Anh Hồ Xuân K. bị nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: QUỲNH LIÊN
Thống kê tại phòng khám bệnh viện này cho thấy tỉ lệ người đến khám do bệnh cúm tăng lên 10% so với ngày thường. Trong khi đó, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Riêng khoa hồi sức tích cực của bệnh viện này đang điều trị hai trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 rất nặng và một trường hợp viêm phổi nặng có nghi ngờ nhiễm virút cúm A/H1N1.
Phát hiện muộn
Bệnh nhân nặng nhất đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai là anh Hồ Xuân K., 23 tuổi, ở huyện Yên Bình, Yên Bái. Theo hồ sơ bệnh án, anh K. có dấu hiệu khởi bệnh từ hôm 3-4 với các triệu chứng: đau đầu, sốt, nhức mỏi cơ...
Giống nhiều lần bị cúm thông thường, anh K. có sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc cảm cúm nhưng những triệu chứng trên không cải thiện mà diễn biến xấu thêm. Đến ngày 7/4, anh K. có các dấu hiệu như sốt cao, ly bì, khó thở nên được đưa đến Bệnh viện Phú Thọ, tỉnh Yên Bái để điều trị.
Tại đây, các bác sĩ xác định anh K. bị viêm phổi nặng, suy hô hấp và cho điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm nhưng không có kết quả. Nghi ngờ anh K. có dấu hiệu nhiễm cúm, bệnh viện chuyển mẫu bệnh phẩm xuống xét nghiệm tại Viện Dịch tễ T.Ư. Ngay sau khi có kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A/H1N1, Bệnh viện Phú Thọ chuyển bệnh nhân K. xuống điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 10/4.
Theo bác sĩ Phạm Thế Thạch, khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, sau một tuần điều trị rất tích cực tình trạng của anh K. vẫn rất xấu. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy nhiều người nhà của anh K. trước đó đã có biểu hiện mắc cúm, trong đó có bốn người được xác định nhiễm cúm A/H1N1 và được điều trị tại khoa lây Bệnh viện Bạch Mai. Một số bệnh nhân khác tại Bệnh viện Bạch Mai cũng được xác định nhiễm cúm A/H1N1 do lây nhiễm từ bệnh nhân này.
Bác sĩ Thạch cũng thông tin một bệnh nhân được xác định nhiễm cúm A/H1N1 nặng khác là chị Lê Thị Ánh T., 29 tuổi, ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Chị T. nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở, kết quả chụp phim cho thấy phổi bị tổn thương rất nặng.
Chị T. được chuyển từ Bệnh viện Thanh Hóa lên Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 10/4. Sau một tuần điều trị tích cực, chị T. đang có dấu hiệu khả quan. Riêng chị Nguyễn Thị H., 20 tuổi, ở Bắc Kạn, cũng bị viêm phổi nặng (hai bên phổi hiện nay trắng xóa), nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 nhưng để có kết luận phải chờ kết quả xét nghiệm chính thức.
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị tích cực, thở máy, lọc máu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư là ông N. 52 tuổi, ở Phú Thọ, nhập viện ngày 13/4 và đang ở ngày mắc bệnh thứ 11. Trước khi mắc bệnh, bệnh nhân này có sức khỏe tốt, không có bệnh nền.
Trước khi nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân này được một bệnh viện ở Phú Thọ làm xét nghiệm nhưng không tìm ra chủng virút cúm, chỉ đến khi gửi mẫu bệnh phẩm xuống Viện Dịch tễ T.Ư mới cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 và âm tính với cúm A/H7N9.
Khó xác định chủng virút
Tất cả bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 này đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, đã có những biến chứng nặng như viêm hô hấp, viêm phổi cấp, viêm cơ tim... và ít có khả năng đáp ứng với thuốc đặc trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, thời điểm vàng để thuốc đặc trị có hiệu lực đối với virút cúm là trong vòng ba ngày kể từ khi phơi nhiễm với virút, tuy nhiên rất khó khăn để phát hiện virút cúm vào giai đoạn ủ bệnh (diễn biến từ 5 -7 ngày sau khi người bệnh phơi nhiễm với virút).
Nguyên nhân do người bệnh chưa có biểu hiện đã nhiễm cúm như: ho, sốt, mệt mỏi, đau đầu... Cũng theo ông Hà, hiện việc xác định chính xác chủng virút cúm khá phức tạp phải thông qua kỹ thuật cao, tốn kém trong khi phương pháp test nhanh thông thường lại không chính xác.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà cho biết không chỉ có chủng virút cúm A/H1N1 mà ngay cả với những chủng virút cúm cũ như: B, H2N2, H3N2... cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Sau khi bùng phát thành đại dịch vào năm 2009, cúm
A/H1N1 vẫn phát tác trong cộng đồng. Số người lành mang virút này trong cộng đồng chiếm tỉ lệ khá lớn, rải rác hằng năm vẫn có những bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1 nhưng không được phát hiện. Như những loại virút cúm thông thường khác, virút cúm
A/H1N1 có độc lực không cao, phần lớn các ca nhiễm cúm thông thường đều tự khỏi. Tuy nhiên vẫn có tỉ lệ nhất định những người nhiễm những virút cúm này có diễn biến nặng lên trở thành viêm phổi, suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong.
Chủ động phòng cúm Thời điểm chuyển mùa trong năm rất thuận lợi cho virút cúm phát tác trong cộng đồng, do vậy mỗi người cần có ý thức chủ động phòng tránh bằng cách tăng cường sức khỏe, sức đề kháng như tập luyện, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đối với những người nhiễm cúm cần có ý thức bảo vệ cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi ho hoặc hắt hơi cần phải che miệng bằng tay hoặc khăn giấy; rửa tay, vứt khăn giấy đã dùng vào thùng rác. Những người có nguy cơ cao nhiễm cúm, diễn biến nặng như người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mãn tính cần chú ý hơn đến việc chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, tập luyện, ăn uống đủ chất. BS Nguyễn Hồng Hà |
Theo Tuổi Trẻ