Nhiều đại học đồng loạt mở ngành trí tuệ nhân tạo

25/02/2025 - 06:47

PNO - Mùa tuyển sinh năm 2025 tiếp tục ghi nhận hàng loạt trường đại học mở ngành, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo. Nhiều chuyên gia dự báo, 3-5 năm nữa Việt Nam sẽ có lực lượng nhân sự lớn trong lĩnh vực này.

Một trường mở 5 chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo

Năm nay, hàng loạt trường đại học (ĐH) đưa ngành trí tuệ nhân tạo (AI) vào tuyển sinh và đào tạo, như: Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Học viện Hàng không Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM…

Trong đó, Học viện Hàng không Việt Nam mở tới 5 chuyên ngành về AI. Cụ thể, ngành công nghệ thông tin có 3 chuyên ngành: công nghệ phần mềm và AI, AI và dữ liệu lớn, AI và internet vạn vật (IoT). Mỗi chuyên ngành có 180 chỉ tiêu.

Ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông có 2 chuyên ngành: điện tử ứng dụng AI và IoT, điện tử viễn thông AI. Mỗi chuyên ngành có 75 chỉ tiêu.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoài An - Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam - cho biết, 2 ngành này tuyển sinh bằng tổ hợp môn bất kỳ, trong đó môn toán bắt buộc (nhân hệ số 2), 2 môn còn lại thí sinh được tự chọn. Bởi, toán học đóng vai trò nền tảng quan trọng trong việc học các ngành liên quan đến AI. Còn việc để thí sinh chọn 2 môn bất kỳ là tạo điều kiện cho các em phát huy sở trường và tôn trọng mọi môn học trong chương trình.

Sinh viên trải nghiệm các ứng dụng của AI trong chương trình đào tạo  tại Học viện Hàng không Việt Nam - ẢNH: N.L.
Sinh viên trải nghiệm các ứng dụng của AI trong chương trình đào tạo tại Học viện Hàng không Việt Nam - ẢNH: N.L.

Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng lần đầu tiên đưa ngành AI vào tuyển sinh, dự kiến khoảng 60-80 chỉ tiêu. Trường tuyển ngành này theo 2 phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính V-SAT (phương thức 3) bằng tổ hợp A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), A04 (toán, vật lý, địa lý), A05 (toán, hóa, lịch sử); xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT (phương thức 4) bằng các tổ hợp A00, A01, D01 (toán, văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa, tiếng Anh).

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM mở chuyên ngành AI (nhóm ngành công nghệ thông tin), tuyển sinh bằng 2 môn bắt buộc là toán, văn; môn còn lại thí sinh được chọn một trong các môn: vật lý, hóa học, tin học, tiếng Anh và công nghệ.

Trước đó, hàng loạt trường ĐH đã đưa ngành này vào đào tạo như: ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành…

Giải “cơn khát" nhân lực AI

Lý giải “hiện tượng” hàng loạt trường đưa AI vào tuyển sinh, ông Trần Hoài An cho rằng, AI phát triển mạnh mẽ, buộc các quốc gia phải đầu tư, ứng dụng nó để không bị tụt hậu. Các doanh nghiệp xem đầu tư vào AI là thế mạnh phát triển. Điều này dẫn tới nhu cầu nhân lực AI chất lượng cao tăng mạnh vào những năm tới. Ngoài ra, đây cũng là lĩnh vực có mức thu nhập hấp dẫn nên dễ trở thành ngành học “hot”, thu hút thí sinh.

Tuy nhiên, tùy theo thế mạnh từng trường, chương trình đào tạo sẽ có đặc thù riêng. Ví dụ, tại Học viện Hàng không Việt Nam, ngoài kiến thức nền tảng về AI, sinh viên sẽ được đào tạo thêm kiến thức về lĩnh vực hàng không để ứng dụng AI.

Trong đó, có thể kể tới nhiều ứng dụng của AI như: hỗ trợ dự đoán và ngăn ngừa lỗi hệ thống, phân tích dữ liệu từ các cảm biến trên máy bay, hỗ trợ phi công trong các tình huống khẩn cấp, giảm thiểu rủi ro do lỗi của con người, phân tích dữ liệu thời tiết, tối ưu hóa lịch trình bay…

Còn Trường ĐH Ngân hàng TPHCM hướng tới đào tạo về AI trong lĩnh vực kinh doanh. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông - chia sẻ, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức liên ngành kinh tế - AI để có thể vận dụng kiến thức về AI vào lĩnh vực kinh tế - tài chính.

Biết cách khai thác AI vào phân tích dữ liệu, thông tin, đưa ra các dự đoán về thị trường kinh tế, phân tích thị trường tạo ra các kế hoạch, chiến lược kinh doanh… Trường định hướng tuyển những thí sinh có thế mạnh về môn toán.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - thông tin: AI là chuyên ngành sâu của lĩnh vực công nghệ thông tin nên chương trình đào tạo sẽ bao gồm kiến thức về công nghệ thông tin và đi sâu vào AI.

Sinh viên được học kiến thức nền tảng gồm toán học, lập trình, khoa học máy tính; các lĩnh vực cốt lõi của AI: học máy, học có giám sát, mạng nơ-ron (neural networks), xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, robot học, các ứng dụng của AI…

“Đây là ngành học khó, yêu cầu chất lượng đào tạo phải không ngừng nâng cao và người học phải có đam mê, khả năng. Nếu kết quả học không tốt sẽ khó tham gia thị trường lao động. Do vậy, khi đăng ký học ngành này, thí sinh cần nghiên cứu kỹ lưỡng về AI, các lĩnh vực chuyên sâu, các vị trí việc làm để có định hướng rõ ràng cho bản thân” - ông nhắn nhủ.

Thí sinh giỏi toán mới học tốt AI

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết, để học tốt và thành công trong lĩnh vực AI, người học cần có sự kết hợp của nhiều tố chất trong đó yêu cầu tiên quyết là phải giỏi toán. Vì khi học AI, mô hình toán học của nó rất phức tạp và khó; đặc biệt là mô hình toán học để xử lý dữ liệu lớn (big data).

Ngoài ra, sinh viên cần có tư duy logic, khả năng sáng tạo và đam mê với công nghệ. Trong đó, kỹ năng lập trình, khả năng học hỏi và cập nhật cũng rất quan trọng, bởi AI sẽ thay đổi liên tục.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI