Nhiều doanh nghiệp Việt muốn mở rộng đầu tư tại Đông Nam Á trong 3 năm tới

16/07/2024 - 12:48

PNO - Theo nghiên cứu triển vọng doanh nghiệp (DN) năm 2024 của Ngân hàng UOB Việt Nam công bố ngày 16/7, hầu hết DN ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại và gần 90% DN được khảo sát quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, trong đó ASEAN là thị trường hàng đầu.

Cụ thể, khoảng 60% DN được khảo sát tại Việt Nam, cho biết động lực hàng đầu của họ cho việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là để tăng doanh thu. Các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới là một phương tiện phổ biến để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, với hơn 9 trên 10 doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng kênh này.

Đại diện
Đại diện UOB chia sẻ về các nội dung trong nghiên cứu được công bố.

Khi nhìn vào các khu vực mà các DN Việt Nam đang nhắm tới cho việc đầu tư ra nước ngoài trong 3 năm tới, ASEAN là lựa chọn hàng đầu, với gần 7/10 DN muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực này. Trung Quốc đại lục là thị trường trọng điểm thứ hai, với 37% DN muốn đầu tư vào quốc gia này. Trong ASEAN, Thái Lan là quốc gia quan trọng nhất mà các DN Việt Nam muốn đầu tư vào, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Indonesia.

Tuy nhiên, việc mở rộng ra nước ngoài là thách thức đối với DN Việt Nam do một số rào cản chính gồm: Thiếu khách hàng tại thị trường mới (41%); thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế (39%); khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác (38%).

Để mở rộng ra thị trường nước ngoài, các DN ở Việt Nam đang mong đợi những hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế (42%), các nguồn tài trợ hoặc trợ cấp dành cho các thị trường mới (40%). Bên cạnh những hỗ trợ tài chính này, hơn 40% DN Việt Nam đang tìm kiếm các hỗ trợ phi tài chính, như kết nối với các doanh nghiệp lớn là khách hàng tiềm năng mà công ty của họ có thể cung cấp ở thị trường nước ngoài.

Nghiên cứu “Triển vọng DN của UOB năm 2024” được khảo sát hơn 4.000 DN (DN vừa và nhỏ, DN lớn) tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 DN tại Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy, lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2023 nhưng triển vọng năm 2024 vẫn tích cực.

Mặc dù vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra có sự sụt giảm trong số lượng DN ở Việt Nam đạt mức doanh thu tăng trong năm 2023 so với năm trước. Lạm phát cao, giá cả hàng hóa bất ổn và sự phục hồi sau suy thoái kinh tế là ba yếu tố vĩ mô hàng đầu tác động đến DN trong năm 2023. Trong đó, lạm phát cao khiến chi phí cung ứng của gần 50% DN tại Việt Nam tăng cao - trở thành thách thức hàng đầu trong việc quản lý chuỗi cung ứng bên cạnh những thách thức từ việc mua sắm vật tư, nguyên liệu thô.

Để đối phó với những thách thức này, các DN xây dựng một kế hoạch thận trọng trong đó kết hợp giữa các biện pháp ngắn hạn như giảm chi phí và các biện pháp dài hạn như đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm quan hệ đối tác kinh doanh mới để hợp tác trong vòng 1 đến 3 năm tới.

Về triển vọng trong tương lai, gần 90% DN tại Việt Nam kỳ vọng triển vọng vào năm 2024 sẽ tích cực với hiệu quả kinh doanh được cải thiện. Để đạt được điều này, DN đang lên kế hoạch để tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, nâng cấp trang thiết bị hoặc cơ sở vật chất để nâng cao năng suất và đa dạng hóa các kênh bán hàng để thúc đẩy tăng trưởng.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI