Chỉ cầm cự được hơn một tháng nữa
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu ngành dệt may chưa bao giờ giảm sâu như hiện nay. Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu tháng Một đạt 2,85 tỷ USD, giảm 23,48% so với cùng kỳ năm 2019; kim ngạch nhập khẩu 1,39 tỷ USD, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Hồng, 80% nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp (DN) đều nhập nguyên liệu từ trước tết đến sau tết để sản xuất cả năm. Từ sau tết đến nay, các DN không nhập được nguyên phụ liệu mới, họ sử dụng các nguyên liệu đã nhập từ trước tết và chỉ đủ sản xuất đến hết tháng 3/2020.
Giám đốc một công ty may mặc tại Q.8, TPHCM cho biết, công ty ông hiện có vải để may nhưng lại thiếu nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc. Toàn bộ nguyên phụ liệu chỉ đủ sản xuất trong một tháng tới. Do thiếu một số nguyên phụ liệu, hàng ngàn sản phẩm đã may xong nhưng không thành phẩm, đành chất kho để đó. Công ty ký được hợp đồng với đối tác hay không, phải trông chờ vào lượng nguyên phụ liệu này.
“Không ký được hợp đồng, doanh thu không có, hơn 1.000 lao động tại công ty không có thu nhập. Hiện phân nửa lao phải nghỉ việc, hưởng 70% lương cơ bản, sau đó thì luân phiên tiếp tục. Đây là cách để tôi giữ lao động, bởi nếu cho nghỉ hết, khi tái sản xuất thì không biết tìm đâu ra. Toàn bộ đất đai, nhà xưởng đều đã thế chấp để lấy vốn duy trì nhưng không biết DN cầm cự được bao lâu” - vị giám đốc này chia sẻ.
Chị Thái Trang - chuyên thiết kế và kinh doanh thương hiệu thời trang D&T - cho biết, cơ sở của chị và khoảng 100 chủ cơ sở may mặc tại chợ An Đông (Q.5, TPHCM) chỉ có thể cầm cự khoảng một tháng nữa vì nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc sắp hết. Ví dụ, phải có keo mới đính được hạt hoặc phải có đinh mới đóng được hạt chuỗi trang trí, trong khi hai phụ liệu này lại hết hàng.
Ngành hàng điện tử cũng cùng chung số phận khi tỷ lệ nhập khẩu linh kiện điện tử từ Trung Quốc chiếm đến 34% tổng kim ngạch nhập khẩu (13,8 tỷ USD), Hàn Quốc chiếm 42% (16,8 tỷ USD). Đánh giá về tác động của dịch COVID-19 lên ngành công nghiệp, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, ngành điện tử chịu tác động rất lớn vì linh kiện nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc đang bị thiếu hụt đầu vào.
Theo đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, một số linh kiện, phụ kiện sản xuất của công ty được nhập từ Trung Quốc qua đường cửa khẩu Lạng Sơn. Tới đây, phía Trung Quốc dự kiến đóng cửa khẩu khu vực này để phòng chống dịch nên nguồn hàng nhập khẩu của công ty bị ảnh hưởng. Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam cũng đứng trước khả năng suy giảm sản lượng điện thoại, ti vi và nhiều mặt hàng điện tử khác do không có nguyên liệu đầu vào để sản xuất.
|
Dệt may là ngành chịu tác động mạnh nhất do dịch COVID-19 vì nguyên phụ liệu ngành này chủ yếu từ Trung Quốc |
Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tải cũng gặp khó khi có hơn 70% linh kiện nhập từ Trung Quốc. Trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng, linh kiện ô tô, trong đó từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17,54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%), và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%).
Doanh nghiệp phá sản trên diện rộng
Theo ông Phạm Xuân Hồng, dịch COVID-19 tác động đến hầu hết các DN trong nước ở nhiều mặt. Ví dụ, DN xuất khẩu thì không có nguồn nguyên liệu, hàng không thành phẩm nên không có đơn đặt hàng. DN sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước lại bị ảnh hưởng do không tìm được đầu ra.
Ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Công ty may thêu Minh Long Hưng, chuyên sản xuất hàng bán trong nước - cho rằng, nhóm DN sản xuất hàng bán trong nước ít gặp khó về nguyên phụ liệu do có nguồn hàng từ Ấn Độ, Pakistan. Nhập từ Trung Quốc dễ hơn, giá mềm hơn, chỉ mất 7-10 ngày trong khi nhập từ nơi khác thì thủ tục khó hơn, giá cao hơn, mất hơn 4 tuần mới nhận được hàng. Ảnh hưởng lớn đối với DN sản xuất trong nước là thị trường mua sắm đang đóng băng, sức mua giảm đến 90%. Đa phần DN đều chuẩn bị hàng hóa từ trước tết để phục vụ nhu cầu mua sắm sau tết, nhưng hiện hàng hóa đang chất đầy trong kho vì không ai mua.
Ông Lý Thành Sinh cho biết thêm, DN sản xuất trong nước đa phần cung ứng sản phẩm cho người có thu nhập thấp. Nhưng tầng lớp này đang bắt đầu có thu nhập mất ổn định do không có việc làm, đã nghèo nay còn nghèo thêm. Nếu dịch bệnh hết, họ cũng không có tiền mua sắm. Dự đoán, lượng DN bị lỗ, phá sản sẽ rất nhiều. DN lỗ còn báo thuế để được miễn giảm thuế, nhưng hệ thống phân phối của các DN đang chịu thuế khoán, kinh doanh không được mà vẫn đóng thuế, trả mặt bằng đều đều thì chết chắc.
“Dịch COVID-19 gây nên “hiệu ứng domino” trên khắp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các lĩnh vực tín dụng lại siết chặt cả về thời gian, hạn mức và đối tượng vay nên không có cơ sở nào để kích hoạt thị trường. Rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong lúc này về thuế, vốn” - ông Sinh đề nghị.
Hiện Vitas và các hiệp hội khác đã gửi công văn báo cáo Chính phủ và các bộ về tác động của dịch COVID-19 đến các ngành nghề, đồng thời đề nghị một số giải pháp, kiến nghị để hỗ trợ. Vitas đánh giá, DN chưa tự chủ được đơn hàng, phục thuộc vào các DN Trung Quốc hoặc các DN lớn tới đây có thể sẽ phải đóng cửa vì thiếu nguyên phụ liệu. Để tháo gỡ, Vitas đề nghị các DN cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế hoặc các nước khác. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới lại đẩy DN vào một thách thức lớn là giá cả sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh.
Việt Nam có khoảng 90% DN nhỏ và vừa nên ngoài sự chủ động của DN, cần có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước như ưu đãi lãi vay và thời gian vay, hỗ trợ tiếp cận và đổi mới công nghệ, cải tiến thủ tục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, đồng thời giảm bớt các chi phí về thuế, điện, nước, phí cầu đường, phí cảng biển cho các DN.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - thông tin, các DN cần đưa ra nhu cầu cụ thể về nguồn nguyên phụ liệu thiếu hụt để Bộ Công thương kịp thời tìm kiếm nguồn cung phù hợp. DN cũng cần lên phương án dự trù nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Thanh Hoa