Nhiều cử tri hỏi 'giá điện có giảm hay không'

22/05/2019 - 11:25

PNO - Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ, nhiều ngày nay, cử tri cứ hỏi ông "liệu giá điện có giảm hay không?".

Sáng 22/5, tại phiên thảo luận tổ (kỷ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV) về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của Chính phủ và quyết toán ngân sách nhà nước 2017, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, nhiều ngày nay, cử tri cứ hỏi ông "liệu giá điện có giảm hay không?".

Cách tính giá điện chưa hợp lý

Qua đọc báo cáo của Bộ Công Thương gửi tới Quốc hội ngày 21/5 giải trình về việc tăng giá điện vừa qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, ông hiểu và chia sẻ với những nội dung được trình bày trong đó. Tuy nhiên, ông không đồng tình với cách chia bậc thang tính giá điện như hiện nay.

Để giải thích cho điều này, đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn chứng, ở Nhật Bản và Hàn Quốc, chỉ có 3 bậc tính giá điện; Indonesia, Malaysia có 5 bậc nhưng Việt Nam quy định đến 6 bậc, trong đó bậc 1 từ 0-50 kWh và bậc 2 từ 51-100kWh là quá thấp.

"Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của người Việt Nam tăng lên do thu nhập tăng, nhu cầu và điều kiện sử dụng các thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng tăng lên. Do đó, bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân"- đại biểu TP HCM nói.

Nhieu cu tri hoi 'gia dien co giam hay khong'
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề xuất chỉnh sửa thang giá điện hiện nay

Do đó, đại biểi Trần Hoàng Ngân đề xuất gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100 kWh; gộp bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300kWh. “Nhu cầu sử dụng điện tăng lên, do thu nhập người Việt Nam tăng lên, các điều kiện sinh hoạt để phục vụ đời sống tăng lên thì định mức thang bậc cũng phải thay đổi” - đại biểu Ngân lý giải và khẳng định, sửa đổi thang giá điện lại cho phù hợp là biện pháp để việc tăng giá điện (nếu có) không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân".

Trong khi đó, đại biểu Lâm Đình Thắng (TP.HCM) cho rằng, việc giải thích của Bộ Công thương đưa ra gần đây giống như lời "biện minh". Nếu có những công bố minh bạch trước đó thì người dân đỡ bị "sốc" khi điện đột ngột tăng giá!

Không “nhắm mắt” tiếp nhận đầu tư

Trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng đứng trước không ít thách thức.

Cụ thể, đánh giá mức tín nhiệm, triển vọng đầu tư vào Việt Nam đang tăng lên. Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những tháng qua, hầu hết các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đều là của Trung Quốc.

“Vấn đề đặt ra là liệu ta có kiểm soát được đầu tư để đảm bảo chọn lọc nhà đầu tư tốt, đảm bảo môi trường. Tránh bài học từ Công ty Formosa mang đến” - đại biểu này cảnh báo.

Nhieu cu tri hoi 'gia dien co giam hay khong'
Hình ảnh chất thải rắn tại Formosa Hà Tĩnh gây tranh cãi trong thời gian qua

Theo đó, khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, hàng rào kinh tế phải chọn lọc cho tốt, rà soát môi trường thể chế để đảm bảo công bằng đối với doanh nghiệp trong nước. Bởi theo ông, vừa qua, Việt Nam có chính sách ưu đãi quá nhiều doanh nghiệp FDI nên phải rà soát, khuyến khích cả các thành phần kinh tế trong nước phát triển ,mới có thể phát triển bền vừng.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) cũng cho rằng, phải hết sức cảnh giác, tiếp nhận đầu tư có lựa chọn, lựa chọn nguồn đầu tư và chất lượng đầu tư vào nền kinh tế.

Đại biểu Chương nhấn mạnh “không nhắm mắt tiếp nhận đầu tư”, bởi theo ông, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khi chuyển mình sang Việt Nam đã làm ăn “không nổi” tại Trung Quốc. Việt Nam cần đề phòng những doanh nghiệp FDI đưa công nghệ lỗi thời vào sản xuất gây hại cho môi trường, điển hình như vụ việc của Công ty Formosa…

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất xem xét việc dành quá nhiều ưu đãi cho khu vực FDI khiến doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI