Nhiều cơ quan trả lời khiếu nại của người dân như... 'trả nợ'

05/10/2018 - 17:17

PNO - Theo thống kê, từ 2017 đến nay TP.HCM có hơn 3.000 đơn khiếu nại, trong đó khiếu nại đúng chiếm hơn 10%, khiếu nại có đúng, có sai chiếm gần 20%, còn lại 70% là khiếu nại sai.

Ngày 5/10, HĐND TP.HCM tổ chức phiên giải trình về tình hình khiếu nại trên địa bàn thành phố. Phó trưởng đoàn ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê nhận định, là người nhận rất nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của người dân, ông nhận thấy cách trả lời của cơ quan chức năng không có mối liên hệ với nhau mà chỉ như “nói lên quan điểm của  bên mình”.

Nhieu co quan tra loi khieu nai cua nguoi dan nhu... 'tra no'
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM

Bên cạnh đó, có tình trạng cơ quan chức năng không đi vào trọng tâm khiếu nại cũng như hướng dẫn cách thức cho người dân khiếu nại. Việc ra văn bản trả lời gần giống như  “trả nợ” cho việc đã tiếp nhận hồ sơ khiếu nại.

“Nếu không tìm được mấu chốt thì việc khiếu nại sẽ chưa có điểm dừng, thậm chí sẽ tích tụ lại. Công dân không chấp nhận và họ cần trả lời cụ thể, sự việc này có đúng hay không và phải làm gì”, ông Khuê cảnh báo.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2017 đến nay TP.HCM tiếp nhận hơn 3.000 đơn khiếu nại, trong đó khiếu nại đúng chiếm hơn 10%, khiếu nại có đúng, có sai chiếm gần 20%, còn lại 70% là khiếu nại sai. Ông Khuê đặt câu hỏi vậy khiếu nại sai ở mức độ nào.

Vị Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM đề xuất quy trách nhiệm trực tiếp cho những cơ quan giải quyết để tránh việc tích tụ, dồn nén. Qua đó, giảm khiếu nại và sự căng thẳng không cần thiết giữa công dân và các cơ quan nhà nước đối với những hồ sơ khiếu nại bị tồn đọng.

Tại buổi giải trình, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ băn khoăn về số lượng 70% khiếu nại sai và dẫn chứng TP.HCM có những vụ việc như Thủ Thiêm… mà tòa án cũng bác đơn vì cho rằng sai. Tuy nhiên, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì lại kết luận khác và TP.HCM đang giải quyết.

Nhieu co quan tra loi khieu nai cua nguoi dan nhu... 'tra no'
Khu tạm cư Thủ Thiêm hiện là nơi trú ngụ của nhiều cư dân Thủ Thiêm sau khi họ bị di dời theo chính sách. Ảnh: Minh Thanh

Bà đặt câu hỏi: “Liệu những vụ việc đó có nằm trong con số 70% được nêu ra hay không” và đề xuất kiểm tra lại do có thể không sát với thực tế. Không phải việc nào người dân bức xúc thì lãnh đạo thành phố cũng tiếp được vì còn bao nhiêu việc nữa. Người dân thiệt thòi quyền lợi rất lớn vì có những việc đáng lẽ ở cấp cơ sở giải quyết được.

Bên cạnh đó, bà Tâm còn nhận định TP.HCM vẫn còn tình trạng cán bộ có thẩm quyền nhưng lại né tránh giải quyết khiếu nại của người dân hoặc tìm cách kéo dài thời gian xử lý. “Nếu không giải quyết chính đáng thì người dân mất niềm tin vào cơ quan công quyền. Họ biết tin vào đâu nữa?” – bà Tâm đặt câu hỏi.

Chủ tịch HĐND TP.HCM lấy ví dụ, một hộ dân được đền bù khi bị thu hồi đất và đã có quyết định đền bù hàng trăm triệu đồng nhưng quận không trả tiền mà mang gửi vào kho bạc vì đang xảy ra kiện tụng với hộ dân này.

“Tiếp xúc cử tri người ta nói đến HĐND, mình mới mời tòa án, lãnh đạo quận, ủy ban, các sở, ngành lại. Khi đó, tòa nói việc nào ra việc đó. Tòa xử, tòa vẫn xử. Còn việc đền bù nếu hộ dân đó đúng thì vẫn phải đền bù. Và vụ kiện kia thuộc về dân sự. Một tuần sau, quận rút tiền từ kho bạc về giao cho hộ đó.

Hơn 3 năm trời đi khiếu kiện, thử hỏi thiệt hại biết bao nhiêu. Có nhiều ví dụ như vậy để thấy rằng mình giải quyết chậm thì gây thiệt hại rất lớn” – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng.

Vì sao chậm xử lý trình báo xâm hại tình dục trẻ em

Cũng tại buổi giải trình, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi, bà nhận được đơn thư của một trường hợp trình báo về việc trẻ em bị xâm hại tình dục của con em mình nhưng khi báo tới công an thì phải chờ đợi rất lâu.

Trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc Công an TP.HCM lý giải Công an TP.HCM rất tích cực nâng cao giải quyết những trình báo về tình trạng này nhưng do liên quan đến trình tự tiếp nhận tin báo tố giác nên cần thực hiện theo quy định.

 “Có trường hợp xảy ra ở ngoại thành, vùng ven nên khi cơ quan nhận được tin thì vụ việc xảy ra đã lâu. Trong quá trình điều tra lại chịu sự giám sát của Viện Kiểm sát (VKS), do yêu cầu chặt chẽ nên VKS luôn đòi hỏi chứng cứ vật chất. Tuy nhiên, vì để lâu nên giám định ngày càng khó. Đây là vướng mắc trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ” – ông Phong nhận định.

Để giải quyết hạn chế này ông Phong đề nghị cần có sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng để đảm bảo xử lý đúng quy định các hành vi phạm tội, không lọt tội nhưng cũng không oan sai và phải bảo vệ được danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Trường Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI