Nhiều ca nguy kịch vì sốt xuất huyết

22/07/2022 - 07:19

PNO - Nhiều người nghĩ sốt xuất huyết là bệnh quen thuộc, uống thuốc vài ngày sẽ khỏi, đến khi mệt mỏi, nôn ói vào bệnh viện cấp cứu thì đã rơi vào nguy kịch.

Vào viện mới biết bị sốt xuất huyết nặng 

Là một trong năm bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng đang được điều trị tại phòng cách ly Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, chị N.T.T.T. (47 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) may mắn qua cơn nguy kịch. Khắp người chị T. đều bị xuất huyết dưới da. Nhìn cánh tay trái với mảng bầm tím lớn, chị xuýt xoa: “Tôi cứ nghĩ mình bị SXH nhẹ, chứ đâu ngờ nặng nề đến vậy”.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng đang kiểm tra sức khỏe cho anh T. Trước đó, anh trai của T. đã tử vong vì sốt xuất huyết - ẢNH: TAM NGUYÊN
Bác sĩ Lê Quốc Hùng đang kiểm tra sức khỏe cho anh T. Trước đó, anh trai của T. đã tử vong vì sốt xuất huyết - Ảnh: Tam Nguyên

Chị kể: “Ngày thứ tư sốt, trên người tôi xuất hiện các nốt đỏ li ti, mọi người nói bị SXH nên tôi đi khám. Kết quả xét nghiệm, tôi mắc bệnh này. Tuy nhiên, tôi không thấy mệt mỏi, đau nhức nên vẫn về nhà sinh hoạt bình thường. Cho đến khi chóng mặt, nôn ói, tiêu chảy, tôi nhờ người nhà đưa đến bệnh viện khám lại, bác sĩ nói bệnh diễn tiến nặng nên yêu cầu nhập viện”.

Cạnh giường của chị T., chị M.T.H. (40 tuổi) bị sốc SXH biến chứng, toan máu trên nền bệnh đái tháo đường, nhiễm trùng máu, đang hôn mê. Tiếp đó là anh T.M.T. (24 tuổi) sốc SXH, toan máu nặng, đang phải lọc máu, truyền huyết tương liên tục; tổn thương đa cơ quan. Tuy vừa qua nguy kịch nhưng vẫn hôn mê. Đau lòng hơn, trước đó anh ruột của anh T. vừa mất do SXH khi chỉ gần 30 tuổi

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: “Do cả hai anh em T. đều có bệnh bẩm sinh, toan máu rất nhanh, SXH gây suy đa tạng, thêm phần bệnh nhân bị rối loạn hệ miễn dịch, vào bệnh viện quá trễ nên dù bác sĩ dùng mọi phương pháp tốt nhất, người anh vẫn tử vong. Do T. có nền bệnh và biểu hiện tương tự anh mình, qua nhiều cuộc hội chẩn, chúng tôi quyết định ngoài điều trị theo phác đồ thì sử dụng thêm thuốc ức chế miễn dịch. May mắn, anh T. đáp ứng thuốc, hy vọng sẽ có kết quả khả quan”.

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, SXH Dengue năm nay có sự thay đổi cả về số lượng và ca bệnh nặng. Điển hình như hai năm qua, tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có khoảng 200 - 400 ca mắc SXH, nhưng chỉ trong hai tháng gần đây đã có 200 ca nặng phải nhập viện điều trị, trong đó, 15 ca rất nặng. Số lượng bệnh nhân tăng cao có thể lý giải được, bởi theo thống kê tại Viện Pasteur TPHCM, năm nay chủng Dengue 2 chiếm đa số trong tổng số ca mắc. Chủng virus này có khả năng lây lan nhanh, gây bệnh ở mức độ nặng hơn Dengue 1. 

Hiểu sai về bệnh là rất nguy hiểm

Nhiều người cho rằng, nếu cơ thể khỏe mạnh thì khi mắc SXH không cần đến bệnh viện, chỉ cần uống thuốc hạ sốt vài ngày là khỏi. Bác sĩ Lê Quốc Hùng khẳng định quan niệm này rất sai, bởi người có bệnh nền, người thuộc nhóm nguy cơ, thừa cân, béo phì sẽ có xu hướng tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh. Nhưng không có nghĩa người trẻ, khỏe thì mang bệnh nhẹ. SXH có thể gây nặng với tất cả mọi người, độ tuổi. 

Bác sĩ Lê Quốc Hùng nói thêm: “Từ đầu năm đến nay, tại khoa có đến năm bệnh nhân tử vong do SXH, trong đó có cả người trẻ. Hiện tại, chúng tôi phát hiện có trường hợp sức khỏe bệnh nhân không hoàn toàn diễn biến theo cơ chế bệnh của SXH mà nhiều người đã tổn thương gan, thận, suy đa tạng rất nặng nề, chưa kể đến hàng loạt rối loạn khác. Gần đây, có những ca bệnh bắt buộc phải điều trị theo hướng giống như bệnh COVID-19, tức là có những phương pháp điều trị áp chế miễn dịch, thay huyết tương, lọc máu liên tục mới kéo được bệnh nhân ra khỏi nguy hiểm”. 

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết: Thành phố đã và đang có nhiều giải pháp quyết liệt trong việc ngăn chặn SXH bùng phát dịch. Số ca mắc trong tuần qua vẫn tăng cao, trung bình mỗi ngày có 50 ca mắc mới. Đến hiện tại, TPHCM ghi nhận hơn 75.000 ca mắc SXH, 12 trường hợp tử vong. Nếu tính cả khu vực phía Nam, số ca tử vong lên đến 63 trường hợp. 

Tại các bệnh viện, có hơn 1.800 trường hợp mắc SXH được thu dung điều trị với 1.178 ca người lớn, còn lại là trẻ em. Trong đó có 148 ca nặng, rất nặng. Theo ông Tăng Chí Thượng, để đảm bảo công tác thu dung, điều trị không bị quá tải, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kịch bản dựa vào số ca mắc SXH đến nhập viện và số ca nhập viện có tình trạng nặng. Sau đó sẽ phân công cho 53 bệnh viện thu dung, điều trị từ 300 - 4.000 ca SXH điều trị nội trú và 200 - 400 giường hồi sức.

“Ngành y tế nói riêng và người dân nói chung, tuyệt đối không lơ là, chủ quan SXH, mà phải có nhiều giải pháp quyết liệt, nếu không SXH sẽ bùng phát mạnh, kéo theo số ca mắc tăng, ca nặng và tử vong cũng tăng theo”, ông Tăng Chí Thượng nhắc nhở. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI