PNO - Ngày trước, vợ chồng đương nhiên là phải “đồng sàng”, nhưng nay chuyện vợ chồng ngủ riêng đã không còn hiếm; không chỉ thấy ở những đôi vợ chồng có tuổi, mà cả ở những đôi còn trẻ.
Chẳng phải họ bất hòa hay không hạnh phúc, mà theo nhiều đôi lý giải, đó chỉ là một cách giữ hạnh phúc, giữ lửa hôn nhân và giữ sức khỏe cho cả hai.
Phòng đôi, phòng đơn
Không đơn giản như chuyện phòng đơn hay phòng đôi trong khách sạn. “Phòng đôi” trong không ít gia đình ngày nay là phòng ngủ của hai vợ chồng, nhưng kê hai chiếc giường, một cho vợ, một cho chồng. Còn “phòng đơn” là phòng vợ riêng, phòng chồng riêng. "Mô hình" này đang là chọn lựa của nhiều đôi lứa và người trong cuộc có những lý do của họ. Vợ chồng chị Thái cho rằng, họ ngủ riêng hai phòng là vô cùng hợp lý. Chị đã gần năm mươi, giấc ngủ ngày càng khó đến.
Sau một ngày mệt mỏi với đủ thứ việc cơ quan, việc nhà, chị phải cố lắm mới dỗ được mình tạm yên vào giấc ngủ thì… cạch, đèn bật sáng, chồng chị vừa xem xong trận bóng đá trên ti vi, giờ mới vô phòng ngủ. Ổng lục đục tới lui, mở cửa, bật đèn, lên giường lăn qua lăn lại đủ kiểu rồi mới… khò khò ngáy. Ngủ chung nhưng thực ra chỉ có chồng là ngủ, còn chị nằm thức chong chong, nhiều lúc phải nhờ đến thuốc ngủ mới có thể yên giấc. Nay ở riêng phòng, chị cứ việc đóng cửa lại là xong, không ai làm chị phải thức giấc giữa chừng nữa. Phòng riêng thật, nhưng chị không khóa, chồng chị muốn gì cứ việc đẩy cửa vào, xong thì ai về phòng nấy!
Ảnh mang tính minh họa
Chị Hạnh thì khác. Chị không kể chi tiết chuyện khó ngủ, nhưng ai theo dõi facebook của chị thì biết, chị toàn cập nhật mọi thứ vào nửa đêm. Cũng phải thôi, bao nhiêu hình chụp trong ngày, phải đến khi đã tạm yên việc nhà cửa bếp núc, chị mới có thời gian để chọn hình, đẩy hình lên, bình luận cùng bạn bè và chờ bạn bè bình luận. Có khi chị vừa bấm phím, vừa cười rúc rích một mình.
Chồng chị khó chịu, quay mặt vào tường rồi quay ra cằn nhằn: ngủ đi cho người khác còn ngủ! Bực mình vì chồng đã không chia sẻ, lại còn khó chịu phá ngang, chị bỏ ra phòng khách hay sang phòng con gái “hoạt động”. Một hai tiếng sau, khi quay vào phòng ngủ chị buộc phải rón rén, cố nằm im không cựa quậy để khỏi đánh thức chồng. Vậy nên để cho tiện, chị ngủ luôn bên phòng con gái. Rồi con gái đi học xa, căn phòng thành phòng riêng của chị. Từ đó, anh chị ngủ riêng.
Anh chị Hiền - Phương thì chọn lựa cách kê hai chiếc giường trong một phòng ngủ. Anh chị thống nhất: sức khỏe là quan trọng, có sức khỏe thì mới có thể làm việc, nuôi con và giữ lửa hạnh phúc. Vợ chồng lúc trẻ ngủ chung không sao, vì dễ ngủ. Giờ hơi có tuổi, đâm ra khó tính. Ngủ chung người này đụng chạm, người kia có thể mất giấc.
Chị thích để máy lạnh thật lạnh, nửa đêm anh phải dậy mò mẫm tìm remote để tăng nhiệt độ cho phòng ấm lên. Anh thường dậy sớm đi tập thể dục, trong khi giấc ngủ lúc gần sáng với chị là ngon nhất, quan trọng nhất… Đủ thứ chuyện khiến người này ảnh hưởng đến người kia gây mất ngủ, họ quyết định chung phòng nhưng mỗi người một giường. Hai chiếc giường trong phòng, đủ xa để ai cũng được tự do, nhưng cũng đủ gần để lỡ trái gió trở trời có thể gọi nhau, hoặc muốn “giao ban” cũng tiện! Họ ở “phòng đôi” như thế đã gần sáu năm, thấy đó là giải pháp cực kỳ hợp lý cho một giai đoạn mới trong cuộc đời.
Được và mất
Phần lớn các cặp vợ chồng chọn ngủ riêng đều nêu nguyên nhân lợi ích sức khỏe lên hàng đầu. Tuy nhiên, ai cũng có chút ngập ngừng và tự nhận lập luận này nghe có vẻ… trái trái thế nào. Vợ chồng lấy nhau vì yêu thương, hấp dẫn nhau, chứ đâu phải lấy nhau vì… tốt cho sức khỏe! Đâu phải cứ việc gì tốt cho sức khỏe là ai cũng răm rắp thực hiện. Nếu như chỉ vì sức khỏe hay vì sở thích riêng mà hành xử thuần lý trí, hóa ra cái phần tình cảm giữa hai người đã vơi cạn ít nhiều rồi. Không tạo điều kiện, tạo môi trường để nuôi dưỡng tình cảm, còn tách riêng mỗi người, thì tự nhiên là tình cảm sẽ ngày càng tàn lụi.
Một lý do khá phổ biến: vì phải đi làm mệt mỏi, cần có giấc ngủ ngon; nhưng thực tế, chỉ các đôi có điều kiện nhất định về kinh tế mới có thể chọn cách sống này vì ít ra nhà cửa cũng phải rộng rãi đủ để… hai chiếc giường trong cùng một phòng ngủ, hoặc hai vợ chồng có hai phòng riêng. Kinh tế, tiện nghi lẽ ra là điều kiện để thụ hưởng hạnh phúc, lại trở thành hố sâu ngăn cá ch đời sống vợ chồng thực sự. Vợ chồng không chuyện trò thủ thỉ, không má tựa vai kề, không bén tiếng quen hơi, có khác gì… bạn chung phòng. Vợ mất ngủ, chồng cũng không biết vì sao, không chia sẻ nỗi lo hay niềm vui của vợ. Chồng trằn trọc, vợ cũng không hay, không có những âu yếm có thể làm yên lòng bạn đời những khi phải chịu áp lực căng thẳng của công việc, của xã hội. Sự gần gũi vợ chồng có sức mạnh riêng. Chọn cách ngủ riêng giường, ngủ khác phòng, cũng có nghĩa là từ chối sự gần gũi với người mình yêu thương.
Tất nhiên, ngủ chung cũng có không ít phiền phức. Đối với những trường hợp vợ chồng lớn tuổi, bệnh mạn tính, ngủ riêng có thể coi như một liệu pháp điều trị nhưng cũng không nên riêng biệt tuyệt đối và kéo dài. Cái được trong chuyện phòng đôi, phòng đơn là cái được cho mỗi một cá nhân, trong khi cái mất là mất mát chung của đời sống gia đình, của hạnh phúc lứa đôi. Do vậy, chỉ nên chọn giải pháp này khi không còn cách nào khác. Với những cặp đôi còn trẻ, nên coi đây là một dấu hiệu cảnh báo về sự lão hóa hay sự rạn vỡ của hôn nhân.
Sự thấu hiểu sâu sắc về nhau, những mối cảm thông giữa hai vợ chồng không chỉ đến từ giao tiếp thông thường, mà còn là những tín hiệu giao nhau trong không gian riêng tư, gần gũi. Sau cánh cửa phòng ngủ vợ chồng là thế giới riêng tư của lứa đôi. Được tạo dựng bằng tình yêu, nó tự nhiên và bất khả xâm phạm. Nhưng, sự gần gũi, chia sẻ cũng là một quá trình rèn luyện, cũng cần tình yêu và hy sinh. Nếu ai cũng chỉ muốn giữ lấy thế giới riêng của mình thì sẽ không có mái ấm chung của gia đình.