Nỗi buồn di tích
Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi rộng hơn 3ha ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện lần đầu năm 1974. Từ năm 1976-2012, nhiều nhà khảo cổ, đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đã tổ chức các đợt thám sát, khai quật, phát hiện kho hiện vật bằng gốm, đồng, sắt, cụm mộ táng, mộ chum, đồ tùy táng… có niên đại khoảng 2.000 năm. Với những gì khai quật được, các nhà nghiên cứu nhận định Phôi Phối là một di chỉ cư trú, niên đại hậu kỳ đá mới, thuộc văn hóa Bàu Tró. Năm 2014, di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
|
Di tích khảo cổ hang Đồng Trương bị cây dại bao phủ, che kín lối vào |
Từng được kỳ vọng sẽ trở thành địa điểm phát triển văn hóa, du lịch của địa phương, thu hút nhiều du khách, chuyên gia đến tham quan, nghiên cứu, song đến nay Phôi Phối - Bãi Cọi gần như bị lãng quên. Hiện khu vực này vẫn là một cồn đất cát bị bỏ hoang, ở giữa xuất hiện nhiều hố sâu do người dân khai thác cát chưa lấp. Do không có hàng rào ngăn cách và không có người trông coi nên khu di tích trở thành nơi chăn thả trâu bò. Trước thực trạng trên, UBND huyện Nghi Xuân đã lên kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ này, song vì chưa có kinh phí nên chưa thể triển khai.
Ông Đậu Minh Ngụ - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên - cho hay, nơi này từng xuất hiện nạn đào cổ vật khi có người đi thu mua đồ cổ: “Trong lúc chờ di tích được xây tường vây bảo vệ, nhà trưng bày, xã cũng chỉ có thể cấm người dân khai thác cát ở di tích”.
Cùng chung số phận, di tích quốc gia hang Đồng Trương ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An - nơi lưu dấu khảo cổ đa văn hóa quý hiếm thời kỳ Hòa Bình và Đông Sơn - cũng đang rơi vào cảnh bị lãng quên. Đây là nơi được xác định có nhiều thế hệ người Việt cổ sinh sống, có cả đồ đá, kim khí, thủy tinh. Từ năm 2004-2006, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Nghệ An tổ chức khai quật hang, phát hiện hơn 1.000 di vật đồ đá, đồng, sắt, đất nung, xương răng động vật, dấu tích tro than thuộc văn hóa Hòa Bình cùng hơn 4.000 mảnh gốm, dọi se chỉ đất nung, dụng cụ lao động văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Đặc biệt nhất là 12 ngôi mộ táng gần cửa hang có niên đại 10.000-12.000 năm.
Năm 1994, lèn Hai Vai (xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) được công nhận là di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia. Di tích này là một khối đá tự nhiên có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Tuy nhiên, 30 năm qua, lèn Hai Vai vẫn chưa được cắm mốc để bảo vệ, thường xuyên bị đục khoét để lấy trộm đất, đá. Đầu năm 2024, một đơn vị thi công cho máy múc vào đào đất mở đường, xâm hại đến di tích, vì “không biết ranh giới của di tích”. Sau khi phát hiện, chính quyền địa phương đã yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng. Ông Lê Khắc Hoàng - Chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An - cho biết, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo xác minh rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan đến việc xâm hại di tích lèn Hai Vai. Sở cũng sẽ lên kế hoạch khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích. |
Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch xã Hội Sơn - cho biết, ngoài tiềm năng phát triển du lịch, xã cũng kỳ vọng di tích khảo cổ này trở thành nơi trải nghiệm, giới thiệu cho học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa trong những giờ ngoại khóa. Song để làm được điều đó, ước tính cần hàng chục tỉ đồng để tôn tạo lại di tích, điều này nằm ngoài khả năng của xã. Để ngăn người dân, trâu bò vào xâm hại di tích, xã Hội Sơn chỉ có thể chi tiền thuê 1 người dân sống gần hang trông coi.
Hiện di tích khảo cổ này là hang đá hoang vu, cửa hang gần như bị cây cối bao phủ. Bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An - cho biết hang Đồng Trương chưa nằm trong kế hoạch tôn tạo của sở. Nếu triển khai, cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là di chỉ khảo cổ, tu bổ mà không có chuyên gia góp ý thì rất dễ làm thay đổi hiện trạng, mất các tầng địa chất của di tích.
Thành Lục Niên (huyện Nam Đàn) và thành Rum (huyện Hưng Nguyên) là những di tích được xếp hạng cấp quốc gia đầu tiên ở Nghệ An. Song đến nay, cả 2 thành cổ có tuổi đời hàng trăm năm này đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Thành Lục Niên do Lê Lợi cho xây đắp vào cuối năm 1424, sau khi kéo quân vào Nghệ An để đánh đuổi giặc Minh. Hiện thành chỉ còn sót lại một ít đoạn bờ đá cao từ 1 - 2m nằm lẩn khuất trong các lùm cây dọc theo triền núi.
Cách thành Lục Niên khoảng 10km là thành Rum, nằm trên đỉnh núi Lam Thành. Đây là nơi diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa nghĩa quân Lam Sơn và nhà Minh. Trải qua thời gian và sự tác động của con người, di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn sót lại một số tàn tích, thành nơi chăn trả trâu bò của người dân địa phương.
Bà Hoàng Thị Hoài Thanh - Trưởng phòng Văn hóa huyện Hưng Nguyên - nói: ngoài giá trị lịch sử, núi Lam Thành còn có phong cảnh rất đẹp, có cụm các di tích “vệ tinh” nằm lân cận nên có tiềm năng để khai thác du lịch trải nghiệm nếu như được đầu tư bài bản. “Tuy nhiên ngân sách giờ khó lắm, hiện chỉ đáp ứng được một phần nhỏ để tu sửa các di tích hư hỏng mang tính cấp bách thôi. Trước mắt, huyện đang cắm lại mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích Lam Thành, sau đó mới tính đến lộ trình tu bổ, rồi việc phát huy giá trị của di tích này” - bà Hoàng Thị Hoài Thanh cho biết.
Phải “vá víu” vì không có vốn trùng tu
Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, đình Trung Cần, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, được đánh giá là ngôi đền có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc bậc nhất ở Nghệ An. Nghệ thuật chạm khắc ở ngôi đình này đạt đến trình độ tinh xảo, đề tài phong phú, đa dạng với hình tượng tứ linh, tứ quý, vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn đi cày, giã gạo, đánh cờ… Với những giá trị đó, năm 1996, đình được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
|
Tường thành ghép bằng đá ở thành Rum bị hư hỏng, cây dại bao phủ |
Tuy nhiên, nghệ thuật chạm khắc này đang đứng trước nguy cơ mai một do đình đã xuống cấp nặng nề. Ông Nguyễn An Toàn - Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường - cho biết mái ngói của đình đã hư hỏng nặng, thấm dột khắp nơi. “Những ngày mưa, nước dột nhiều, thấm vào bên trong kèo, cột và các khung gỗ chạm trổ bên trong đình. Lâu ngày, các hoa văn điêu khắc cũng bị phai mờ, có dấu hiệu mục nát… Xã cũng đã nhiều lần báo cáo hiện trạng của đình và đề nghị sửa chữa, trùng tu, nhưng đến nay vẫn chưa được vì không có kinh phí”.
Hà Tĩnh hiện có 86 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh - cho biết, mỗi năm, Hà Tĩnh dành khoảng 10 tỉ đồng ngân sách để tu sửa các di tích. Song vì số lượng di tích xuống cấp nhiều nên không đáp ứng được nhu cầu.
Nghệ An có 2.602 di tích, trong đó có hơn 480 di tích đã được xếp hạng, gồm 145 di tích cấp quốc gia, số còn lại là cấp tỉnh. Theo bà Phan Thị Anh, hiện chương trình mục tiêu quốc gia của trung ương đã dừng khoản hỗ trợ cho việc tu bổ, tôn tạo di tích. Do nguồn ngân sách tỉnh chưa đáp ứng được cho nhu cầu tu sửa di tích, sở sẽ căn cứ vào nguồn ngân sách được phân bổ để ưu tiên cho những di tích đang xuống cấp nặng trước.
Ông Bùi Công Vinh - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An - thông tin: mỗi năm UBND tỉnh Nghệ An cấp khoảng 13 tỉ đồng để tu sửa cấp thiết, tu bổ tôn tạo các di tích bị hư hỏng. Với số tiền đó, không thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay mà cần sự chung tay của nhiều cấp, đặc biệt là các nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư. “Nhiều di tích, đặc biệt là đình, đền ở Nghệ An đã trải qua hàng trăm năm, giờ nếu tôn tạo lại sẽ mất rất nhiều kinh phí, thời gian. Thực tế tỉnh rất quan tâm, ủng hộ, nhưng vì nguồn lực còn khó khăn nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu” - ông Bùi Công Vinh nói.
Phan Ngọc