Nhiều chiêu lừa mới những ngày tết

09/02/2024 - 06:00

PNO - Thông báo có đơn hàng để lừa chuyển khoản, đặt mua hoa rồi chiếm tiền, nhờ chuyển tiền cho người thân rồi lừa nhấp vào đường dẫn lạ… là các chiêu thức lừa đảo đang diễn ra phổ biến những ngày cận tết.

Chị Trần Kim Nhi, quận 3, TPHCM - kể, mới đây chị nhận được cuộc gọi từ số máy lạ thông báo chị có đơn hàng trị giá 700.000 đồng, sẽ được giao tới địa chỉ công ty chị Nhi đang làm việc. Trước đó, chị Nhi cũng có đặt vài đơn hàng trên các trang thương mại điện tử, cộng với thời điểm cuối năm bận rộn nên chị Nhi đã không để ý đó là đơn hàng nào. “Khi nhận hàng, tôi thường yêu cầu gửi tại phòng bảo vệ, sau đó sẽ chuyển khoản thanh toán cho người giao hàng. Nay khi nghe thông báo có đơn hàng, tôi không nghi ngờ gì. Mãi đến ngày hôm sau khi nghe bảo vệ thông báo không hề nhận được đơn hàng nào thì tôi mới biết mình bị lừa” - chị Nhi kể. 

Lợi dụng thời điểm cuối năm bận rộn, các đối tượng tung chiêu lừa thông báo có đơn hàng, sau đó yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng, phí giao hàng...
Lợi dụng thời điểm cuối năm bận rộn, các đối tượng tung chiêu lừa thông báo có đơn hàng, sau đó yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng, phí giao hàng...

Tình huống tương tự, chị Trần Thanh Nguyên, quận Bình Thạnh, TPHCM nhận được cuộc gọi thông báo chị đang có đơn hàng sắp được giao, địa chỉ nhận hàng lại là địa chỉ công ty cũ nơi chị từng làm việc. Đối tượng còn chụp hình ảnh đơn hàng gửi cho chị Nguyên xem để tạo niềm tin, sau đó yêu cầu chị Nguyên thanh toán tiền giao hàng là 180.000 đồng. Cũng do bận nhiều việc, nghĩ rằng đó là quà của đối tác nào đó tặng nhưng chưa thanh toán phí giao hàng nên chị Nguyên đã vui vẻ thanh toán. Sau khi biết mình bị lừa, chị Nguyên thấy lo sợ vì đối tượng đã biết được không ít thông tin cá nhân của chị Nguyên nên mới dễ dàng tạo nên kịch bản lừa hoàn hảo như vậy.

Một kịch bản lừa khác đang phổ biến là chiếm tài khoản Facebook của 1 số Việt kiều nước ngoài, sau đó nhờ bạn bè trên Facebook của nạn nhân chuyển tiền viếng đám tang hoặc gửi cho người thân ở quê ăn tết. Thông tin đến chúng tôi, chị Ngọc Trâm, quận 4, TPHCM - kể, chị có một người bạn trên Facebook sống tại Pháp. Mỗi lần về Việt Nam đều ghé thăm gia đình chị. Mới đây, người này nhắn tin nhờ chị Trâm chuyển tiền viếng đám tang cho 1 người bạn tại Cần Thơ 5 triệu đồng, sau đó sẽ chuyển lại cho chị Trâm là 400 Euro (khoảng 10,5 triệu đồng), phần tiền còn dư sẽ lì xì cho con chị Trâm. Thấy nghi ngờ, chị Trâm đã gọi video call để kiểm tra thì phía bên kia đã bấm tắt máy.

Chị Trâm nhận được tin nhắn nhờ chuyển tiền viếng đám tang
Chị Trâm nhận được tin nhắn nhờ chuyển tiền viếng đám tang

Sau đó, đối tượng tiếp tục nhắn tin sẽ chuyển tiền trước cho chị Trâm để tạo niềm tin. “Vài phút sau, tôi nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ thông báo số dư cộng thêm 10 triệu đồng, kèm đường link nhận tiền. Người này tận tình hướng dẫn tôi nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập vào đường link trên, nếu tôi nhấp vào thì coi như tài khoản sẽ mất sạch tiền” - chị Trâm kể.

Đối tượng gửi đường link thông
Đối tượng gửi tin nhắn với số dư đã cộng thêm 10 triệu đồng, kèm theo đường link yêu cầu chị Trâm nhấp vào để nhận tiền

Gần đây, cũng nổi lên chiêu thức lừa đặt mua hoa tết số lượng lớn rồi chiếm đoạt tiền. Chị An Nhiên, quê tại Hà Nội thông tin với chúng tôi, mới đây có một khách hàng nam tên Lê Cát Trung liên hệ với chị đặt 150 cành đào với giá 70.000 đồng/cành, yêu cầu gửi hoa bằng xe khách. Khi xe gần tới nơi, gọi điện thông báo Trung chuẩn bị nhận hoa thì Trung nói rằng nhà có đám tang không nhận được, sau đó yêu cầu chị Nhiên phải giảm giá hoa xuống còn 50.000 đồng/cành mới nhận. “Đường quá xa, nếu vận chuyển ngược trở lại ra Hà Nội thì tôi sẽ bị lỗ. Trong tình thế này buộc tôi phải giảm giá. Tuy nhiên, sau khi nhận được hoa, đối tượng này lập tức chặn liên lạc với tôi” - chị Nhiên kể.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng Quốc gia (NCS) - cho biết, hiện nay có 24 chiêu thức lừa đảo phổ biến. Các chiêu thức lừa đảo này thực tế là chiêu thông báo gửi bưu kiện rồi yêu cầu chuyển phí thanh toán, đánh cắp tài khoản mạng xã hội rồi nhắn tin lừa đảo, giả vờ đặt hàng rồi chiếm đoạt hàng hoá của người bán… Nhưng các chiêu thức này đã được các đối tượng làm mới bằng cách thêm thắt nhiều chi tiết mới, tung chiêu vào thời điểm cận tết nên nạn nhân không ngờ tới, dễ sập bẫy. Là người dân, khi tiếp nhận các thông tin này, cộng thêm việc đối tượng đọc vanh vách các thông tin về CCCD, địa chỉ nhà ở… thì người dân rất bối rối và dễ bị thao túng tâm lý, dễ rơi vào các kịch bản lừa đảo do các đối tượng dựng lên.

“Các đối tượng thừa biết cơ quan chức năng đang làm gì, thông tin mà cơ quan chức năng đang tuyên truyền với người dân là gì nên chắc chắc các đối tượng lừa đảo sẽ tìm cách thay đổi kịch bản lừa đảo. Do đó người dân phải tự mình phòng tránh trước bằng cách thường xuyên cập nhật, tìm hiểu các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới. Khi tiếp nhận bất cứ thông tin gì, người dân cũng nên chậm lại 1 chút để kiểm chứng lại thông qua người thân, bạn bè hoặc tra trên Google bằng cách gõ nội dung vừa được nhận kèm với cụm từ "lừa đảo". Không chuyển tiền, giao lưu, không cung cấp tên đăng nhập hoặc mật khẩu ngân hàng với người chưa từng tiếp xúc. Không cài các ứng dụng lạ trên điện thoại hoặc máy tính để tránh bị cài mã độc” - ông Vũ Ngọc Sơn nói.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI