Nhiều cán bộ liên quan đến tai biến chạy thận làm 8 người chết không được đào tạo

17/05/2018 - 18:31

PNO - Trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) cùng hai điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thu Hằng và Đỗ Thị Điệp đều cho biết, mình không được đào tạo về trang thiết bị vật tư chạy thận.

Trong phiên xét xử chiều ngày 17/5, khi luật sư hỏi bị về chuyên ngành đào tạo của mình, bị cáo Sơn cho biết mình được đào tạo chuyên ngành kĩ thuật thiết bị hình ảnh y tế, không liên quan gì đến máy chạy thận. Năm 2015, Sơn có đề xuất được đi đào tạo chuyên môn về máy chạy thận, kế hoạch này được duyệt vào khoảng năm 2016 nhưng cho đến khi sự cố xảy ra, bị cáo vẫn chưa được đi học. 

Thay vào đó, khoảng tháng 6/2015, bị cáo Sơn được Sở y tế cử đi học lớp kĩ thuật vi sinh, thời gian lớp học kết thúc vào cuối năm 2017. Nhưng môn bị cáo Sơn đi học liên thông đều không liên quan gì đến hóa chất, lọc máu, sửa chữa trang thiết bị y tế hay kiểm tra chất lượng nước. Người có chuyên môn duy nhất trong lĩnh vực này tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình là anh Trần Thanh Kiếm, đã được chuyển sang phòng…hành chính.

Trần Văn Sơn nói: “Tôi từng được anh Thắng (trưởng phòng vật tư) cho đi theo anh Trần Thanh Kiếm để học việc, được đào tạo truyền miệng. Tôi biết ở bệnh viện chỉ có mình anh Kiếm được đào tạo về chạy thận. Khi tôi về làm việc ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, anh Kiếm đang làm ở phòng vật tư”.

Nhieu can bo lien quan den tai bien chay than lam 8 nguoi chet khong duoc dao tao
Bị cáo Trần Văn Sơn

Cũng giống như bị cáo Sơn, khi được hỏi, điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp cho biết: “Tôi không được đào tạo về quy trình lọc máu, khi được phân công xuống đơn nguyên thận nhân tạo, tôi được chị Nguyễn Thị Thu Hằng hướng dẫn. Tôi tốt nghiệp trung cấp y tế chuyên ngành điều dưỡng đa khoa nên không được đào tạo gì về nước RO dùng cho chạy thận, cũng không được giải thích và đào tạo những thứ liên quan”.

Còn với điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng, người được cho là đã đào tạo điều dưỡng Điệp thì lại cho biết chị không nắm được nhiều kiến thức về lọc máu và không biết tiêu chuẩn AAMI (Tiêu chuẩn về dụng cụ y tế) là gì. Trong lĩnh vực lọc máu chạy thận tôi được học điều dưỡng đa khoa ở bệnh viện bạch mai trong 1 tháng, không qua trường lớp. 

Hầu hết được đào tạo truyền miệng và hướng dẫn thực tế, người có chuyên môn nhất về vật tư chạy thận,  lại được điều chuyển lên phòng hành chính. Thế nhưng, người có thể giải đáp được thắc mắc về công tác cán bộ này là ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc bệnh viện lại vắng mặt. Trong phiên xét xử ngày 16-5, đại diện của ông Dương là luật sư Đỗ Quốc Quyền cũng có mặt tại phiên tòa, nhưng ngày hôm nay, vị luật sư này lại không thấy có mặt.

Không ai nắm được phải dừng 10-15 ngày sau sửa chữa

Tại phiên tòa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) trả lời nguyên nhân của sự cố tai biến này là do thiết bị kiểm soát, đồng hồ chỉ dẫn của máy đã báo sai nên khi kiểm tra độ an toàn, nhiều người đã bị đánh lừa. Khi viện Khoa học hình sự kiểm tra các thiết bị này đã biết được, đồng hồ có độ sai số rất cao.

Quốc nói: ”Đồng hồ bị hỏng hóc thì thuộc trách nhiệm của bệnh viện. Tôi cũng không nắm rõ hệ thống do bệnh viện hay công ty Thiên Sơn quản lý”. Đặc biệt, trong bản điều tra của CQĐT cũng không nói về sự sai sót của đồng hồ hiển thị và ai phải chịu trách nhiệm cho sự sai sót này.

Nhieu can bo lien quan den tai bien chay than lam 8 nguoi chet khong duoc dao tao
Nhiều người dân quan tâm đến vụ án đến xem phiên tòa

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc cũng cho biết, mình không được đào tạo gì về sửa chữa máy chạy thận và không biết gì về các chỉ số. Khi đối tác đưa ra các tiêu chuẩn phải kiểm tra thì Quốc làm theo các tiêu chuẩn đó. Tất cả dựa vào kinh nghiệm. Cho đến nay, Quốc đã sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước ở rất nhiều bệnh viện trên cả nước. Quốc cũng cho rằng, sau khi sửa chữa, bảo dưỡng, phải dừng 10-15 ngày hoạt động để kiểm tra độ an toàn.

Khi được hỏi về cảnh báo này của Quốc, ông Đỗ Đình Vận, phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết rằng chưa lần nào nghe có kế hoạch triển khai chuyển bệnh nhân để thực hiện công tác bảo dưỡng. 

Còn theo luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, đại diện cho công ty Thiên Sơn thì việc khuyến cáo dừng 10-15 ngày không phải trách nhiệm của công ty này. Các cá nhân tổ chức tham gia chạy thận, đặc biệt bác sĩ phải biết điều này. “Chúng tôi cung cấp máy, có khuyến cáo từ hãng và hãng khuyến cáo bệnh viện khi chuyển giao công nghệ”, bà Hương nói.

Nhưng khi được hỏi về việc này, bác sĩ Hoàng Công Tình, trường khoa Hồi sức tích cực lại cho biết rằng ông không nắm được thông tin này, hợp đồng kí với công ty Thiên Sơn cũng không được triển khai xuống khoa và không có chỉ đạo nào dừng chạy thận sau khi sửa chữa bảo dưỡng xong.

Ông Tình nói: “Bản hợp đồng kí với công ty Thiên Sơn chỉ được giao cho phòng vật tư và phòng tài chính kế toán, khoa Hồi sức không hề được biết. Từ khi thành lập đơn nguyên thận nhân tạo cho đến nay, đã nhiều lần bảo dưỡng sửa chữa vào ngày chủ nhật, thứ 2 lại chạy thận bình thường. Tôi không được thông báo và cũng không nắm được về việc xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI là gì”.

Còn theo bị cáo Hoàng Công Lương, vào thời điểm sự cố xảy ra, tại đơn nguyên chạy thận nhân tạo có khoảng 130 bệnh nhân, nếu phải test chất lượng nước như lời Quốc nói, phải dừng hoạt động 10-15 ngày thì phải có kế hoạch chuyển các bệnh nhân đi. Nếu không sẽ dẫn tới nguy cơ nhiễm độc do không được lọc máu, có thể dẫn đến chết người. 

“Tôi không được thông báo sẽ phải xét nghiệm AAMI, cũng không được biết về hợp đồng vào thời điểm vụ việc xảy ra hay trước đó” bị cáo Lương trình bày. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI