Nhiều biến chứng chỉnh nha do hoãn tái khám

02/06/2022 - 07:02

PNO - Hầu hết bệnh nhân đang chỉnh nha đều gặp vấn đề bất ổn vì đứt quãng thời gian tái khám do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hệ lụy từ dịch COVID-19 để lại trên các bệnh nhân do không thể tái khám đúng lịch vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là đối với những người đang chỉnh nha. Tiến sĩ - bác sĩ Hồ Nguyễn Thanh Chơn - Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - Răng hàm mặt Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho hay: Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca liên quan chỉnh nha, trong đó có đến 90% bệnh nhân bị biến chứng. 

Khí cụ niềng răng đâm xuyên má

Sáng 31/5, bác sĩ Chơn tiếp nhận một trường hợp đến khám do không há to miệng được. Đó là anh P.T.N. (23 tuổi, ngụ H.Hóc Môn). N. than có gì đó chọc vào má rất đau. Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân đang chỉnh nha bằng niềng răng mắc cài tại một cơ sở bên ngoài. Dây niềng răng đã bị sút một bên, bệnh nhân không thể tự cài lại được nên để yên như vậy. N. tâm sự không dám đi khám vì sợ lây COVID-19. Bẵng đi một thời gian, dịch bệnh đã ổn định nhưng N. vẫn trì hoãn, chưa đi tái khám ở cơ sở mình đang niềng răng vì bận công việc. 

Khí cụ niềng răng bị sút ra một phần ở trong miệng bệnh nhân, ban đầu chỉ gây cảm giác khó chịu nhưng gần đây thì đâm xuyên vào má dẫn đến sưng tấy, viêm nhiễm có mủ. Bác sĩ đã tháo khí cụ chỉnh nha, xử trí vết thương vùng má. Vết thương của N. rồi sẽ hồi phục nhưng hiệu quả chỉnh nha xem như đã đổ sông đổ biển. 

Bác sĩ Chơn cũng vừa tái khám cho bệnh nhân của mình sau gần một năm “mất tích”. Đó là một nữ sinh ngụ Q.Tân Phú, đang đeo niềng răng mắc cài do bị hô hàm trên và răng quá thưa. Theo chỉ định của bác sĩ, cô gái 17 tuổi này phải tái khám đều đặn mỗi bốn tuần/lần. Thời gian đeo niềng răng của bệnh nhân dự tính kéo dài hai năm, kết thúc vào tháng 6/2022. Nhưng từ tháng 6/2021 bệnh nhân không tới khám răng do sợ dịch COVID-19. Tới ngày 31/5/2022 bệnh nhân mới đến khám, bác sĩ lắc đầu cười khổ: “Răng bị xô lệch lộn xộn, sai vị trí mong muốn. Bây giờ, tôi phải điều chỉnh kéo từng chiếc một trở lại vị trí ban đầu”.

Mất răng vì viêm nha chu

Trường hợp của nam bệnh nhân N.V.T. (28 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), đang chỉnh nha do bị móm, cũng bị đau nhức răng, sưng viêm nướu nặng vì bỏ tái khám 5 tháng nay. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm nha chu do vệ sinh răng chưa tốt. Theo bác sĩ Chơn, chỉnh răng để cho răng đẹp hơn mà lại vì chăm sóc răng không đúng để răng bị lung lay, thậm chí mất răng thì mục tiêu điều trị chẳng còn ý nghĩa gì. Nếu bệnh nhân tái khám mỗi tháng đúng hẹn thì bác sĩ đã kịp thời phát hiện và xử trí. Vì T. trì hoãn đi khám nên đã không giữ lại được hai chiếc răng.

Đa số bệnh nhân sau các đợt dịch COVID-19 mới tới khám để tiếp tục quá trình chỉnh nha đều gặp sự cố. Nhẹ thì bị sút mắc cài, tuột khí cụ gây vướng, đâm chọc tổn thương trong miệng.Nặng hơn là vị trí những chiếc răng bị kéo đi quá mức gây xô lệch, sai hướng mong muốn dẫn tới xấu về thẩm mỹ, sai khớp cắn, ăn uống khó khăn. Rất nhiều trường hợp bị viêm nha chu, sâu răng do ở nhà chăm sóc răng không đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Qua đó, bác sĩ Chơn nhấn mạnh, bệnh nhân chỉnh nha cần tái khám mỗi 3 - 4 tuần/lần, bởi vào đúng thời điểm thì bác sĩ sẽ điều chỉnh lực kéo của khí cụ niềng răng. Chỉ cần hai lần bệnh nhân bỏ tái khám là phải mất thêm thời gian cả năm để điều chỉnh lại răng về đúng kế hoạch ban đầu. Nếu thấy các dấu hiệu lạ như răng đau bất thường, sưng nướu, chảy máu, khí cụ lung lay, sút ra thì phải đi khám chuyên khoa răng hàm mặt ngay dù chưa tới kỳ tái khám. 

Bác sĩ Hồ Nguyễn Thanh Chơn đang khám răng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - ẢNH: T.HUYỀN
Bác sĩ Hồ Nguyễn Thanh Chơn đang khám răng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Ảnh: T.HUYỀN

Chờ trẻ thay hết răng sữa mới khám chỉnh nha là sai lầm

Không ít phụ huynh đưa con tới khám răng mới ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ nói sao đến muộn thế. Nếu bé tới khám từ lúc chưa thay hết răng sữa thì quá trình chỉnh nha sẽ đơn giản, và hiệu quả hơn rất nhiều. Từ đó cho thấy quan niệm chờ con thay hết răng sữa mới đi khám để chỉnh nha là sai lầm. Bác sĩ Hồ Nguyễn Thanh Chơn khuyến cáo trẻ em trước tuổi dậy thì rất nên đi khám răng hàm mặt. Với những bé cằm bị lẹm sẽ được đeo khí cụ kích thích xương hàm dưới phát triển (hoặc tương tự với xương hàm trên) mà không cần phẫu thuật, bởi lúc này cơ thể của bé còn đang phát triển. Đợi tới khi trẻ đã lớn thì chỉ có thể niềng răng, muốn điều chỉnh xương hàm sẽ cần phải phẫu thuật. 

Ngoài ra, các bé chưa thay hết răng sữa cũng có thể được bác sĩ chụp phim, lấy ni hàm răng để nhìn thấy được răng vĩnh viễn nằm sâu bên trong rồi tính toán, dự đoán răng mọc lên có đúng chỗ hay không. Thậm chí, khi cần thiết bác sĩ sẽ nhổ chủ động răng sữa để định hướng cho răng vĩnh viễn mọc đều khi bé mới bắt đầu thay răng.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI