PNO - Sáng 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025.
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho biết, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, mỗi thí sinh thi 4 môn thi, gồm ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp Mười hai, hình thành 36 tổ hợp môn. Trong giai đoạn 2025-2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Sau năm 2030, cả nước từng bước thí điểm và chuẩn bị để thi tốt nghiệp THPT trên máy tính.
Học sinh lớp Mười hai Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12,TPHCM) trong một tiết học tiếng Anh
Về những điểm mới của kỳ thi năm 2025, ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh: “Dự kiến, tất cả thí sinh đều có thể đăng ký dự thi trực tuyến, bao gồm cả thí sinh tự do. Đề thi theo cấu trúc định dạng mới, tăng cường độ phân hóa để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thí sinh có thể sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi nhưng không quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa kết quả thi và đánh giá quá trình 3 năm học theo tỉ lệ 50-50”.
Cũng theo ông, Bộ GD-ĐT đang cần thêm ý kiến để thống nhất về việc không cộng điểm chứng chỉ nghề do chương trình mới không còn quy định về hoạt động giáo dục dạy nghề. Đồng thời, không cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp đối với thí sinh giáo dục thường xuyên do chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mới tương đương với chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hiện hành. Học viên giáo dục thường xuyên sau khi học xong chương trình này sẽ tham dự chung kỳ thi tốt nghiệp THPT với học sinh THPT và có cùng chuẩn đầu ra.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT đã triển khai 2 đợt tập huấn cho các giáo viên trên toàn quốc và huy động toàn ngành xây dựng câu hỏi thi và đề thi của 18 môn thi. Kết quả đánh giá cho thấy, các đề thi đã bao quát được các chủ điểm theo chương trình mới nhưng chỉ mới tiếp cận được đúng định dạng, cấu trúc đã công bố, còn đa số nội dung các câu hỏi thi cần phải chỉnh sửa nhiều. Các ý kiến góp ý, nhận xét sẽ được gửi về các sở GD-ĐT để các giáo viên tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng ra đề thi. Dự kiến trong tháng 11/2024, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đề nghị giảm độ khó đề thi
Qua quá trình nghiên cứu đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Sở GD-ĐT Lạng Sơn đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo ban ra đề thi giảm mức độ khó của đề. Đồng thời diễn đạt các bài toán thực tế cần ngắn gọn, dễ hiểu để học sinh xác định chính xác lệnh hỏi. Đề thi khó hơn, có sự phân hóa cao hơn là căn cứ tốt để các trường đại học xét tuyển. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của kỳ thi cơ bản là để đánh giá mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông, cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh thì mức độ đề tham khảo là tương đối khó. Các bài toán ứng dụng thực tế, liên môn diễn đạt dài, có nhiều thông số không liên quan đến việc giải toán khiến cho học sinh lúng túng, khó xác định trọng tâm nội dung câu hỏi.
Về công tác tổ chức thi, đại diện Đại học Quốc gia TPHCM thông tin, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra của kỳ thi tại TPHCM vẫn còn một vài khó khăn. Cụ thể, Bộ GD-ĐT quy định việc giao nộp bài thi từ điểm thi về hội đồng thi phải được thực hiện ngay sau buổi thi cuối cùng, trường hợp bất khả kháng do chủ tịch hội đồng thi quyết định.
Tuy nhiên, TPHCM mỗi năm có khoảng 150 điểm thi, đặc thù cơ sở hạ tầng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Do đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT để báo cáo về việc vận chuyển bài thi về điểm chấm thi vào cuối mỗi ngày thi. Ngoài ra, mẫu giấy thi sử dụng cho thí sinh TPHCM cơ bản có đầy đủ nội dung theo hướng dẫn nhưng thành phố có bổ sung một số thông tin để bảo đảm độ chính xác và tăng tiến độ của công tác làm phách. Việc này đã được hội đồng thi xin ý kiến của Bộ GD-ĐT trong giai đoạn tập huấn công tác tổ chức coi thi.
Mặt khác, chế độ cho cán bộ, giáo viên được điều động làm công tác thanh tra chưa được quy định rõ ràng. Bộ GD-ĐT đã quy định số lượng cán bộ tối thiểu tại các điểm thi nhưng với những điểm thi có số lượng thí sinh lớn, phòng thi nhiều vẫn có thể xảy ra tình trạng kiểm tra, giám sát chưa được bao quát, toàn diện. Đại học Quốc gia TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét bổ sung một số quy định ngoại lệ cho các hội đồng thi có tính đặc thù như TPHCM; cụ thể về mẫu giấy thi, thời gian bàn giao bài thi, tăng cường số lượng nhân sự bố trí tại mỗi điểm thi bảo đảm có sự kiểm tra bao quát và toàn diện…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Cục Quản lý chất lượng khẩn trương hoàn thiện quy chế thi, sớm công bố cho các địa phương. Đồng thời, cần tiếp tục tập huấn cho đội ngũ giáo viên tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi. Đối với hoạt động thanh tra, cần đi theo phương châm ngắn gọn, hiệu quả, thiết thực và lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính.
Vụ Giáo dục trung học cần có kế hoạch tham mưu, giúp đỡ các sở GD-ĐT các hình thức đánh giá, thi thử theo phương thức mới. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác dạy và học, bảo đảm học sinh có đủ năng lực, phẩm chất để vào phòng thi. Các trường đại học phối hợp Cục Quản lý chất lượng phân tích kết quả thi, để ngày càng có nhiều cơ sở đại học tăng tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Từ đó giảm kinh phí cho xã hội, cho phụ huynh.
Đề xuất điều chỉnh phương thức kiểm tra cắm chốt
Về hoạt động kiểm tra kỳ thi, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc thành viên đoàn kiểm tra cắm chốt tại một điểm thi, trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc dễ nảy sinh sự thông cảm, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chủ thể. Từ thực tế trên, đơn vị đề nghị điều chỉnh phương thức kiểm tra và giảm bớt số lượng cán bộ, giảng viên tham gia.
Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thi tại các hội đồng thi cấp tỉnh, duy trì 1 tổ kiểm tra (3-5 người) thường trực tại hội đồng thi. Các tổ kiểm tra còn lại (mỗi tổ 3 thành viên) kiểm tra lưu động tại các điểm thi. Bảo đảm nguyên tắc kiểm tra không báo trước, mỗi điểm thi phải được kiểm tra ít nhất 1 lượt và không hạn chế số lượt kiểm tra tại 1 điểm thi. Việc này cũng sẽ giảm thiểu chi phí xã hội, ngân sách nhà nước cho hoạt động tổ chức và kiểm tra thi.
Theo phương án kiểm tra cắm chốt, mỗi năm có khoảng 8.000 cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, chi phí ước tính khoảng 32 tỉ đồng. Việc kiểm tra lưu động có thể được triển khai với số lượng bằng 1/10, tiết kiệm được khoảng 28 tỉ đồng mỗi năm.
Đề của các kỳ thi riêng không vượt quá chương trình mới
Về tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi phù hợp với chương trình mới, Bộ GD-ĐT đề nghị cần bảo đảm tính công bằng nếu sử dụng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển vào cùng một ngành. Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh quy định cụ thể về mặt quản lý nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… do các cơ sở giáo dục tổ chức.
Cụ thể, quy trình xây dựng ngân hàng đề, đề thi không được vượt quá chương trình mới. Đây là điểm rất quan trọng để học sinh không phải ôn thi riêng vì có thể phá vỡ việc dạy và học ở các trường phổ thông. Quy trình tổ chức thi bảo đảm an toàn thống nhất và tránh nhiều hình thức gây khó khăn cho học sinh ôn thi, vì hiện nay mỗi trường đang sử dụng một hình thức khác nhau. Thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm cần phải sau kết thúc chương trình và kế hoạch năm học, tức ngày 31/5 hằng năm.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...