Nhiều công ty bị rút giấy phép, vẫn huy động vốn đa cấp

05/10/2020 - 06:46

PNO - Nhiều doanh nghiệp (DN) đã bị rút giấy chứng nhận hoạt động đa cấp nhưng vẫn lợi dụng giấy này để hoạt động đa cấp lừa đảo.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), không ít doanh nghiệp (DN) đã bị rút giấy chứng nhận hoạt động đa cấp nhưng vẫn lợi dụng giấy này để hoạt động đa cấp lừa đảo. 

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong năm 2019, có 12 DN chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp do không đáp ứng được điều kiện mới, vi phạm điều cấm hoặc không duy trì các điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, một số DN đã bị rút giấy phép vẫn lợi dụng giấy phép cũ để quảng cáo và huy động vốn theo hình thức đa cấp. 

Hoạt động kinh doanh đa cấp được thực hiện qua hội thảo, hội nghị trực tiếp
Hoạt động kinh doanh đa cấp được thực hiện qua hội thảo, hội nghị trực tiếp

Cụ thể, Công ty Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt) đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn lôi kéo 68.000 người với số tiền huy động lên đến 1.100 tỷ đồng. Mới đây nhất, cơ quan công an đã khởi tố lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thời Gian Vàng (Gold Time Group) do đã huy động vốn bằng cách lôi kéo người dân tham gia vào mạng lưới của mình. Mỗi người dân khi tham gia phải nộp 3 triệu đồng để mua “phân quyền” với lời hứa nếu lôi kéo được nhiều người tham gia sẽ được hoa hồng cao. Công ty này đã lôi kéo hơn 360.000 người với số tiền chiếm đoạt 900 tỷ đồng. 

Ngoài ra, sau thời gian hoạt động tại các công ty đa cấp, một số cá nhân đã mở công ty riêng và hoạt động không phép. Từ đầu năm đến nay, Công an TP.HCM đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của sinh viên về công ty có tên “Team Khởi Nghiệp 360” hoạt động đa cấp trái phép. Công ty này có 10 chi nhánh khắp các quận, huyện ở TP.HCM, rao tuyển sinh viên trực điện thoại, nhập dữ liệu nhưng sau ba ngày thì ép họ sang bộ phận kinh doanh và yêu cầu mua gói sản phẩm hơn 9 triệu đồng và dụ họ đóng số tiền nhiều hơn để trở thành “doanh nhân”. Theo Công an TP.HCM, có khoảng 1.000 sinh viên tham gia vào công ty này, mỗi người đóng từ 200-400 triệu đồng để trở thành “doanh nhân đồng”, “doanh nhân vàng” hoặc “doanh nhân bạc”. 

Một số công ty đa cấp sau khi huy động vốn của nhà đầu tư rồi bỏ trốn (như Khải Thái, Vì Cộng Đồng Việt, Thiên Ngọc Minh Uy, Liên Kết Việt, Golden Rock…), nay tiếp tục trở lại hoạt động với những cái tên khác để lừa đảo. Trong tám tháng đầu năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã nhận gần 7.112 cuộc gọi và hơn 1.000 yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng nhờ hỗ trợ. Việc xử lý hành vi lừa đảo của các đối tượng huy động vốn đa cấp khá khó khăn do nạn nhân không có hóa đơn, biên lai chứng minh mình đã nộp tiền. Thủ đoạn của các đối tượng huy động vốn lừa đảo là giữ hết hồ sơ, giấy tờ và hóa đơn của nạn nhân; bắt người tham gia phải xóa hết dữ liệu, hình ảnh trong điện thoại sau các buổi “học việc”; bắt ký vào giấy tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng tiền. 

“Dấu hiệu DN kinh doanh đa cấp trái phép là không có giấy phép hoạt động, kinh doanh nhưng không có hàng hóa, yêu cầu đặt cọc một khoản tiền nhất định hoặc mua một lượng hàng hóa để tham gia vào hệ thống, cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu, cung cấp thông tin sai sự thật để dụ dỗ người khác tham gia. Người tiêu dùng không nên tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp mà không có hàng hóa hoặc có hàng hóa chỉ mang tính chất tượng trưng” - ông Trịnh Anh Tuấn khuyên. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI