Nhiều cơ hội cho ngành sách từ chuyển đổi số

11/10/2024 - 15:39

PNO - Chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành xuất bản: phát hành thuận lợi trên các nền tảng trực tuyến, doanh thu tăng trưởng nhanh chóng, nhiều phương thức quảng bá và kết nối với bạn đọc…

6 tháng thu 600 tỉ đồng trên tiktok

Tại buổi tọa đàm chủ đề “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay” (Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM vừa tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam 10/10), ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu sách trên TikTok đạt trên 600 tỉ đồng. Đây là con số vượt trội so với tổng doanh thu ngành sách trên TikTok của năm 2023 (trên 500 tỉ đồng).

Doanh thu bán lẻ online của Đường sách TPHCM tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024 - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM
Doanh thu bán lẻ online của Đường sách TPHCM tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024 - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM

Bà Phạm Thị Hóa - Phó tổng giám đốc Công ty Phát hành sách FAHASA - thông tin: “Tổng doanh thu sách mỗi năm của FAHASA ước tính là 2.000 tỉ đồng. Một kênh phát hành sách còn rất mới như TikTok mà đã có được mức doanh thu cao như vậy, cho thấy việc phát hành sách trên các nền tảng số là rất khả quan”.

“Bức tranh tươi sáng” và “hiệu quả không nhỏ” là nhìn nhận của những nhà làm sách khi nói về những cơ hội cho ngành sách từ chuyển đổi số. Bà Ông Thị Ngọc Linh - Phó giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TPHCM - đánh giá: “Một trong những khía cạnh tích cực nhất của chuyển đổi số chính là mở rộng thị trường. Đó không chỉ là câu chuyện phát hành mà còn là các phương thức kết nối với độc giả. Nhờ chuyển đổi số, sách đã tiếp cận bạn đọc dễ dàng hơn bao giờ hết. Bằng những nền tảng khác nhau, bạn đọc còn có thêm những trải nghiệm mới mẻ: đọc sách điện tử (ebook), nghe sách nói… Doanh thu sách điện tử của đơn vị chúng tôi cũng đang tăng trưởng tốt, chiếm 26% tổng doanh thu tính trong năm 2023”. Hiện đơn vị có website sachweb.vn phục vụ bạn đọc.

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện toàn ngành xuất bản đã có hơn 4.000 xuất bản phẩm điện tử và có 24/57 NXB tham gia phát hành điện tử. Sách nói (audio book) được bạn đọc lựa chọn phổ biến từ đại dịch COVID-19, đến năm 2023, tổng doanh thu ước tính từ các đơn vị là hơn 100 tỉ đồng. Các đơn vị kinh doanh sách nói như Fonos, Voiz FM… ngày càng phát triển, liên tục cập nhật các xuất bản phẩm mới và thu hút đông đảo bạn đọc. Thương mại điện tử cùng các phương thức phát hành sách thông qua nền tảng số cũng là một trong những yếu tố được các nhà làm sách nhắc đến theo chiều hướng tích cực. Việc live stream bán sách cũng là hướng đi đầy tiềm năng.

“Chuyển đổi số không chỉ là số hóa mà còn tạo ra những trải nghiệm mới, đa dạng cho khách hàng trên các nền tảng số. Hãy xem Spotify, Audiobooks… họ đã làm gì để có được lượng độc giả đông đảo? Các NXB cũng cần phải tạo ra thị trường riêng, với những sản phẩm riêng của mình” - ông Nguyễn Nguyên khuyến khích.

Khó khăn lớn từ nạn vi phạm bản quyền

Đó là vấn đề được ông Nguyễn Thành Nam - Phó giám đốc NXB Trẻ - quan tâm nhất khi nói về chuyển đổi số. “Vừa mới đây, có đơn vị làm sách nói báo cho tôi biết một kênh YouTube khác cũng làm audio book cùng nội dung ấn phẩm của NXB Trẻ, nhưng lại ghi chú người dịch khác. NXB mua bản quyền chuyển ngữ thì đó là bản quyền độc quyền và chỉ có 1 bản dịch duy nhất. Các bản dịch khác đều là vi phạm. Câu chuyện này cho thấy một khía cạnh khác về vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng hiện nay” - ông Nguyễn Thành Nam nói.

Nhờ chuyển đổi số, các đơn vị làm sách đều thuận lợi hơn trong công tác quảng bá sách, phát hành và kết nối với độc giả Nguồn ảnh: Saigon Books
Nhờ chuyển đổi số, các đơn vị làm sách đều thuận lợi hơn trong công tác quảng bá sách, phát hành và kết nối với độc giả Nguồn ảnh: Saigon Books

Tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng hiện ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Phổ biến nhất là nạn sách giả/sách lậu. Ngoài ra còn có việc sao chép nội dung và thay đổi định dạng rồi đăng tải, kinh doanh trên mạng xã hội; làm sách nói và ghi chú bản dịch khác hoặc live stream đọc sách; sử dụng nội dung tác phẩm văn học làm video không xin phép/trả tác quyền, thậm chí không ghi nguồn tác giả… Hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ còn vô tình được người dùng mạng xã hội tiếp tay.

Dù pháp luật đã có quy định về bảo vệ quyền tác giả cũng như mức xử phạt các hành vi vi phạm, việc bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng vẫn là thách thức rất lớn cho ngành xuất bản hiện nay. Suốt nhiều năm qua, câu chuyện bản quyền vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại tại nhiều hội nghị, tọa đàm và vẫn chưa có cách giải quyết triệt để. Ông Nguyễn Nguyên gọi đó là “nỗi đau” của ngành xuất bản và nhấn mạnh về ý thức “tự bảo vệ”, trước nhất là của tác giả và nhà làm sách. Xây dựng trung tâm bảo vệ bản quyền sách là một trong những cách thức thiết thực mà Cục Xuất bản sẽ làm trong thời gian tới. Nâng cao nhận thức của người dùng để không tiếp tay cho hành vi vi phạm bản quyền cũng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng trong một sớm một chiều.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI