Nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân nếu thêm nguồn hiến tạng “chết tim”

01/03/2024 - 06:22

PNO - Theo các chuyên gia, nếu có quy định về nguồn hiến tạng từ người chết tim, nhiều cơ hội cứu sống cho bệnh nhân sẽ được mở ra. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó và còn nhiều tranh cãi.

Nguồn tạng hiến lớn từ người chết tim

Với sự phát triển của kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam hiện nay, nhiều bệnh nhân đã được “hồi sinh” sau khi nhận được nguồn hiến từ người chết não. Tuy nhiên, theo phó giáo sư, tiến sĩ Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - với những đặc thù về văn hóa, truyền thống nên nguồn tạng được hiến từ người chết não ở Việt Nam thuộc dạng thấp trên thế giới.

Một ca ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Một ca ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Hiện trên thế giới, tất cả nguồn hiến được tận dụng để có thể ghép cho người nhận. Ngoài nguồn hiến từ người cho chết não còn có từ người cho chết tim.

Hơn 10 năm qua, nguồn hiến tạng từ người chết tim đã được nhiều nước quan tâm, tỉ lệ hiến tạng từ những người này rất lớn. Người chết tim có thể hiến được phổi, thận, gan, tụy, các mô, giác mạc, xương, gân… Nguồn hiến từ bệnh nhân chết tim đang chiếm từ 20 - 60% ở các nước phát triển, trong đó Tây Ban Nha có tỉ lệ lớn nhất.

Theo một khảo sát năm 2020, tỉ lệ người hiến chết tim/1 triệu dân đạt 13,1 tại quốc gia này. Ở Trung Quốc, tỉ lệ người hiến chết tim cao hơn chết não. Cụ thể, năm 2015, Trung Quốc thực hiện 6.719 ca ghép thận, trong đó, 64% là thận hiến từ người sống; 19% thận hiến từ người chết tim và 17% từ người chết não. Nguyên nhân do hiến mô tạng từ người chết não ở Trung Quốc còn nhiều tranh luận. Nhiều người cho rằng, khi tim chưa ngừng đập thì bệnh nhân chưa thể chẩn đoán tử vong, gia đình chỉ đồng ý hiến tạng khi tim đã ngừng đập.

Mặc dù có nhiều tiềm năng từ nguồn hiến chết tim song tại Việt Nam, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (năm 2006) chỉ mới có quy định nguồn hiến chết não.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Nghĩa (Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, đơn vị này ghi nhận nhiều trường hợp không thể đánh giá được chết não vì trong quá trình thực hiện, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn (chết tim). “Mặc dù gia đình bệnh nhân đã đồng ý hiến tạng nhưng do không có quy định trong luật nên chúng tôi không thể lấy tạng được từ người hiến chết tim, điều này vô cùng đáng tiếc” - ông chia sẻ. 

Ông Đồng Văn Hệ khẳng định: hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội trong điều trị nối dài sự sống cho người bệnh chờ được ghép. Ông đề xuất cần có các quy định về nguồn hiến từ người chết tim trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sửa đổi sẽ được Quốc hội bàn tới đây (dự kiến năm 2025): “Nếu như không đưa được vào lần sửa đổi này, chúng ta sẽ lại mất thêm hàng chục năm nữa để có thể tận dụng các nguồn hiến, cứu sống bệnh nhân”.

Còn nhiều băn khoăn

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Quốc Kính (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), trong luật hiện hành, tiêu chuẩn xác định chết não đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, như thế nào để xác định ngừng tim phổi, cấp cứu tim phổi thất bại thì chưa có. Do chưa xác định rõ khi nào cấp cứu ngừng tuần hoàn thất bại nên nếu quyết định chậm sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của tạng. Thời gian ngừng tuần hoàn lâu, phổi có thể phù lên, số lượng tạng hiến giảm, thậm chí có thể chỉ lấy được thận. Nếu xác định “chết tim” quá sớm, một số chuyên gia lo lắng sẽ liên quan tới vấn đề đạo đức.

Trên thế giới, một số quốc gia có quy định về quyền được chết, cho phép dừng hỗ trợ sự sống và có thể nhận hiến tạng từ các trường hợp này. Song ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Quốc Kính, công dân Việt Nam chưa có quyền được chết. Vì vậy, các trường hợp như trên có thể vi phạm hình sự. Vị chuyên gia này cho rằng: để có thể mở đường cho ghép tạng từ nguồn người hiến chết tim thì phải có tiêu chuẩn ngừng tuần hoàn; tiêu chuẩn cấp cứu ngừng tuần hoàn thất bại; thời điểm có thể lấy được tạng ở người chết tim… Đây cũng là vướng mắc về mặt pháp lý khiến một số quốc gia trên thế giới không thể áp dụng.

Cùng mối băn khoăn trên, tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy) cho rằng mấu chốt quan trọng trong ghép tạng từ người hiến ngừng tuần hoàn là thời điểm chẩn đoán tử vong.

Bà dẫn chứng câu chuyện thực tế của đơn vị này trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về hiến, ghép tạng từ người cho chết tim. Theo đó, một bệnh nhân suy tim thở máy tiên lượng tử vong, người nhà đang cân nhắc việc hiến tạng. Tuy nhiên, sau khi hồi sức, người bệnh khỏe lại. Do đó, chẩn đoán chết tim “cực kỳ quan trọng”, cần một hội đồng với hệ thống tiêu chuẩn chặt chẽ để chẩn đoán người bệnh tử vong. Khi luật sửa đổi, bà nhấn mạnh phải có tiêu chuẩn y khoa, làm rõ định nghĩa về chết tim; có sự đồng thuận về mặt pháp lý với cơ quan bảo vệ pháp luật, từ đó, tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng.

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cũng nhắc lại câu chuyện của một bệnh nhân từng được hồi sức, bóp tim suốt 3 tiếng đồng hồ. Bệnh viện đã giải thích với gia đình rằng bệnh nhân có nguy cơ tử vong, song cuối cùng, người này đã sống lại. Hiện nay, các tiến bộ kỹ thuật ngày càng phát triển. Các phương pháp tim nhân tạo, ECMO, ghép tim có thể triển khai để cứu sống nhiều bệnh nhân tim mạch. “Với các ca bệnh có nguy cơ ngừng tuần hoàn, chúng ta đã cố hết sức chưa?” - ông đặt câu hỏi và lưu ý, tiêu chí kỹ thuật xác định thế nào là chết tim là vấn đề phải cân nhắc kỹ. 

Thay vì xây dựng một quy chuẩn, tiêu chuẩn về chết tim của Việt Nam, ông Dương Đức Hùng gợi mở nên chăng, chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng bộ tiêu chuẩn đã có trên thế giới. 

Còn khoảng trống trong luật hiện hành

Ông Dương Đức Hùng đề nghị khi sửa đổi luật cần xem xét kỹ nhiều vấn đề, quy định khác ngoài hiến tạng từ người chết tim. Cụ thể như cần khắc phục “khoảng trống” trong hiến, ghép tạng cho trẻ em. Luật hiện hành không có quy định cho phép người dưới 18 tuổi đăng ký hiến tạng. Nếu được cho phép lấy tạng từ nguồn này, nhiều trẻ bị giãn cơ tim, dị tật tim bẩm sinh có thể được cứu sống.

Cũng theo quy định của luật, muốn được hiến tạng thì phải đăng ký. Nhưng thực tế, tờ giấy này đôi khi không có nhiều giá trị. Các bác sĩ không thể lấy tạng nếu người nhà bệnh nhân không đồng ý. Trong trường hợp người nhà đồng ý nhưng người cho chưa ký giấy hiến tạng thì có được thực hiện không? 

Huyền Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI