Nhiều chuyện là một đặc ân

22/09/2018 - 12:07

PNO - Những gã đàn ông ít chuyện, tối ngày đá bóng, game và chuyện chính trị thế giới đang hưởng phước nhờ những câu chuyện nhỏ nhặt, tủn mủn của chúng ta mà không biết!

Đàn ông hay bảo “đàn bà lắm chuyện” mỗi khi thấy chị em ta tụm năm tụm ba bàn đủ thứ trên đời. Tệ nhất là mỗi khi mình nói chuyện với “hắn”, thay vì chăm chú lắng nghe, “hắn” lại chăm chú… chơi game, xem đá bóng, để rồi cuối cùng ném vào mặt mình câu ấy. Xời, nhiều chuyện, cứ cho là thế, là một đặc ân đó nha!

Nhieu chuyen la mot dac an
Hình minh họa. Tác giả: Dad

Đàn ông hay dùng mấy cơ sở khoa học đao to búa lớn để bảo chúng ta nhiều chuyện. Đại khái phụ nữ trung bình nói 5.000 từ/ngày trong khi đàn ông chỉ nói khoảng 2.000-2.200 từ/ngày.

Họ đâu biết, quan trọng không phải là bao nhiêu chữ mà là nói cái gì và nói với ai. Quan trọng hơn nữa là những điều đó mang đến điều gì. Ở cơ quan, khi tụ họp bạn bè, đàn ông chỉ quanh quẩn nói về công việc (mấy cái này thì chúng ta chả biết, chả liên quan - việc ai nấy biết thôi), chuyện bóng đá, thậm chí chuyện thời sự thế giới như vũ khí hóa học ở Syria, khả năng hòa bình ở bán đảo Triều Tiên…

Nói chán những chuyện xa xôi ấy thì họ quay sang bàn về… gái gú - điểm chết người của mấy ông, đã gây ra không biết bao nhiêu là thảm họa cho các gia đình. Túm lại là: không có ích lợi gì hết cho cuộc sống, gia đình, con cái.

Trong khi đó, những câu chuyện của chúng ta lại rất sát sườn với cuộc sống. Giá gạo tăng thêm 2.000 đồng/kg nghĩa là chất lượng bữa ăn của gia đình ta đang bị đe dọa. Xăng tăng 400 đồng/lít là ngân sách gia đình có nguy cơ bị thâm thủng.

Chuyện đó, chúng ta lo tới bạc tóc, đâu phải chỉ vì bản thân ta, mà còn vì “hắn” và bọn nhỏ nữa chứ. Mà ta lo là vì ta yêu hắn, yêu bọn nhỏ. Thế mà hắn cứ thản nhiên như không, bảo ta cứ tự cân đối - nhiệm vụ nặng nề hơn bất cứ thứ gì sếp hắn ở cơ quan giao cho.

Chị Hai đầu ngõ mua váy mới theo xu hướng thời trang mùa hè, nghĩa là ta sẽ phải tính lại tủ đồ của mình, chứ chẳng lẽ để hắn phải xấu mặt với bạn bè khi dắt theo một cô vợ lỗi mốt đi dự tiệc. 

Ta kể hắn nghe về vụ cãi nhau của cô Tư với chú Út hàng xóm là ta đang truyền thẳng vào tai hắn thông điệp phải trân trọng giá trị gia đình, tránh những xung đột không đáng có.

Ta kể, hy vọng mớ dây điện, bán dẫn, vi xử lý gì gì đó trong não hắn hoạt động để lập trình lại cuộc sống gia đình hoặc ít nhất là giữ nguyên hiện trạng.

Thật đau đớn cho chúng ta khi bọn hắn thản nhiên: “Em xía vô chuyện hàng xóm làm gì, nhiều chuyện”. Nỗi oan này ai thấu cho không?

Nhieu chuyen la mot dac an
Hình minh họa

Nếu không có những câu chuyện giữa chúng ta với nhau, làm sao chúng ta biết được hắn giấu tiền trong vớ, hẹn với “người xưa”, làm sao biết cần phải đi sắm cái đai trẻ em khi đón con đi học về để con khỏi té.

Nghe tin bão Mangkhut, chúng ta nhắc nhau bỏ áo mưa vào trong cốp xe bọn hắn, rồi đổi giày khác khi đi làm cho đỡ hỏng nếu mắc mưa.

Thậm chí, từ những câu chuyện của chúng ta, ta mới nghiên cứu xoay lại bàn làm việc của hắn cho hợp phong thủy, để đủ ánh sáng, đổi cho hắn cái nệm lót ghế cho êm…

Những gã đàn ông ít chuyện, tối ngày đá bóng, game và chuyện chính trị thế giới đang hưởng phước nhờ những câu chuyện nhỏ nhặt, tủn mủn của chúng ta mà không biết, lại còn bảo chúng ta nhiều chuyện. Thật quá đáng!

Liên Châu
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI