PNO - Việc các diễn viên liên tục xuất hiện trên màn ảnh rộng với dạng vai tương tự nhau đang bị khán giả phản ứng. Nếu không chọn lọc vai diễn và kịch bản kỹ càng, họ dễ bị đóng khung trong một hình tượng nhất định.
Vài năm qua, tình trạng màn ảnh rộng trong nước thiếu những nhân tố mới đã được đề cập. Tuy nhiên, để giải bài toán “khát” diễn viên trẻ có năng lực không dễ. Dù mỗi năm đều xuất hiện lứa sinh viên tốt nghiệp ở các trường đào tạo về diễn xuất, nhưng màn ảnh rộng cũng chỉ quanh quẩn vài gương mặt cũ.
Trong phim Mùa hè đẹp nhất mới ra mắt, diễn viên Trần Nghĩa và Khánh Vân gây bất ngờ khi tái hợp. Trước đó, họ đóng trong Mắt biếc (2019) của đạo diễn Victor Vũ. Sau phim điện ảnh đầu tay, cả hai đều tham gia những dự án khác nhau. Đa phần, các phim họ chọn góp mặt đều khai thác chủ đề thanh xuân, tuổi trẻ nên tạo hình và diễn xuất của cả hai không tạo nhiều bất ngờ. Trần Nghĩa trong Mùa hè đẹp nhất, Mắt biếc hay phim truyền hình Nhà trọ Balanha đều na ná nhau. Nhân vật có học thức, hiền, hơi nhút nhát. Anh có “đổi vị” cho khán giả với dự án phim kinh dị Đảo độc đắc - Tử mẫu thiên linh cái nhưng vai diễn không ấn tượng nên khán giả phần nhiều vẫn chỉ nhớ thầy giáo Ngạn - vai diễn Trần Nghĩa “chào sân” điện ảnh. Khánh Vân cũng gặp tình trạng tương tự khi không tạo được cảm giác mới mẻ cho người xem.
Trần Nghĩa trong phim Mùa hè đẹp nhất bị “đóng mác” cho những nhân vật có học thức, hiền, hơi nhút nhát
Nếu Trần Nghĩa, Khánh Vân “sao y” nhân vật họ từng thể hiện thì trường hợp của diễn viên Tuấn Trần là xuất hiện liên tục, chưa có đột phá. Tuấn Trần nổi lên sau phim điện ảnh Bố già (2021) của Trấn Thành. Anh tiếp tục xuất hiện trong Đất rừng phương Nam (2023), Mai (2024), Móng vuốt (2024) và Làm giàu với ma sắp ra rạp vào tháng 9/2024. Liên tục trong 5 năm, từ 2017-2021, Tuấn Trần đều có phim ra rạp, nhưng chỉ 3 năm trở lại đây, anh mới được chú ý. Dù vậy, sự xuất hiện dày của Tuấn Trần với vai lớn trong các dự án điện ảnh đang được cộng đồng mạng “mổ xẻ”. Người xem cho rằng, anh nên cân nhắc tham gia vì nếu dạng vai không hoàn toàn mới, khán giả sẽ nhàm chán kiểu nhân vật ăn chơi, tính tình bộp chộp, đa tình. Với những diễn viên trẻ, để rèn nghề, họ cũng cần tham gia liên tục các dự án nên gần như không có sự lựa chọn. Hễ có lời mời, một số diễn viên đều tận dụng cơ hội để xuất hiện. Chính tâm lý này khiến các sự chọn lựa chưa được kỹ càng, vô tình có những vai giống hệt nhau.
Chọn lọc kịch bản để đi đường xa
Diễn viên Minh Dự cho biết, vì từng thất bại nhiều nên từ lâu anh không còn thói quen chỉ cần đọc kịch bản trên giấy là nhận lời tham gia ngay. Anh thường muốn có những cuộc gặp mặt trực tiếp để nghe đạo diễn nói về bộ phim. Nếu cảm được kịch bản và thấy được tâm huyết của người làm phim, Minh Dự sẽ nhận lời. Anh nói, những lần tổn thương vì trao gửi niềm tin không đúng vào một số dự án đã “dạy” cho anh thói quen phải chọn lựa kỹ càng hơn. Đến nay, sự xuất hiện của Minh Dự trên phim, dù chưa nổi bật nhưng cũng chưa dự án nào rơi vào hàng thảm họa. Tuy nhiên, các vai anh đảm nhận đa phần hài hước nên khán giả gần như chưa xem đã biết, mặc định anh chỉ có thể thể hiện nhân vật gây cười.
Tạo hình của diễn viên Tạ Lâm trong Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh lôi cuốn khán giả
Nhiều diễn viên trẻ cho rằng, khi có cơ hội tham gia phim, dù chỉ diễn vài phân đoạn ngắn, nhưng nếu biết nắm bắt cơ hội, đôi khi vai nhỏ cũng đủ sức để họ tạo ấn tượng. Như trường hợp của diễn viên Tạ Lâm với vai Yến trong Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh. So với những vai khác trong phim, Tạ Lâm xuất hiện “chớp nhoáng” nhưng mỗi lần cô thoại, khán giả đều bật cười. Từ tạo hình cho đến diễn xuất đều thấy được sự nỗ lực của nữ diễn viên trẻ. Đến Lật mặt 7: Một điều ước, Tạ Lâm tiếp tục xuất hiện, nhưng vai diễn của cô không trùng lặp với dự án liền trước, giúp người xem thoát cảm giác thấy cô đang “một màu”.
Để đi đường xa trong nghề diễn xuất, việc chọn lọc kịch bản là rất quan trọng với các diễn viên trẻ. Không cần họ phải vào vai chính, nhiều đất diễn nhưng trùng lặp đến nhàm chán; việc nhận lời đóng vai nhỏ chỉ vài phân cảnh nhưng có chi tiết thú vị cũng sẽ giúp người đóng và cả người xem được “đổi gió”. Điều này đòi hỏi diễn viên phải bản lĩnh, nhận biết được thực lực của mình cũng như đủ tỉnh táo đánh giá chất lượng kịch bản.
Như trường hợp của Kaity Nguyễn, cho đến nay, cô vẫn là một trong những ví dụ điển hình của câu chuyện lọc càng kỹ, đường càng xa. Kaity Nguyễn nổi lên sau Em chưa 18 và lời mời đến với cô dồn dập, nhưng cô có sự sàng lọc rõ ràng. Mỗi dự án tham gia sau này như Tiệc trăng máu, Gái già lắm chiêu, Cô gái từ quá khứ, Người vợ cuối cùng… đều có sự khác biệt. Ở Móng vuốt, ban đầu dự án công bố có sự tham gia của Kaity Nguyễn nhưng về sau này, nữ diễn viên không xuất hiện. Chưa rõ lý do cô từ chối, nhưng với thất bại tại phòng vé vừa qua của Móng vuốt, việc Kaity Nguyễn không xuất hiện giúp cô thoát “một bàn thua trông thấy” cho chính thương hiệu cá nhân đã tạo được.
Mỗi dự án phim thành công là tổng hòa của nhiều yếu tố. Song nếu chọn được kịch bản hợp lý để xuất hiện, diễn viên sẽ tránh được những rủi ro nếu phim thất bại sau này. Đặc biệt trong chuyện rèn nghề, xuất hiện ít nhưng chất lượng sẽ tốt hơn nhiều nhưng nhạt nhòa.