Nhiều cánh cửa việc làm mở ra cho nữ lao động tuổi trung niên

11/03/2024 - 06:29

PNO - Ngày 10/3, Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp Hội LHPN TPHCM thực hiện buổi thảo luận truyền hình với chủ đề “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên”. Nhiều vấn đề được các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng “mổ xẻ” với mong muốn giải quyết việc làm cho phụ nữ một cách hiệu quả.

Phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tổn thương

Bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TPHCM - thông tin, TPHCM là một trong những địa phương có lực lượng lao động đông nhất cả nước. Thống kê cho thấy, năm 2023 có trên 4,7 triệu lao động trong các thành phần kinh tế, tỉ lệ nữ chiếm trên 46%. Mỗi năm, thành phố thu hút khoảng 310.000 lượt lao động vào làm việc… 

Bà Lý Việt Trung (bìa phải) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cho các khách mời tham gia talk show “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên” - ẢNH: HẢI ĐĂNG
Bà Lý Việt Trung (bìa phải) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cho các khách mời tham gia talk show “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên” - Ảnh: Hải Đăng

Trong năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng chung của tác động suy giảm kinh tế toàn cầu, dẫn đến thiếu hụt đơn hàng, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã tiếp nhận và giải quyết 164.929 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó nữ chiếm 56,3%. Số lao động nữ trên 40 tuổi mất việc chiếm 27,5% trong tổng số lao động nữ thất nghiệp, tập trung nhiều ở lĩnh vực dệt may, da giày, các hoạt động dịch vụ thương mại, hành chính văn phòng...

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa: “Năm thách thức của lao dộng nữ tuổi trung niên: một là tuổi tác, hai là kỹ năng, ba là vốn, bốn là thông tin, năm là kết nối mạng lưới xã hội của các chị còn thiếu”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa: “Năm thách thức của lao động nữ tuổi trung niên: một là tuổi tác, hai là kỹ năng, ba là vốn, bốn là thông tin, năm là kết nối mạng lưới xã hội của các chị còn thiếu”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia xã hội học và phát triển - chỉ ra nguyên nhân khiến lực lượng lao động bị cắt giảm hàng loạt thời gian qua: ngoài việc doanh nghiệp không có đơn hàng, buộc phải sa thải lao động, còn do xu hướng đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng thành quả của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, dẫn đến không cần nhiều lao động phổ thông nữa.

Trước làn sóng đó, nữ lao động trên 40 tuổi là những người chịu nhiều tổn thương bởi phải đối diện với 5 thách thức: tuổi cao - sức khỏe giảm sút, kỹ năng tay nghề không có, nguồn vốn tích lũy không đủ để khởi nghiệp, thiếu thông tin thị trường, kết nối mạng lưới xã hội còn yếu và quá mỏng.

Bà Lượng Thị Tới: “Để bảo vệ chính mình, người lao dộng phải có sự phát triển nghề nghiệp, tự dào tạo nâng cao trình dộ chuyên môn dể gắn bó và không bị sa thải”.
Bà Lượng Thị Tới: “Để bảo vệ chính mình, người lao động phải có sự phát triển nghề nghiệp, tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn để gắn bó và không bị sa thải”.

Người lao động phải thức tỉnh 

Sở LĐ-TB-XH dự báo, trong năm 2024, nguồn cung lao động vào khoảng 4,8 triệu và nhu cầu khoảng 300.000-320.000 vị trí việc làm. Nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại dịch vụ: 71,31%, công nghiệp xây dựng: 28,58%, nông lâm nghiệp và thủy sản: 0,11%; nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87%.

Theo bà Lượng Thị Tới, con số đó cho thấy nhu cầu nhân lực có trình độ đào tạo chiếm tỉ lệ cao và đó cũng là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Để bảo vệ chính mình, người lao động phải có sự phát triển nghề nghiệp, tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn để gắn bó và không bị sa thải. Bà cho biết Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch hỗ trợ người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Song song đó, doanh nghiệp cần có sự quan tâm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận, học tập nâng cao trình độ tay nghề để phục vụ và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Sở chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm thành phố tổ chức kết nối giữa người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thông qua các sàn giao dịch việc làm. 

Bbà Trần Thị Phương Hoa:“Khi thời dại chuyển dổi số thì thị trường lao dộng cũng chuyển dổi và chúng ta phải thức tỉnh dể có thể thực hiện những công việc mới”.
Bà Trần Thị Phương Hoa: “Khi thời đại chuyển đổi số thì thị trường lao động cũng chuyển đổi và chúng ta phải thức tỉnh để có thể thực hiện những công việc mới”.

Trước thực trạng nhiều lao động nữ ở tuổi trung niên bị mất việc và khó tìm việc, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - khẳng định, thời gian qua, Hội LHPN TPHCM đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ trung niên tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Cụ thể, hỗ trợ chị em tiếp cận thông tin, nhất là các sàn giao dịch việc làm, thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Hội cũng đã kết nối với các doanh nghiệp, các đơn vị, đặc biệt là những cơ sở đào tạo nghề; kết nối lao động với các loại hình dịch vụ để chị em có thể tiếp cận hoặc khởi nghiệp bằng chính nghề nghiệp của mình.

Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của hội cũng hỗ trợ mức vay cao nhất là 100 triệu đồng, trung bình khoảng 50 triệu đồng, cho những phụ nữ có nhu cầu vay vốn để làm ăn, khởi nghiệp.

Bà Vũ Kim Hạnh: “Chúng ta phải dạy nghề làm sao dể người lao dộng tiếp thu và nhớ, phải làm sao cho cung cầu di song hành nhau”.
Bà Vũ Kim Hạnh: “Chúng ta phải dạy nghề làm sao để người lao động tiếp thu và nhớ, phải làm sao cho cung cầu đi song hành nhau”.

“Hằng năm, hội đào tạo hơn 4.000 chị em khó khăn để các chị tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm công việc ở các cơ sở dịch vụ. Chẳng hạn, ngày 8/3 vừa qua, chúng tôi đã ký với các doanh nghiệp hỗ trợ gần 10 tỉ đồng cho các chương trình đào tạo nghề cho chị em với mỗi suất học nghề từ 25-35 triệu đồng hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, với những trường hợp khó khăn, chúng tôi còn vận động nguồn lực hỗ trợ phương tiện để các chị có thể làm nghề” - bà Trần Thị Phương Hoa nói. 

Theo bà, công cuộc chuyển đổi số kéo theo sự chuyển đổi của thị trường lao động. Do đó, chính người lao động phải thức tỉnh để làm sao làm được những công việc mới. Để chị em có cơ hội trải nghiệm, thể hiện và phát triển năng lực, thời gian qua hội tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ chị em khởi nghiệp trong thời đại công nghệ số, như tổ chức các lớp hướng dẫn live stream bán hàng, định vị bản thân, giới thiệu sản phẩm…

Phụ nữ lớn tuổi ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi tham gia nhóm làm việc thủ công do Hội LHPN xã tổ chức - ẢNH: DIỄM TRANG
Phụ nữ lớn tuổi ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi tham gia nhóm làm việc thủ công do Hội LHPN xã tổ chức - Ảnh: Diễm Trang

Nhà báo Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - cũng có chung suy nghĩ khi giải đáp thắc mắc của 1 bạn đọc gửi câu hỏi cho chương trình rằng: có nên tiếp tục đi xin việc ở công ty da giày hay đi học nghề mới khi chị đã 36 tuổi, có 15 năm làm công nhân da giày và hiện đang thất nghiệp? Bà nói: “Các bạn cứ bình tĩnh, ngồi bàn bạc với gia đình. Nếu nghề “tay mặt” là làm công ty mà mình đã lớn tuổi thì cần coi lại nghề “tay trái” là gì, có đủ kiên nhẫn không, có “dị ứng” với công nghệ thông tin không, khi đó mới biết mình có khả năng như thế nào rồi tìm cách. Chỉ có bạn mới biết bạn thuận nghề gì, tìm nơi dạy, tìm nơi thuê mình. Đó là chặng đường cần kiên nhẫn”.  

Cần nhiều hơn những nhịp cầu 

Là người gắn bó và có nhiều nghiên cứu về doanh nghiệp, thị trường, người lao động, nhà báo Vũ Kim Hạnh tỏ ra lạc quan khi nhận thấy các công ty sử dụng nhiều lao động bắt đầu có đơn hàng và tuyển dụng lao động trở lại. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ mở rộng cũng đang cần nhiều nhân lực là phụ nữ trung niên, như các dịch vụ tìm người nuôi người bệnh, tìm người giúp việc nhà.

Nhà báo Kim Hạnh phân tích: mặc dù lao động thất nghiệp nhiều nhưng bạn bè trong xóm của bà lại khó khăn khi tìm người giúp việc bởi đối tượng này dường như cũng đang chạy sô. Nhiều người kêu ca không tìm được người giúp việc, trong khi nhiều người thất nghiệp lại không biết đi đâu để tìm việc làm.

“Điều đó cho thấy cuộc sống đô thị đã và đang thay đổi, cấu trúc công việc phong phú hơn. Tuy nhiên, phải làm sao cho cung - cầu gặp nhau, phải làm sao dạy nghề cho người lao động tiếp thu và nhớ được, cũng như làm sao để tạo nên những nhịp cầu tương tác để kết nối cung - cầu một cách nhanh nhất” - bà Vũ Kim Hạnh đặt vấn đề.

Bà cũng chỉ ra, hiện nay, chúng ta có hệ thống bán lẻ, có nguồn lực về công nghệ rộng khắp giúp phát triển hình thức “mama shop” - tự tạo việc ở nhà. Đơn cử như có nhiều bà mẹ vừa đưa võng ru con vừa live stream bán hàng, chốt đơn rất mát tay. Nhiều người live stream xong, gọi shipper trong xóm giao hàng, tự nhiên hình thành mạng lưới phân phối từ khát vọng tạo việc làm để có thu nhập và lợi nhuận.

Từ thực tế đó, bà Kim Hạnh đề nghị Hội LHPN TPHCM và Sở LĐ-TB-XH cần quan tâm, tiếp sức những đối tượng này bằng các chương trình huấn luyện cũng như nguồn vốn. 

 

Thu Lê


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI