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược phát triển TMĐT của KIDO là tận dụng sức mạnh của KOL (người có sức ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có tầm ảnh hưởng). Theo ông Bảo, đây là những lực lượng lao động mới có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời đại số. Họ không chỉ mang đến các sản phẩm chất lượng, mà còn tạo giá trị thực sự cho xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc điều hành thương hiệu cà phê nông sản Meet More - chia sẻ, với các doanh nghiệp, TMĐT là hình thức mới, do đó ông không ngừng học hỏi từ thị trường trong và ngoài nước. Ông từng đi học livestream và làm nội dung cùng các bạn trẻ Gen Z để tìm ra công thức riêng phù hợp với doanh nghiệp của mình.

Meet More đã tự tổ chức các phiên livestream giới thiệu sản phẩm OCOP từ Cần Giờ đến chợ Bến Thành và thông qua các chương trình giúp doanh nghiệp Việt thử nghiệm, thích nghi với xu hướng TMĐT. "Tôi cho rằng, lấy thương hiệu OCOP làm trọng tâm là một cách tiếp cận đúng đắn. Thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh. Đây là chìa khóa để thành công, nhất là trên các sàn TMĐT" - ông nói.

Phát triển ngành công nghiệp livestream theo mô hình của Trung Quốc

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Trung Quốc hiện là quốc gia điển hình phát triển thành công ngành công nghiệp livestream. Quốc gia này đã tạo ra các "nhà máy livestream", nơi có hàng ngàn phòng vận hành chuyên nghiệp theo mô hình dây chuyền. Đây là bài học quan trọng cho Việt Nam khi muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng lực lượng livestream chuyên nghiệp hơn.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI