Nhiều điểm mới về tuyển sinh đại học năm 2025

16/10/2024 - 06:12

PNO - Từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn với 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Do vậy việc tuyển sinh đại học 2025 dự kiến cũng có nhiều thay đổi.

Năm tới là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng theo chương trình mới. Với thay đổi này, các cơ sở giáo dục ĐH đã bắt đầu lên kế hoạch, định hướng mới trong tuyển sinh như điều chỉnh phương thức xét tuyển, tăng - giảm chỉ tiêu các ngành, thay đổi tỉ trọng giữa các phương thức…

Nhiều thay đổi trong phương thức tuyển sinh

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết, năm 2025 sẽ giảm số phương thức tuyển sinh từ 5 còn 3 gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do đơn vị này tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT. ĐH Quốc gia TPHCM cũng khuyến khích các trường thành viên xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến tăng thêm 3 phương thức, tuyển sinh tổng cộng bằng 6 phương thức gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức; sử dụng chứng chỉ quốc tế; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; sử dụng phương thức khác. Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, giữ nguyên 3 tổ hợp: B00 (toán, hóa, sinh), B03 (toán, sinh học, ngữ văn), A00 (toán, lý, hóa). Trường không áp dụng môn ngoại ngữ trong tiêu chí phụ khi xét đồng điểm so với đề án tuyển sinh năm 2024. Chỉ tiêu các ngành cũng có biến động, nhiều ngành tăng mạnh so với năm 2024, như: dược học tăng 30%, y học cổ truyền tăng 20%, điều dưỡng tăng 10%... Tuy nhiên, nhà trường cho biết sẽ căn cứ các nội dung dự kiến áp dụng trong tuyển sinh năm 2025 và xem xét áp dụng tùy vào điều kiện thực tế khi xây dựng đề án tuyển sinh.

Mới đây, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã thông báo các phương thức tuyển sinh năm 2025 và tổ chức kỳ thi riêng. Theo đó, trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi riêng; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả học bạ THPT. Với các ngành giáo dục mầm non, giáo dục thể chất, quản lý thể dục thể thao, trường sử dụng các phương thức trên kèm kết quả thi năng khiếu do trường tổ chức. Thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi riêng của trường bằng hình thức trực tuyến. Ngoài phương án tổ chức kỳ thi riêng, năm 2025, trường tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH quốc gia Hà Nội và TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) - ẢNH: NGUYỄN LOAN

Giảm chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không thay đổi các phương thức nhưng chỉ tiêu của các phương thức có biến động. Theo đó, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT còn 15% chỉ tiêu, giảm 3% so với năm 2024. Xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm tỉ lệ rất lớn với 83% chỉ tiêu, tăng 3%. Còn phương thức xét tuyển thẳng vẫn giữ 2% chỉ tiêu. Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường chỉ áp dụng 4 tổ hợp xét tuyển gồm: A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa học, tiếng Anh) thay vì 9 tổ hợp như trước.

Chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT tại ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến giảm từ 50% xuống 40%, tăng chỉ tiêu xét tuyển các phương thức còn lại. Trường ĐH Thương mại Hà Nội dự kiến giảm chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tăng chỉ tiêu cho các phương thức như xét kết quả đánh giá tư duy, đánh giá năng lực…

Chia sẻ về định hướng tuyển sinh năm 2025, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho biết, phương án tuyển sinh chủ đạo năm tới của trường vẫn là xét tuyển kết hợp với nhiều tiêu chí. Thí sinh cần tập trung vào việc học để có kết quả tốt nhất, đồng thời nắm lịch và nên tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, thi chứng chỉ tiếng Anh... để có cơ hội xét tuyển bằng nhiều phương thức hơn.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM - cho biết, năm 2025, bên cạnh các phương thức xét tuyển năm 2024 trường sẽ có thêm một số phương thức xét tuyển mới và tổ hợp môn xét tuyển theo hướng tạo điều kiện nhất cho thí sinh. Có thể dùng thêm một số môn như: tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ... để xét tuyển vào những ngành phù hợp. Ông đề xuất: “Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành quy chế tuyển sinh để các trường ĐH công bố đề án tuyển sinh... Dựa vào các đề án này, trường THPT và học sinh có thể định hình được cách tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp môn xét tuyển để có sự chuẩn bị tốt nhất”.

Điều chỉnh nội dung các kỳ thi riêng

Để phù hợp với chương trình mới, ĐH Quốc gia Hà Nội đã điều chỉnh dạng thức câu hỏi, đề thi của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025. Theo đó, đề thi sẽ có trên 75% câu hỏi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn. Cấu trúc đề có điểm mới là bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng để phát triển, đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cao theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực.

Đơn vị này cũng đã công bố đề thi tham khảo, gồm 2 phần thi bắt buộc và 1 phần lựa chọn. 2 phần thi bắt buộc gồm: 50 câu hỏi toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi văn học - ngôn ngữ. Phần thi thứ ba cho phép thí sinh lựa chọn khoa học hoặc tiếng Anh. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (gồm 1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi khoa học. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng có thay đổi. Trong đó, phần nội dung kiến thức chương trình lớp Mười hai chiếm khoảng 70 - 80%, còn lại là chương trình lớp Mười, Mười một. Cấu trúc đề có thêm 2 dạng thức câu hỏi mới là câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn - có nhiều hơn 1 phương án đúng và dạng thức câu hỏi khai thác dữ liệu dùng chung. Từ năm 2025, kết quả kỳ thi này sẽ trở thành phương án tuyển sinh độc lập của trường, thay vì kết hợp điểm của kỳ thi với kết quả học tập THPT trong cùng phương thức như trước đó.

Nguyễn Loan - Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI