Nhiều con đường để hóa hư không

13/04/2023 - 06:09

PNO - Nhiều người thường nghĩ rằng sau khi chết, cơ thể rồi sẽ trở về với cát bụi. Thế nhưng với sự thay đổi của xã hội ngày nay, con đường hóa hư không có thể xuất hiện nhiều ngã rẽ, tùy thuộc vào sự lựa chọn lúc chúng ta còn sống.

Trở thành phân bón dinh dưỡng cho cây

Khi Howard Fischer qua đời, ông sẽ trở thành phân bón. Quá trình bắt đầu từ khi thi thể ông sẽ được bọc trong vải, đặt trên một chiếc giường bằng gỗ dăm để người thân và gia đình phủ cỏ, hoa lên trên trong một nghi thức tiễn biệt. Sau buổi lễ, thi thể sẽ được đưa vào một chiếc bình hình lục giác có cấu trúc bên trong tương tự như tổ ong và được theo dõi cẩn thận trong 5-7 tuần, đến khi hóa thành một khối phân bón màu mỡ. Ngày đó có thể còn lâu mới đến vì hiện Fischer mới 63 tuổi. Dù vậy, người đàn ông sống ở phía bắc TP New York, Mỹ đã thanh toán đầy đủ cho quá trình trên tại Recompose. Đây là cơ sở ủ phân hữu cơ từ cơ thể người đầu tiên ở Mỹ, tọa lạc tại TP Seattle, bang Washington. Gia đình của Fischer rất ủng hộ quyết định. Ông giải thích thêm: “Họ hiểu và biết ưu tiên của tôi là gì. Nhiệm vụ bảo vệ khí hậu và đảo ngược quá trình biến đổi khí hậu rất quan trọng đối với tôi. Không ai cho rằng lựa chọn của tôi là điên rồ”.

Sau quá trình ủ thi thể kéo dài 5-7 tuần, gia đình có thể sử dụng phần phân hữu cơ được tạo thành để trộn vào bồn hoa hoặc rải trong các khu rừng - ẢNH: AFP
Sau quá trình ủ thi thể kéo dài 5-7 tuần, gia đình có thể sử dụng phần phân hữu cơ được tạo thành để trộn vào bồn hoa hoặc rải trong các khu rừng - Ảnh: AFP

Theo một cách nào đó, quá trình ủ phân từ thi thể con người là sự tiến hóa của tập quán chôn cất người chết và để thi thể phân hủy theo tự nhiên, vốn tồn tại từ hàng ngàn năm trước cho đến ngày nay. Bên cạnh việc chôn cất từ rất lâu đến nay, nhiều người Mỹ ngày nay đã chọn cách hỏa táng. Tổ chức phi lợi nhuận Green Burial Council báo cáo rằng vào năm 2021, số nghĩa trang và nhà tang lễ cung cấp dịch vụ chôn cất thân thiện với môi trường đã tăng 20%. Thế nhưng việc chôn cất tự nhiên khó thực hiện hơn ở các khu vực đô thị, nơi không gian hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến kiến trúc sư Katrina Spade phát triển quy trình và thành lập Recompose - cung cấp lựa chọn tương đương với việc chôn cất tự nhiên dành cho những người sống ở thành phố. Cô Spade đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Urban Death Project để khám phá cách tăng tốc quá trình phân hủy và tạo ra một lựa chọn khả thi ở các khu vực đông dân cư.

Vào năm 2015, cô cùng giáo sư Cheryl Johnston từ Đại học Western Carolina (Mỹ) đã ủ phân thành công cơ thể người đầu tiên. Rào cản lớn tiếp theo là thuyết phục các nhà lập pháp tin tưởng vào phương pháp này vì vào thời điểm đó, việc ủ phân hữu cơ từ cơ thể người chưa được hợp pháp hóa tại bất kỳ bang nào tại Mỹ. Sau những nỗ lực vận động hành lang của cô Spade, năm 2019, Washington trở thành tiểu bang đầu tiên hợp pháp hóa quy trình này. Đến tháng 1/2023, đã có 6 bang tại Mỹ hợp pháp hóa quá trình ủ phân cơ thể con người sau khi chết.

Biến thành tác phẩm nghệ thuật hay trang sức

Gần 60% số người chết tại Mỹ được hỏa táng vào năm 2022 và tỉ lệ này đang tiếp tục tăng. Sau các nghi lễ tôn giáo, việc làm gì với tro cốt phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi gia đình. Nhiều nhà tang lễ hoặc lò hỏa táng trả lại tro cốt trong bình đựng hoặc một thùng chứa đơn giản, nhưng mọi người cũng có thể chi hàng ngàn USD cho những chiếc bình đặt riêng được nạm pha lê lấp lánh. Việc chôn bình đựng tro cốt tại nghĩa trang hoặc đặt trong một nhà tưởng niệm có thể tốn từ 300-3.000 USD. Thay vào đó, gia đình có thể quyết định rải tro cốt.

Hiệp hội Giám đốc nhà tang lễ quốc gia Mỹ báo cáo rằng, hơn 1/3 số người chọn hỏa táng muốn tro cốt của họ được rải ở một nơi tình cảm hơn là chôn cất hoặc giữ lại trong nhà tưởng niệm. Mallory McDuff - giáo sư giáo dục môi trường tại Đại học Warren Wilson (Mỹ) - cho biết thêm, nhiều người có quan niệm sai lầm rằng tro cốt là một loại phân bón, nhưng thực tế chúng không hề tốt cho cây trồng vì có tính kiềm cao, dễ làm chết cây. Tuy nhiên, người thân có thể thay đổi độ kiềm bằng cách thêm các hỗn hợp khác nhau trong lúc trộn tro với đất.

Ngoài ra còn có một số lựa chọn phi truyền thống để tưởng nhớ người đã khuất, nhưng chúng thường chỉ sử dụng một phần nhỏ lượng tro cốt. Quy trình chế tạo trang sức từ tro hỏa táng, chẳng hạn như dây chuyền, vòng tay, nhẫn và thậm chí cả kim cương, có thể dao động từ vài trăm đến hàng ngàn USD. Tro cũng có thể được chế tác thành tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như chặn giấy hoặc tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh. Nhà tang lễ Greenlawn ở bang Missouri cung cấp lựa chọn biến tro hỏa táng thành pháo hoa cho màn trình diễn kéo dài từ 2-15 phút. Công ty Hình xăm Kenosha ở bang Wisconsin thậm chí còn cung cấp dịch vụ xăm hình tưởng nhớ, sử dụng một lượng nhỏ bụi tro cốt trong mực xăm, dù không có nghiên cứu đáng tin cậy nào cho biết quy trình này có thực sự an toàn hay không. 

Linh La (theo Yahoo, Washington Post, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI