Nhiều điểm thu đổi ngoại tệ vẫn “vô tư” vi phạm quy định

10/06/2024 - 06:25

PNO - Ngày 6/6, trong vai người cần mua USD, chúng tôi được nhân viên điểm thu đổi ngoại tệ của Ngân hàng E. ở quận 1, TPHCM báo giá mỗi USD là 25.700 đồng, trong khi bảng niêm yết là 25.452 đồng/USD. Chúng tôi thắc mắc thì được giải thích “đây là giá thị trường”.

Ngân hàng nhưng chỉ giao dịch bằng tiền mặt

Khi chúng tôi đồng ý mua 600 USD theo giá nhân viên báo và muốn chuyển khoản, nhân viên tại đây không đồng ý, yêu cầu phải trả tiền mặt. Ngoài USD, tại điểm thu đổi ngoại tệ của Ngân hàng E., các ngoại tệ khác cũng có giá cao hơn từ 300-380 đồng so với bảng giá niêm yết.
Tại đại lý thu đổi ngoại tệ M.T. trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TPHCM), giá USD bán ra là 25.750 đồng/USD, giá mua vào từ 25.450-25.560 đồng/USD tùy tờ tiền USD mới hay cũ.

Tại đây, nhiều khách bán đến vài trăm ngàn USD và muốn nhận tiền qua chuyển khoản nhưng đại lý từ chối, chỉ thanh toán bằng tiền mặt. Phần lớn các tiệm vàng quanh chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) đều có mua bán ngoại tệ. Có tiệm, khách chờ mua ngoại tệ xếp hàng tràn ra lề đường.

Theo quy định, các đại lý thu đổi ngoại tệ không được bán ngoại tệ cho cá nhân. Nhưng trên thực tế, các quy định này bị phớt lờ.

Nên mở rộng diện được mua ngoại tệ

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM - cho biết, theo khoản 1, điều 4, Quyết định 21/2008 về quy chế đại lý đổi ngoại tệ, các đại lý đổi ngoại tệ chỉ được phép hoạt động dưới hình thức dùng tiền đồng mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân, không được bán ngoại tệ tiền mặt, trừ các đại lý đổi ngoại tệ tại các khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế. Việc các đại lý đổi ngoại tệ bán ngoại tệ cho cá nhân là sai quy định. Thời gian qua, nhu cầu thu đổi ngoại tệ, mua bán ngoại tệ của khách quốc tế, khách du lịch và người dân tăng. Nhiều nơi đã thu đổi ngoại tệ trái quy định pháp luật. NHNN chi nhánh TPHCM vừa gửi văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm tra hoạt động của các đại lý thu đổi ngoại tệ được ủy quyền.

Khi có nhu cầu, người dân nên bán ngoại tệ tại các đại lý thu đổi ngoại tệ được cấp phép (ảnh chụp tại điểm thu đổi ngoại tệ 59, quận 1)
Khi có nhu cầu, người dân nên bán ngoại tệ tại các đại lý thu đổi ngoại tệ được cấp phép (ảnh chụp tại điểm thu đổi ngoại tệ 59, quận 1)

Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, người dân được bán ngoại tệ cho các đại lý đổi ngoại tệ đã được NHNN cấp phép. Để mua ngoại tệ, người dân cần đến các ngân hàng thương mại được phép hoạt động ngoại hối, không nên mua ngoại tệ bên ngoài ngân hàng để tránh rủi ro, chịu
phí cao.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, thực trạng hiện nay có 2 thị trường tỉ giá ngoại tệ gồm ngân hàng và “chợ đen”. Thời gian qua, tốc độ tăng giá ngoại tệ ở thị trường “chợ đen” nhanh hơn ngân hàng khiến chênh lệch tỉ giá giữa 2 thị trường ngày càng nới rộng.

Theo ông, việc buông lỏng quản lý thị trường ngoại tệ “chợ đen” khiến nguồn lực ngoại tệ trong dân không được nhà nước quản lý, ngoại tệ trong ngân hàng khan hiếm, khó cung ứng cho nhu cầu thanh toán nhập khẩu. Ông cho rằng, NHNN khó quản lý được tất cả các đại lý thu đổi ngoại tệ. Vì vậy, thay vì giới hạn thì nên mở rộng diện được mua hoặc nâng mức ngoại tệ tiền mặt được mua, để người dân chọn mua ngoại tệ ở ngân hàng thay vì “chợ đen”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua bán vàng, nếu không tuân thủ thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Thế nhưng, ở nhiều tiệm vàng, khách mua vàng chỉ nhận được giấy đảm bảo, trong đó ghi nhận thông tin về chất lượng, trọng lượng, giá cả, không có hóa đơn điện tử. Chủ một tiệm vàng trong chợ Vườn Chuối (quận 3, TPHCM) nói, giấy đảm bảo này cũng là hóa đơn, khi bán chỉ cần đưa giấy này ra để được tiệm mua lại đúng giá. Chỉ khi người mua yêu cầu, mới nhận được hóa đơn điện tử.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TPHCM (SJA) - cho biết, theo quy định hiện hành, khi bán sản phẩm vàng bạc, đá quý, các doanh nghiệp phải xuất hóa đơn, gửi cho khách hàng qua email hoặc tin nhắn. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn TPHCM đều áp dụng hóa đơn điện tử thông thường. Cuối năm 2022, ngành thuế đã triển khai mô hình tích hợp hóa đơn điện tử vào máy tính tiền với cơ quan thuế. Nhưng do lâu nay, người dân không đòi hóa đơn điện tử nên các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ vẫn sử dụng hóa đơn viết tay (còn gọi là giấy đảm bảo). Ông nói: “Hóa đơn điện tử có tính pháp lý cao hơn hóa đơn viết tay, vừa có lợi cho ngành thuế, người mua không bị ép giá khi bán lại”.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI