Nhiều đại biểu ủng hộ đổi “thẻ căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”

28/08/2023 - 10:22

PNO - Nhiều ĐBQH bày tỏ ủng hộ đổi tên “thẻ căn cước công dân” thành “thẻ căn cước” và khẳng định không phát sinh chi phí.

 

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) ủng hộ đổi tên gọi là thẻ căn cước và cho rằng không phát sinh chi phí như nhiều ĐBQH lo ngại

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) ủng hộ đổi tên gọi là thẻ căn cước và cho rằng không phát sinh chi phí như nhiều ĐBQH lo ngại

Sáng 28/8, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, các ĐBQh đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn được quan tâm của dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hiện còn 2 loại ý kiến khác như về tên gọi của dự luật. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh thông tin, tên gọi của thẻ căn cước cũng có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất đồng ý với tên “thẻ căn cước” như dự thảo Luật Chính phủ trình. Ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên tên “Thẻ căn cước công dân” như Luật hiện hành.

Ông Lê Tấn Tới nêu quan điểm, việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.

Liên quan tới vấn đề này, tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH chuyên trách bày tỏ ủng hộ đổi tên Luật căn cước công dân thành Luật căn cước cũng như Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước như tờ trình của dự luật.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ, đặt tên là thẻ căn cước sẽ đảm bảo gọn gàng của tên gọi....  Mặc dù, một số đại biểu cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. ĐBQH cho rằng việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng của các đại biểu. Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. Đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phân tích, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.

Nữ ĐBQH cho rằng, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều. Tuy nhiên, đây là việc hiện hữu. Họ là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa… Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội. 

Bà nhấn mạnh, việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết.

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) vẫn còn băn khoăn về đổi tên gọi của dự luật

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) vẫn còn băn khoăn về đổi tên gọi của dự luật

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, vẫn còn ĐBQH băn khoăn. ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) trao đổi, Luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam. Trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ “công dân”. Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác. 

Do đó, ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi của Luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ vào trong Luật hay không. Đồng thời, cần xem xét quy định như vậy có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác ? 

Cân nhắc bổ sung quá nhiều thông tin cá nhân vào dữ liệu căn cước

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) góp ý, cần cân nhắc việc bổ sung quá nhiều thông tin vào dữ liệu căn cước. Bởi dự thảo Luật lần này yêu cầu bổ sung rất nhiều thông tin của công dân, trong đó có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói... Theo đại biểu đây là những thông tin có tính bảo mật cao nhất của công dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, đại biểu Tạo cũng đề nghị xem xét lại nội dung quy định chuyển tiếp và thời điểm hiệu lực thi hành của dự thảo Luật. Theo đó, cần bổ sung nội dung về lộ trình và nguồn lực thực hiện (nguồn lực con người, kinh tế, hạ tầng kỹ thuật...) để đảm bảo tính khả thi.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho hay, việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là phù hợp. Ban soạn thảo đã nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các quy định các điều khoản có liên quan trong dự thảo Luật để bảo đảm thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được chính xác, kịp thời, an toàn và hiệu quả trong khai thác và sử dụng.

M.Quang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI