Nhiều câu hỏi với “siêu cảng” Cần Giờ

17/07/2023 - 05:57

PNO - Dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế ở huyện Cần Giờ đang được dư luận quan tâm, khi được nêu kèm những con số hấp dẫn về đóng góp cho ngân sách và tạo ra việc làm.

 

Cần Giờ được xem là lá phổi xanh của TPHCM và khu vực
Cần Giờ được xem là lá phổi xanh của TPHCM và khu vực

Từ năm 2009, Việt Nam đã mong hình thành cảng trung chuyển quốc tế ở vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Như vậy, dự án xây cảng ở Cần Giờ mở ra cơ hội có cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên.

Tuy vậy, vị trí đặt cảng ở nơi có khu dự trữ sinh quyển thế giới đã gây không ít quan ngại, băn khoăn. Liệu dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến “lá phổi xanh” của TPHCM và khu vực? Dự án sẽ tác động thế nào đến khu vực vốn ở vùng trũng thấp của TPHCM và được dự báo là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng? Đặc biệt, trong tương lai, cùng với khu đô thị lấn biển hơn 2.870ha tại đây, mức độ đô thị hóa của huyện Cần Giờ có thể diễn biến ngoài tầm kiểm soát.

Ngoài vấn đề môi trường, còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh siêu dự án này, về tính cần thiết và khả thi, bởi cách nơi dự kiến xây cảng Cần Giờ chỉ 1km, đã có cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với tiềm năng lớn nhưng chưa khai thác hết công suất. Chỉ riêng cụm cảng này, đã có 20 cảng đang hoạt động và thường xuyên “đói” hàng. Chưa kể, khu vực xung quanh còn cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An đều chưa hoạt động hết công suất. 

Về lâu dài, việc xây cảng Cần Giờ có thể cần thiết, nhưng hiện tại, nên tập trung hoàn thiện và nâng cao năng lực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cũng như các cảng lân cận để tối ưu hóa nguồn lực.

Nhà tư vấn dự án cho rằng, MSC - hãng tàu thuộc tốp đầu thế giới - cam kết bỏ tiền đầu tư và đảm bảo nguồn hàng cho cảng Cần Giờ. Họ tự bỏ tiền đầu tư nghĩa là đã cân nhắc kỹ và chúng ta cần “nắm bắt cơ hội”. Thế nhưng, quy định hiện nay đối với các công trình hạ tầng trọng điểm có vốn đầu tư nước ngoài thì phía Việt Nam cần có nguồn vốn đối ứng với tỉ lệ nhất định để đảm bảo nắm giữ quyền khai thác cảng.

Chưa kể, không chỉ tiền xây cảng, mà để dự án vận hành hiệu quả đòi hỏi nguồn lực rất lớn để xây dựng hệ thống kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật bởi hạ tầng Cần Giờ gần như chưa có gì.

Cảng trung chuyển quốc tế nhất thiết phải thu hút được nguồn hàng từ các nước “ghé chân” qua đây. Muốn vậy, ngoài xây cảng to, hiện đại, cần có chính sách ưu đãi, trang thiết bị và công nghệ hiện đại, cùng các dịch vụ hậu cần bài bản.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Nguyên Khôi - công tác tại Trường Quản trị EM Normandie (Pháp), chuyên gia trong lĩnh vực vận tải đường biển quốc tế - đánh giá, thách thức của cảng Cần Giờ là cạnh tranh được với các siêu cảng quốc tế trong khu vực, đặc biệt là cảng Singapore và Tanjung Pelepas (Malaysia). Đây là các cảng lâu đời, sở hữu công nghệ khai thác hiện đại, mạng lưới kết nối đường biển dày đặc và đặc biệt là vị trí chiến lược bậc nhất của eo biển Malacca trong hệ thống vận tải toàn cầu. Theo ông, xét tới cấu trúc hiện tại của thị trường khu vực, cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới Cần Giờ không dễ vận hành hiệu quả.

Có thể thấy, tiềm năng kinh tế biển của Cần Giờ là không thể phủ nhận, nhưng định hướng phát triển như thế nào thì cần nghiên cứu một cách cẩn trọng, toàn diện, hài hòa về lợi ích kinh tế và môi trường. Riêng dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được đặt trong tổng thể phát triển cảng biển của cả nước và khu vực chứ không thể nóng vội. Nhà đầu tư chỉ nhìn từ góc độ lợi nhuận, còn chúng ta phải cân nhắc rất nhiều yếu tố và phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI