Nhiều chủ doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đột quỵ

08/11/2024 - 12:43

PNO - Thường xuyên làm việc với áp lực cao, mệt mỏi, căng thẳng kéo dài, nhưng không có thời gian đi khám bệnh, các chủ doanh nghiệp, doanh nhân trẻ dễ rơi vào nguy hiểm.

Sáng 8/11, CLB Doanh nhân Sài Gòn đã tổ chức chương trình tọa đàm “Doanh nhân khỏe - Doanh nghiệp vững” tại TPHCM, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe đối với doanh nhân, những người đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp.

Tại chương trình, các doanh nhân có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe, từ đó hình thành những phương pháp và thói quen lành mạnh giúp tăng cường thể chất, tinh thần.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp Thần kinh TPHCM chia sẻ về đột quỵ - Ảnh Phạm An
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp Thần kinh TPHCM chia sẻ về đột quỵ - Ảnh Phạm An

Phát biểu tại chương trình, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, chia sẻ, đối với doanh nhân, việc chăm lo sức khỏe cho doanh nghiệp có thể xem như một trách nhiệm mà chúng ta luôn phải làm.

Tuy nhiên nhiều chủ doanh nghiệp lại quên rằng sức khỏe của chính bản thân mình là điều quan trọng nhất, doanh nhân khỏe thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.

Ông cho biết: “Làm việc với nhiều doanh nhân, tôi nhận thấy, rất nhiều người thường tập trung vào phát triển và quản lý doanh nghiệp mà quên đi chăm sóc sức khỏe bản thân. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là các bệnh về mắt hay nguy cơ đột quỵ.

Với áp lực của sự phát triển, cạnh tranh, có rất nhiều doanh nghiệp đã và đang có triệu chứng liên quan đến đột quỵ như tim mạch, mệt mỏi, căng thẳng kéo dài,… Thế nên, đã đến lúc chủ doanh nghiệp cần nhìn lại sức khỏe của mình. Doanh nhân khỏe mạnh chính là nền tảng cho sự vững chắc của doanh nghiệp”.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nước ta, với khoảng 200.000 người mắc bệnh mỗi năm.

Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của người dân về căn bệnh này vẫn còn hạn chế, nhiều người chưa biết cách xử lý kịp thời trong “giờ vàng” (khoảng thời gian quý báu quyết định sự sống còn và khả năng hồi phục của bệnh nhân).

“Thay vì đến bệnh viện trong vòng 3, 4 giờ đầu sau khi có triệu chứng, nhiều người vẫn tin vào các phương pháp truyền miệng như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai hay sử dụng các bài thuốc Đông y chưa được Bộ Y tế khuyến cáo. Chính những cách làm này đã làm mất đi cơ hội điều trị hiệu quả, khiến bệnh tình diễn biến nặng hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài”, bác sĩ Trần Chí Cường nói.

Đột quỵ có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào vì vậy chúng ta không nên chủ quan với căn bệnh này. Đặc biệt người đang có nguy cơ tiềm ẩn, nhất là các doanh nhân trẻ, chủ doanh nghiệp đang trên đà phát triển đã mắc bệnh do thường làm việc trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, làm việc cường độ cao kéo dài.

Bác sĩ Cường cho rằng tuy đột quỵ nguy hiểm nhưng việc phát hiện sớm cùng kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ mạch máu, đồng thời kết hợp thay đổi các thói quen và lối sống như: bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, kiểm soát cân nặng, tăng cường vận động… sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh lý.

Người bệnh cần tăng cường vận động, ăn nhiều rau củ, trái cây, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo thường, bệnh tim, mỡ máu cao, bỏ thuốc lá, rượu bia,...

Quan trọng, mọi người cần thăm khám sức khỏe định kỳ, tham gia chương trình tầm soát đột quỵ để phát hiện sớm và có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, từ đó phòng ngừa đột quỵ tốt hơn.

Để phát hiện một người rơi vào tình trạng đột quỵ, chúng ta có thể nhận biết và xử trí qua câu “Méo cười, ngọng nói, xuội tay – Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ” hoặc các dấu hiệu được viết tắt trong từ FAST:

F (Face): Người bệnh có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi cười, nhe răng.

A (Arm): Yếu liệt tay chân. Kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh đưa hai tay lên duy trì tư thế duỗi thẳng hai tay ra phía trước để phát hiện sự bất đối xứng khi so sánh hai bên.

S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó hoặc câm lặng.

T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng trên một cách đột ngột, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa người bệnh đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI