Nhiều đồ vật sinh hoạt bị "bỏ quên" trong âm đạo các bé gái

18/07/2024 - 10:30

PNO - Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 liên tiếp phát hiện đồ vật dùng trong sinh hoạt hằng ngày trong âm đạo các bé gái.

Mới đây, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM đã tiếp nhận, điều trị cho bé gái 4 và 5 tuổi bị viêm âm đạo nặng nề bởi có dị vật để lâu.

Theo đó, cả hai bé là con của hai gia đình khác nhau, được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng như đau rát, sưng nề âm đạo, vùng kín nhiễm trùng nghiêm trọng, bị áp xe, chảy mủ,..

Những dị vật bỏ quên được các bác sĩ xử lý gắp ra ngoài cho các bé gái
Những dị vật "bỏ quên" được các bác sĩ xử lý gắp ra ngoài cho các bé gái

Ban đầu, khi thấy con than đau vùng kín, phụ huynh nghĩ con bị viêm nhiễm thông thường nên vệ sinh vùng âm đạo, mua thuốc tây cho con uống, nhưng không thuyên giảm.

Sau khi khai thác bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ bé có dị vật “bỏ quên” trong âm đạo nên thực hiện nội soi chẩn đoán. Kết quả nội soi cho thấy cả hai bé đều có dị vật trong âm đạo lần lượt là bông gòn, viên pin nhỏ từ đồ chơi điện tử.

Bác sĩ CK2 Phan Tấn Đức – Trưởng khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, ngay sau khi phát hiện dị vật, các bé được nội soi gắp ra ngoài và điều trị viêm nhiễm âm hộ. Hiện tại, sức khỏe các bé đã ổn định, hết viêm, được xuất viện về nhà.

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, dị vật âm đạo “bỏ quên” ngoài gây nhiễm trùng, mưng mủ, còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng sinh sản về sau của bé.

“Thống kê từ phòng Kế hoạch tổng hợp, từ năm 2021 đến nay, có khoảng 30 bé gái được chẩn đoán dị vật âm đạo, bé từ 4-6 tuổi chiếm đa số. Các dị vật thường là đồ vật trong sinh hoạt như nút áo, bông gòn,… hay đồ chơi lắp ráp, đồ chơi kích thước nhỏ, bút chì sáp,…”, bác sĩ Thạch nói thêm.

Khác với các nhiễm trùng thông thường, những dị vật gây viêm nhiễm, chảy máu âm đạo kéo dài, âm đạo chảy dịch tiết liên tục, có mùi hôi. Bên cạnh đó, vùng âm hộ sinh dục viêm đỏ, ngứa ngáy, sưng nề,… đau rát khi bé đi vệ sinh. Một số bé bị căng thẳng, lo âu, sợ hãi.

Vì vậy, để phòng ngừa, cha mẹ nên quan tâm, chia sẻ với bé nhiều hơn. Ở trẻ lớn, phụ huynh cần giải thích cho bé hiểu về cơ thể, biết được “vùng riêng tư”, cũng như những tò mò về tâm sinh lý cho trẻ. Thường xuyên trò chuyện để trẻ cảm thấy được an tâm, sẵn sàng chia sẻ về vấn đề mình đang gặp.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ cho trẻ chơi đồ chơi phù hợp, và quan sát bé nhiều hơn. Nếu bé có các triệu chứng viêm nhiễm âm đạo không thuyên giảm, phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để thăm khám, điều trị.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI