Nhiều doanh nghiệp được khuyên chú trọng vào nội địa

12/12/2024 - 16:11

PNO - Chia sẻ tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề “Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 12/12, nhiều doanh nghiệp cho biết dù xuất khẩu đã tăng trở lại, nhưng vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá trị thu về không lớn.

Xuất khẩu gặp khó

Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam – cho biết, dù ngành điều Việt Nam dẫn đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu, song chúng ta cũng dẫn đầu về nhập khẩu hạt điều nguyên liệu; 90% hạt điều nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia.

Hiện nhiều nước châu Phi đã áp thuế xuất khẩu hạt điều thô; miễn thuế hạt điều sơ chế và chế biến... Việc này như một cách để giữ nguyên liệu điều để chế biến trong nước nhằm làm tăng giá trị.

Doanh nghiệp tại châu Phi đã tập trung vào chế biến tại chỗ, và xuất sang Việt Nam những dòng nguyên liệu kém chất lượng như cách để tận dụng tay nghề khéo léo của công nhân Việt Nam trong khâu hoàn thiện sản phẩm.

"Nếu cứ tiếp tục, điều này có thể bóp chết ngành điều trong tương lai, vì nhiều doanh nghiệp chế biến điều trong nước đã đầu tư nhà máy lên tới 300 – 500 tỉ đồng...", ông Nhựt cảnh báo.

Quang cảnh tại diễn đàn
Ông Tô Đình Tuân (đứng) - Tổng biên tập Báo Người lao động - bày tỏ mong muốn được các chuyên gia chia sẻ các giải pháp cho doanh nghiệp

Ông Trần Như Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công - thông tin, trong năm 2024, ngành dệt may dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỉ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đà tăng này chưa thật sự bứt phá, bởi năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt mức thấp.

Hiện xuất khẩu dệt may sang Mỹ chỉ xếp sau Trung Quốc. Nếu Mỹ áp thuế cao đối với dệt may từ Trung Quốc thì hàng Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế. Tuy nhiên xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn khi đối tác đòi hỏi sản phẩm phải đạt chuẩn xanh.

Ông Tùng nói: Để đáp ứng đủ tiêu chí xanh, doanh nhiệp phải đầu tư công nghệ, chuyển đổi số khiến chi phí gia tăng. Nhưng điều đáng buồn là sản phẩm bán ra lại không tăng, thậm chí giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ còn phải giảm 5%. Nếu doanh nghiệp không nhận đơn hàng thì mất cơ hội.

Một khó khăn nữa là ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Nếu Mỹ tăng thuế đối với hàng dệt may từ Trung Quốc thì có nguy cơ Trung Quốc sẽ sử dụng Việt Nam làm trạm trung chuyển để xuất khẩu sang Mỹ.

“Thời gian qua, đã có sự dịch chuyển của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu” – ông Trần Như Tùng nói.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - trước đây giá lúa tươi chỉ có 4.000 đồng/kg nhưng nay đã lên 8.000 đồng/kg, xuất khẩu có thể đạt kỷ lục tới 9 triệu tấn. Cà phê từ 40.000 đồng/kg cũng tăng lên tới 130.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này phá sản vì phải đầu tư thêm vào sơ chế, chế biến để tạo thêm nguồn thu từ giá trị gia tăng thay vì chỉ hưởng chênh lệch giá.

Nên khai thác thị trường nội địa

Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia – cho biết, dựa trên số liệu tính đến tháng 9/2024, đóng góp vào GDP của Việt Nam cho thấy tiêu dùng nội địa giữ vai trò then chốt, chiếm hơn 62,7%. Tiếp đó, tích lũy tài sản đóng góp 36%.

Trong khi đó, chênh lệch xuất khẩu chỉ đóng góp 0,7% vào GDP. Điều này phản ánh thực trạng: mặc dù Việt Nam xuất siêu hàng hóa, nhưng lại nhập siêu dịch vụ ở mức lớn, làm giảm tác động tích cực của xuất khẩu đối với nền kinh tế.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia - cho biết, hiện nay, Việt Nam chiếm 1,3% thị phần nhập khẩu toàn cầu, thuộc nhóm 25 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 tỉ USD, tương đương 80% GDP. Tuy nhiên, đóng góp thực sự của xuất khẩu vào GDP để tạo ra giá trị gia tăng mới chỉ đạt 25%, trong khi 75% còn lại phụ thuộc vào thị trường nội địa.

Chúng ta tự hào về kim ngạch xuất khẩu cao, đặc biệt trong các ngành điện tử, di động, chip bán dẫn... Tuy nhiên, giá trị mà Việt Nam thực sự thu về còn rất khiêm tốn. Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có giá trị rất lớn, nhưng phần Việt Nam hưởng lợi lại rất nhỏ.

Các chuyên gia đề nghị cần khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng - Ảnh Thanh Hoa
Các chuyên gia đề nghị cần khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng - Ảnh Thanh Hoa

Chẳng hạn, trong lĩnh vực chip bán dẫn sản xuất tại Việt Nam, chúng ta chủ yếu tham gia vào khâu đóng gói với giá trị chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng giá trị. Điện thoại di động cũng tương tự. Điều này cho thấy tăng tỉ lệ nội địa hóa và gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách.

Tiến sĩ Trần Du Lịch đồng tình với quan điểm động lực chính cho tăng trưởng GDP trong thời gian tới sẽ đến từ tiêu dùng nội địa. Trong bối cảnh khó khăn, các ngành như nông nghiệp, may mặc, da giày đã giữ vững thị trường nội địa, điều này rất đáng khích lệ.

Để tận dụng cơ hội này, cần tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư. Từ năm 2025 trở đi, với hạ tầng được cải thiện, chi phí logistics có thể giảm đáng kể, cùng với sự đầu tư của Chính phủ vào năng lượng và hạ tầng số, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn còn méo mó, với phần lớn sản phẩm tập trung phục vụ nhà đầu tư thay vì người tiêu dùng thực sự.

Một ví dụ rõ ràng là với thu nhập 25 triệu đồng/tháng, một cặp vợ chồng trẻ chỉ tiết kiệm được 3 triệu đồng mỗi tháng và phải mất đến 100 năm mới có thể mua được nhà. “Quản lý thị trường bất động sản chỉ có thể dựa vào hai công cụ chính: quy hoạch và thuế, phí. Do đó, cần lành mạnh hóa thị trường bất động sản, hướng tới phục vụ nhu cầu nhà ở thực sự của người dân thay vì chạy theo mục đích đầu tư” – tiến sĩ Trần Du Lịch kiến nghị.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho biết, sự phát triển của các sàn thương mại điện tử nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, đang lấn át thị trường nội địa. Nếu Temu tiến vào Việt Nam và được phê duyệt đầy đủ thủ tục, thì ngành công nghiệp nội địa sẽ chịu tác động. Do đó, động lực tăng trưởng từ khu vực nội địa cần được nhấn mạnh nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp về thể chế.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI