Trong khi chính quyền TP.HCM vẫn đang loay hoay với bài toán giải quyết việc di dời cư dân, cải tạo, sửa chữa hàng loạt chung cư loại D (nguy hiểm, phải di dời ngay) thì không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư đang lùng sục mua chung cư loại C (đang xuống cấp) với mong muốn sở hữu những lô đất vàng.
|
Một chung cư cần di dời dân khẩn cấp |
Chính quyền loay hoay
Việc sửa chữa, cải tạo, sắp xếp chung cư cũ, đặc biệt là chung cư loại D - hầu hết được xây dựng trước năm 1975 - đã được UBND TP.HCM phân cấp về cho các quận, huyện giải quyết.
Sau nhiều năm triển khai, các quận, huyện hiện vẫn loay hoay với việc này.
Đơn cử, Q.1 hiện có 86 chung cư được kiểm định chất lượng, xếp loại D, phải di dời cư dân lập tức.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND Q.1 - cư dân trong các chung cư này vẫn chưa chịu giao mặt bằng.
“Quỹ nhà tạm cư của Q.1 hiện không còn. Chúng tôi kiến nghị các sở, ngành hỗ trợ, rà soát thì nhận thấy, quỹ nhà tạm cư cho người dân chủ yếu tập trung các chung cư thuộc Q.Bình Thạnh, Q.4 và H.Bình Chánh, H.Nhà Bè. Tuy nhiên, không phải cư dân nào thuộc diện di dời cũng đồng ý với phương án tạm cư tại các địa phương vừa nêu” - ông Dũng cho hay.
Ông Lê Duy Mạnh - cư dân chung cư 155-157 Bùi Viện, một trong 86 chung cư trước năm 1975 phải di dời của Q.1 - thắc mắc: “Chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm cư dân ở các chung cư cũ được chuyển đi tạm cư nhiều năm trước, nhưng đến giờ vẫn không biết được ngày về. Nếu phân về tạm cư ở H.Bình Chánh, H.Nhà Bè, cuộc sống của chúng tôi sẽ bị xáo trộn rất lớn do mất quá nhiều thời gian đi lại”.
Được biết, đến nay, chung cư 155-157 Bùi Viện còn 29/100 hộ đang sinh sống, trong đó có 10 hộ kiên quyết không chịu di dời.
Theo quy định, hộ thuộc diện di dời chỉ tạm cư 36 tháng, sau đó sẽ được tái định cư tại chỗ, trừ những trường hợp bán lại căn hộ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND các quận, huyện, khó khăn lớn nhất chính là không tìm được nhà đầu tư. Một cái khó nữa là không trả lời được cho dân: nếu được tái định cư tại chỗ thì diện tích khoảng bao nhiêu m2/căn hộ, thời gian phải tạm cư là bao lâu.
Liên quan đến việc kêu gọi nhà đầu tư, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, theo quy định, sau khi xác định một chung cư thuộc loại D thì trong 3 tháng, những ai có quyền sở hữu hoặc đồng sở hữu chung cư sẽ được phép chọn nhà đầu tư, sau đó trình lên các cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép cho nhà đầu tư này.
Khi được đồng ý, nhà đầu tư sẽ di dời, bố trí chỗ tạm cư cho cư dân hoặc thỏa thuận mua lại các căn hộ, tiến đến thực hiện trách nhiệm tháo dỡ, xây mới lại chung cư.
Nếu sau 3 tháng, chủ sở hữu hay các đồng sở hữu chung cư không tìm được nhà đầu tư thì trách nhiệm di dời, tháo dỡ, tìm kiếm nhà đầu tư thuộc về nhà nước. Hiện tại, việc di dời, tạm cư, tháo dỡ hầu hết các chung cư loại D ở TP.HCM đang thuộc về trách nhiệm của nhà nước, nhưng giữa chính quyền và nhà đầu tư đang thiếu sự nhất trí, nhất là về nghĩa vụ tài chính.
|
Chung cư 23 Lý Tự Trọng, Q.1 hiện đã được rào chắn và chờ đợi xác định nghĩa vụ tài chính đối với các phần thuộc sở hữu của Nhà nước và tư nhân |
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - nêu thực trạng: “Tâm lý của chính quyền là hễ có 1m2 đất nào không thuộc sở hữu của người dân thì lập tức thu hồi, đem đấu giá. Trong khi đó, mỗi chung cư đều có rất nhiều phần không gian như hành lang, cầu thang hay các con đường chạy xen giữa các lô chung cư".
Theo ông Hoan, các không gian chung đó nằm trong chung cư thì lẽ ra là của cư dân chung cư sở hữu, vì khi người dân mua một căn hộ, họ đều đã phải trả tiền luôn cho phần không gian này. Nhưng khi tính toán, chính quyền cho rằng, người dân chỉ sở hữu căn hộ.
"Giả sử nguyên miếng đất của toàn khu chung cư mà cho rằng dân chỉ có quyền sở hữu diện tích căn hộ riêng của mình, rồi cứ thế thu hồi phần đất của các con đường xen giữa các chung cư hay lấy khuôn viên, hành lang đó đem đi đấu giá thì cư dân hay nhà đầu tư nào chấp nhận điều này?” - ông Hoan đặt vấn đề.
Ông Hoan còn nêu trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận mua lại được các căn hộ của cư dân, tức là họ mua lại luôn các khoảng không thuộc sở hữu chung từ dân: “Khi đó, nhà đầu tư vừa phải thanh toán cho dân, vừa thực hiện nghĩa vụ tài chính với chính quyền".
|
Ông Lê Duy Mạnh - ở chung cư 155-157 Bùi Viện, Q.1 - cho biết có rất nhiều câu hỏi chính quyền chưa trả lời được |
yền đối với những khoảng không gian không có trong sổ đỏ của dân. Vậy thì sao họ chịu?”.
Cảnh báo mất đất vàng
Để giải bài toán còn nhập nhằng nói trên, ông Hoan cho biết, hiện UBND TP.HCM đang yêu cầu các sở, ngành rà soát, nghiên cứu, thẩm định quyền sở hữu đối với không gian chung của chung cư cũng như các phương án gỡ rối trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà đầu tư.
Thế nhưng, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, việc thẩm định quyền sở hữu này không hề dễ dàng. Cụ thể, chung cư 23 Lý Tự Trọng và 128 Hai Bà Trưng có sự đan xen giữa sở hữu tư nhân và nhà nước.
Trong đó, có các phần diện tích như cầu thang, hành lang chưa xác định được thuộc sở hữu của ai, dẫn đến khi thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhà đầu tư hỏi quận, quận hỏi Sở Xây dựng, sở gửi công văn lên Bộ Xây dựng xin hướng dẫn, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời nào.
Trong khi chờ bộ ban hành hướng dẫn thì hai chung cư này đã ở vào tình trạng “nếu không tháo dỡ, sẽ đổ sập bất cứ lúc nào”, nên chỉ có thể tiến hành rào chắn xung quanh.
“Theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm tháo dỡ nhưng chủ đầu tư còn đang chờ xem xét nghĩa vụ tài chính mới quyết định đầu tư hay không. Do đó, chúng tôi đành phải chọn phương án xin nhà nước cho tháo dỡ ngay hai chung cư này. Sau này, ai đầu tư, sẽ hoàn lại tiền tháo dỡ cho nhà nước” - đại diện Sở Xây dựng TP.HCM nói.
Vị này cho biết thêm, có một số nhà đầu tư muốn xây dựng các trung tâm thương mại trên phần đất chung cư, có bố trí các căn hộ tái định cư tại chỗ cho dân. Để tránh tình trạng nhà đầu tư “thổi vốn”, sở cũng phải xem lại chủ trương, ý chí của các nhà đầu tư, đồng thời có sự bàn bạc cụ thể với các cư dân.
Trong khi việc bố trí tạm cư, di dời vẫn đang trong vòng luẩn quẩn, hiện tại, các doanh nghiệp đang bước vào cuộc săn lùng, mua lại hàng loạt khu chung cư loại C đang xuống cấp, đặc biệt là những chung cư nằm ở các khu đất vàng.
“Tôi biết hiện nay, các doanh nghiệp đang len lỏi, lùng mua và cư dân chung cư loại C cũng đã sẵn sàng bán lại” - ông Hoan khẳng định.
Ông chỉ ra một loạt chung cư loại C nằm ở vị trí đất vàng, có khả năng thuộc về các doanh nghiệp, như: chung cư 90-98 Nguyễn Huệ với 2.000m2 đất, chỉ có 4 tầng và 20 hộ sinh sống, chung cư 25-35 Nguyễn Công Trứ, 107 Tôn Thất Đạm hay 145 Nguyễn Trãi, mỗi nơi 1.000m2 mà chỉ 24 hộ sinh sống, chung cư 62 Trần Hưng Đạo với 2.200m2 đất, chỉ gồm 3 tầng và 73 hộ...
Ông Hoan nói: “Những vùng như Cần Giờ, Nhà Bè, đất bao la, họ chẳng thèm, nhưng đất trung tâm quá đẹp, chỉ vài trăm mét vuông cũng đã có hàng loạt các doanh nghiệp để mắt. Ngoài vị trí đẹp, các chung cư này đều có số tầng quá ít và số hộ dân sinh sống không nhiều nên doanh nghiệp muốn mua lại là chuyện không khó”.
Mặc dù cho rằng chính quyền không thể xen vào chuyện mua bán này, cũng như sẽ tốt cho dân nếu được doanh nghiệp trả giá cao, nhưng ông Hoan lo lắng: “Doanh nghiệp mua rồi, họ làm gì trong sự cho phép thì chính quyền cũng đâu có ngăn cản được. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến quy hoạch, chỉnh trang của thành phố sau này sẽ gặp không ít khó khăn, không còn cơ hội tổ chức lại quỹ đất nếu những khu đất vàng đó thuộc về doanh nghiệp”.
Liên quan đến “cuộc đua” này, ông Hoan cho biết, đang đề nghị phối hợp nghiên cứu để “đi trước một bước”, nhằm tránh tình trạng đất vàng bị mất, còn đất sỏi đá thì người dân và chính quyền cùng ôm.
Ngày 28/6, Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành báo cáo cụ thể tình hình phê duyệt, quy hoạch, kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ đến hết quý II/2019. Báo cáo phải bao gồm các nội dung: tổng số chung cư cũ trên địa bàn, số lượng chung cư cần tháo dỡ, xây dựng lại (chung cư loại D) và gửi về bộ trước ngày 30/7. Đối với TP.Hà Nội và TP.HCM, bộ đề nghị tổng hợp, báo cáo các khó khăn, vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ cũng như các điều kiện đặc thù.
Được biết, TP.HCM hiện có gần 500 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, nay đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có 15 chung cư hư hỏng nặng, cần phải di dời, tháo dỡ ngay lập tức.
|
Tuyết Dân