|
Giáo sư - tiến sĩ Trần Bình Giang cho biết, nếu không tháo gỡ, chỉ 1 tuần nữa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ không còn hóa chất xét nghiệm máu, chỉ có thể thực hiện cấp cứu |
Hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao đều cạn
Sáng 23/2, tại Tọa đàm “Ngành y vượt khó”, giáo sư - tiến sĩ Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - đã nêu lên tình trạng “cấp cứu của cấp cứu” của đơn vị này cũng như nhiều cơ sở y tế.
Theo đó, tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, hầu như vật tư y tế để dành chăm sóc cho người bệnh và hóa chất xét nghiệm đã cạn kiệt. “Theo thống kê, hóa chất xét nghiệm công thức máu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ còn khoảng 1 tuần nữa không còn để sử dụng. Bệnh viện đã họp rất nhiều lần để tìm cách tháo gỡ nhưng rất khó khăn” - tiến sĩ Trần Bình Giang cho hay.
Theo Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đây là các hóa chất xét nghiệm sử dụng trên hệ thống máy do các cơ quan, công ty cung cấp hóa chất đặt tại bệnh viện.
“Tại sao chúng ta lại phải đặt máy? Vì kể từ năm 2015, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hầu như không có ngân sách Nhà nước đối với các hoạt động chi không thường xuyên cho máy móc. Số lượng máy móc xét nghiệm đã tầm 250 - 300 tỉ đồng. Rất khó có khả năng cung cấp các máy móc đó. Giải pháp từ năm 2015 là đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm và các công ty sẽ đặt máy để sử dụng hóa chất. Các công ty sẽ lo bảo hành, bảo trì, kiểm định kiểm chuẩn để máy hoạt động chính xác. Đây là thông lệ trên toàn thế giới.
Nhưng tới năm 2012, chúng ta có công văn, việc sử dụng máy mượn máy đặt không có trong quy định của văn bản pháp luật và đề nghị dừng. Sau đó Chính phủ đã có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này nhưng chỉ có giá trị cho các hợp đồng đặt mua hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Vì vậy nên bây giờ không còn hóa chất để làm” - tiến sĩ Trần Bình Giang phân tích.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua nhưng có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, trong nhiều quy định giao cho Chính phủ cụ thể hóa. Còn hiện tại, nhiều vướng mắc chưa thể “gỡ”. Đơn cử như vấn đề hóa chất xét nghiệm, theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện có 3 phương án để xử lý nhưng đều không khả quan. Cụ thể:
Phương án thứ nhất, bệnh viện chấp nhận mua máy, trả thêm tiền để bảo hành bảo trì và vay tiền mua máy. Tuy nhiên, các loại máy này đều đi kèm hóa chất riêng nên khi đấu thầu sẽ rơi vào tình trạng chỉ có 1 hóa chất, sẽ vi phạm chỉ định thầu, vi phạm pháp luật.
Phương án thứ hai, nếu bệnh viện mua máy cũng rơi vào tình trạng vi phạm chỉ định thầu như trên.
Phương án thứ ba, nếu thực hiện liên doanh, liên kết để đưa vào sử dụng thì cũng không có quy định của pháp luật về hình thức hồ sơ, quy trình để chọn nhà đầu tư. Việc tính giá trị đưa vào liên doanh, liên kết cũng không tính được.
“Tôi biết rằng, nhiều bệnh viện đã thông báo tới tất cả các khoa phòng, trong vòng 1 tuần nữa, bệnh viện sẽ hết hóa chất xét nghiệm, chỉ thực hiện theo cấp cứu. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng có thể rơi vào nguy cơ đó. Chính vì vậy, tôi cho rằng, đây là việc “cấp cứu của cấp cứu”, rất mong các cấp lãnh đạo tháo gỡ sớm. Chúng ta chỉ còn khoảng 1 - 2 tuần nữa, nếu không tháo gỡ thì các bệnh viện sẽ gần như không thể hoạt động” - tiến sĩ Trần Bình Giang lo lắng.
Tại Bệnh viện Việt Đức, không chỉ hóa chất xét nghiệm mà các vật tư tiêu hao phục vụ phẫu thuật cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết. Theo ông, hiện nay, vấn đề giấy phép lưu hành với thuốc đã được tháo gỡ nhưng với vật tư tiêu hao vẫn còn vướng mắc, gây khó cho các bệnh viện.
Hàng loạt khó khăn của ngành y
Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu lên hàng loạt khó khăn, vướng mắc của ngành y. Ông chỉ ra, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Bên cạnh đó, trong nước còn nhiều dịch bệnh khác như sốt xuất huyết và nguy cơ xâm nhập các bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp. Trong khi đó, hệ thống y tế chưa giải quyết quyết liệt những tồn đọng trong giai đoạn trước và nảy sinh những vướng mắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Thể chế liên quan đến y tế về cơ bản đã được giải quyết nhưng vẫn còn một số bất cập như mua sắm, đấu thầu, liên doanh, liên kết… Năng lực hệ thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở và dự phòng cũng còn nhiều hạn chế. Trong khi dịch COVID-19 còn dự báo phức tạp thì tỉ lệ tiêm chủng ở một số địa phương, khu vực chưa đảm bảo theo quy định. “Đặc biệt, tình trạng quảng cáo tác dụng của thực phẩm chức năng trên môi trường mạng còn diễn biến phức tạp” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, chất lượng điều hành ở một số bệnh viện chưa đạt yêu cầu. Chất lượng phục vụ ở tuyến dưới còn chưa cao, tâm lý người dân khiến bệnh viện tuyến trên quá tải. Sản xuất trang thiết bị y tế trong nước mới dừng ở mức thông dụng, hệ thống xử lý nước thải, nhất là cơ sở tuyến tỉnh, quá tải và xuống cấp. Kết quả xử lý nước thải chưa đảm bảo nhu cầu.
Vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, cũng chưa được khắc phục cụ thể. Số lượng hồ sơ đăng ký cấp đăng ký lưu hành thuốc và trang thiết bị còn tồn đọng lớn, cần giải pháp cả về trước mắt và lâu dài. Quản lý đào tạo, chất lượng nhân lực y tế hiện chưa đáp ứng nhu cầu. Tình trạng cán bộ y tế bỏ việc từ công sang tư, đặc biệt cán bộ có tay nghề cao và kinh nghiệm, cũng là khó khăn, thách thức lớn với ngành y.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng chỉ ra một số khó khăn khác như: chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chưa bền vững…
Huyền Anh