Nhiều bệnh viện miền Tây thiếu máu nhưng không thể nhận máu hiến do thiếu... túi đựng

23/10/2023 - 13:28

PNO - Từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, nhiều bệnh viện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào tình trạng thiếu hụt, khan hiếm nguồn máu.

Nhiều bệnh viện tại khu vực ĐBSCL cho biết, tình trạng thiếu hụt, khan hiếm nguồn máu trong khu vực đã diễn ra từ sau Tết Nguyên đán năm 2023 và kéo dài ngày càng nghiêm trọng cho đến nay. Trong khi đó, nhiều người dân muốn tham gia hiến máu nhân đạo để cứu người hiện vẫn không thể hiến máu được. Lý do là không còn túi đựng máu và sinh phẩm xét nghiệm máu.

Người dân tại ĐBSCL hiến máu nhân đạo cứu người nhưng không thể thực hiện được không còn túi đựng máu và sinh phẩm xét nghiệm máu
Người dân tại ĐBSCL hiến máu nhân đạo cứu người nhưng không thể thực hiện được không còn túi đựng máu và sinh phẩm xét nghiệm máu

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ đã có công văn số 780/HHTM-KHTH về việc tạm dừng giao chế phẩm máu cho các cơ sở y tế trong khu vực ĐBSCL. Cụ thể, bệnh viện sẽ tạm dừng đi giao máu, chế phẩm máu từ ngày 5/9/2023 và chỉ phát máu, chế phẩm máu trong trường hợp cấp cứu. Nguyên nhân được Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ cho biết là do gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hoá chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024. Do đó, bệnh viện hiện không còn túi lấy máu và hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu.

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ là đơn vị cung ứng máu cho 74 bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực ĐBSCL. Thế nhưng, ngày 17/10, bệnh viện tiếp tục có thông báo “khẩn” về việc chỉ còn 86 đơn vị máu trong kho. Trong khi nhu cầu cung cấp máu mỗi tuần cho ĐBSCL từ 2.800 đến 3.000 đơn vị máu, tương đương mỗi tháng cần 12.000 đến 15.000 đơn vị máu, tiểu cầu kit từ 300 đến 400 đơn vị/tháng.

Tại Sóc Trăng cũng xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn máu, UBND tỉnh này vừa có công văn gửi UBND TP Cần Thơ đề nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về tình trạng khan hiếm máu.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua tình trạng khan hiếm nguồn máu và chế phẩm máu tại các cơ sở y tế trong khu vực kéo dài và ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng trung bình mỗi tháng cần từ 800 - 1.000 đơn vị máu từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Trong khi đó, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ hiện đang tạm dừng giao máu từ ngày 5/9 đến nay.

BS.CKII. Đặng Minh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết, khoảng 1 tháng nay, tình trạng khan hiếm máu tại bệnh viện diễn ra liên tục, gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị, cứu chữa bệnh nhân.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ
Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ

Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ khẳng định: “Nếu có đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác tiếp nhận máu từ nguồn hiến máu nhân đạo thì ĐBSCL sẽ không xuất hiện tình trạng khan hiếm máu như hiện nay.

Theo ông Việt, thực tế từ năm 2008 đến năm 2021, bệnh viện còn có nguồn máu để chi viện cho Hà Nội (Bệnh viện Bạch Mai), TPHCM (Bệnh viện Chợ Rẫy)… Tình trạng khan hiếm máu bắt đầu từ năm 2022, khi chuyển từ hình thức đấu thầu tập trung (do Sở Y tế TP Cần Thơ thực hiện), sang hình thức các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải tự đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong thủ tục đấu thầu, nên mãi từ năm 2022 đến nay vẫn chưa ra thầu được. Chính vì thủ tục thầu kéo dài, khiến các vật tư y tế như: túi đựng máu, thuốc, hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu thiếu nghiêm trọng và không thể triển khai tiếp nhận nguồn máu hiến. Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ cố gắng duy trì cung ứng máu cho các tỉnh là nhờ vào nguồn từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy…

Để giải quyết tình hình khan hiếm máu căng thẳng như hiện nay, bệnh viện cũng đã có công văn khẩn báo cáo các cấp, sở ngành TP Cần Thơ. Lãnh đạo thành phố và các sở ngành có liên quan, cùng bệnh viện cũng đã ngồi lại họp bàn giải pháp quyết liệt nhưng vẫn chưa giải quyết được.

“Trước mắt, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ đang ưu tiên xúc tiến nhanh các gói thầu có túi đựng máu, hoá chất xét nghiệm sàng lọc máu. Đồng thời, tiếp tục có công văn đề nghị các đơn vị tại TPHCM, Hà Nội hỗ trợ nguồn máu trong giai đoạn khan hiếm hiện nay”, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ nói.

Chia sẻ về tình trạng khan hiếm nguồn máu tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực ĐBSCL, BS.CKII. Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi, thông tin thêm: Nguồn máu đóng vai trò quan trọng trong cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, liên quan trực tiếp đến sinh mạng của người dân, rất mong cơ quan chức năng TP Cần Thơ sớm có giải pháp, giải quyết dứt điểm trạng trên.

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI