Nhiều cung bậc cảm xúc với vở kịch "Đồng chí"

03/10/2024 - 06:14

PNO - Hội Sân khấu TPHCM vừa ra mắt vở kịch Đồng chí (kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu - Quốc Thịnh). Khá lâu rồi mới lại có một tác phẩm đề tài hậu chiến trở lại sàn kịch TPHCM.

Đồng chí là kịch bản đạt giải A từ trại sáng tác kịch bản Hội Sân khấu TPHCM 2024. Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM đồng thời là đạo diễn vở - đánh giá đây là một kịch bản đầy tính thử thách cho cả người dựng lẫn người diễn.

Như nhiều tác phẩm trước đây của mình, tác giả Lê Thu Hạnh đặt một vấn đề mang tầm khái quát vào một gia đình cụ thể, với thủ pháp biên kịch đầy phóng khoáng, không theo màn lớp hay tiến trình câu chuyện mà xen kẽ các mốc thời gian lẫn không gian. Vì thế, nếu dựng không khéo, câu chuyện dễ trở nên rối rắm. “Các diễn viên phải diễn làm sao để người ta đồng cảm được khi khái niệm về tình đồng chí đang dần trở nên xa lạ và mặc định thuộc về một lớp người xưa cũ” - Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu chia sẻ.

Đồng chí là vở diễn đề tài tâm lý hậu chiến hiếm hoi của sân khấu TPHCM thời gian qua
Đồng chí là vở diễn đề tài tâm lý hậu chiến hiếm hoi của sân khấu TPHCM thời gian qua

Đi từ câu chuyện của 3 thế hệ trong một gia đình có truyền thống quân đội, Đồng chí nêu bật thực trạng sự xung đột về quan điểm và lý tưởng sống giữa các thế hệ trong xã hội hiện nay. Nếu người ông là một cựu chiến binh trọn đời kiên trung với lý tưởng cách mạng, người cha là một sĩ quan làm kinh tế quân đội chao đảo bởi những “viên đạn bọc đường” thì người con - một tân binh luôn nhìn ông và cha bằng đôi mắt ngưỡng mộ phải trăn trở, khắc khoải rất nhiều để tìm điểm tựa cho mình.

Lần đầu tham gia một vở diễn cách mạng, lại thể hiện hình tượng một cựu chiến binh, diễn viên Quốc Thịnh không tránh khỏi áp lực. “Nhân vật ông Trung, ngay từ số phận đã đầy áp lực rồi. Rõ ràng là một người lính kiên trung, cả đời liêm khiết, chính trực, nhưng lại phạm sai lầm vì con để rồi tự dằn vặt chuyện không đủ tỉnh táo để bảo vệ con đúng cách. Nghe tựa Đồng chí, mọi người dễ tưởng câu chuyện sẽ khô khan, nhưng nó lại rất đời và hầu như chúng ta có thể nhìn ra nhiều vấn đề trong gia đình ông Trung ở chính gia đình mình” - Quốc Thịnh chia sẻ.

Điểm nhấn đặc biệt của vở còn là đặt để nỗi khắc khoải của ông Trung giữa những người đồng đội từng “vào sinh ra tử”. Trong đó, nhân vật ông Tâm của nghệ sĩ Chánh Trực giữ vai trò kết nối và giúp tháo gỡ những khúc mắc trong lòng ông Trung và gia đình bằng sự thông tỏ, thấu cảm và tinh tế của một người đồng chí thực thụ. “Cái tình của các nhân vật lấy của tôi nhiều nước mắt. Đặc biệt, với vở diễn nặng tính chính luận như thế này, làm sao cho thật là đời cũng là thử thách của người diễn viên” - Chánh Trực nói.

Đồng chí sẽ được Hội Sân khấu TPHCM đưa đi dự Liên hoan sân khấu TPHCM lần thứ nhất vào tháng Mười một tới với mong muốn gửi gắm thông điệp về lòng tự hào, ái quốc đến thế hệ khán giả trẻ.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI