Nhiều bệnh viện phải hy sinh chuyên môn để tập trung lo đấu thầu

10/01/2024 - 06:05

PNO - Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024, diễn ra sáng 9/1 ở Hà Nội, trong tình hình thủ tục đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện nay còn rất nhiều và phức tạp.

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ phối hợp can thiệp thông tim trong bào thai 32 tuần ngày 4/1. Bộ Y tế đánh giá đây là thành tựu y tế nổi bật của Việt Nam - Ảnh do Bộ Y tế cung cấp
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ phối hợp can thiệp thông tim trong bào thai 32 tuần ngày 4/1. Bộ Y tế đánh giá đây là thành tựu y tế nổi bật của Việt Nam - Ảnh do Bộ Y tế cung cấp

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong năm 2023, bộ đã tham mưu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tháo gỡ các vấn đề khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, thanh toán bảo hiểm y tế… Dù vậy, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế.

Nguyên nhân do hệ thống chính sách liên quan tới ngành y còn chưa đầy đủ; một số địa phương, cơ sở y tế còn e ngại, sợ sai, hoặc không có kinh nghiệm trong mua sắm, đấu thầu.

Đại diện Bệnh viện (BV) Trung ương Huế cho biết: khó khăn trong cung ứng thuốc, vật tư y tế đã gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh của nhiều cơ sở y tế. So với các loại hàng hóa khác, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc và hóa chất có đặc điểm riêng và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sự đáp ứng của thị trường và quy trình mua sắm của từng cơ sở khám chữa bệnh cụ thể.

Sau khi Chính phủ ban hành nhiều văn bản “gỡ rối”, BV Trung ương Huế đã chủ động hơn trong việc xây dựng giá trong đấu thầu. Trường hợp những loại thuốc, vật tư y tế khi tổ chức đấu thầu không có nhà thầu tham dự hoặc không có nhà thầu trúng thầu… BV đã cho tổ chức đấu thầu lần hai. Tuy nhiên, tại BV vẫn có một số danh mục thiếu cục bộ do nhà cung ứng không nhập được hàng hóa, tờ khai hải quan hết hạn, đứt nguồn cung, vấn đề cấp lại giấy phép lưu hành… Trước tình hình này, BV đã phải điều chỉnh thuốc và phác đồ điều trị, lựa chọn thuốc hoặc vật tư tương tự để điều trị cho bệnh nhân.

Do đó, BV Trung ương Huế đề nghị tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá thuốc và vật tư y tế, tăng cường đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại BV.

Đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành y tế, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho hay: có tình trạng “mỗi luật có hàng chục thông tư và mỗi thông tư lại có sự vênh với các thông tư khác trong cùng hệ thống hoặc chưa kịp thời, phù hợp với thực tế”. Do đó, ngành y tế cần tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn một số luật hiện hành để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Việc thực hiện công tác đấu thầu ở các địa phương cũng chưa thống nhất. Nhiều nơi giao cho một cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh đấu thầu cho các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, tạo áp lực rất lớn cho đơn vị này.

“Nhiều BV công khi được giao nhiệm vụ đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế cho toàn tỉnh đã phải hy sinh nhiệm vụ chuyên môn để tập trung cho việc đấu thầu do thủ tục nhiều và phức tạp” - ông nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý cần tập trung tháo gỡ, hướng dẫn thanh quyết toán các chi phí phòng, chống COVID-19 bởi hiện các địa phương vẫn còn vướng. Dù có nhiều khoản, theo quy định phải quyết toán trước 31/12/2023 song nhiều địa phương vẫn bối rối chưa thực hiện được. 

Y tế TPHCM phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu

Tại hội nghị, nhìn lại 1 năm của ngành y tế TPHCM, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM - khẳng định: “Đại dịch COVID-19 không làm sụp đổ hệ thống y tế thành phố, ngược lại ngành y tế đã đứng vững và gần như phục hồi tất cả hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân như giai đoạn trước dịch”. Số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú tăng 11% so với năm 2022 và tăng 6% so với năm 2020. Số lượt điều trị nội trú cũng tăng 4,1% và số lượt nội trú có thẻ bảo hiểm y tế tăng 9,1% so với năm 2022.

Trước nhiều bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ (Mpox)…, ngành y tế đã chủ động tham mưu thành phố triển khai kịp thời nhiều giải pháp, không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”. Đặc biệt, ngành y tế đã chủ động phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại TPHCM (OUCRU) xác định các tác nhân gây dịch bệnh, giúp chủ động hơn trong công tác kiểm soát dịch bệnh và điều trị người bệnh hiệu quả.

Trong năm 2023, TPHCM đã triển khai thí điểm khám sức khỏe tầm soát bệnh ở người cao tuổi tại hơn 70 phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện theo mô hình mới. Kết quả bước đầu đã nhận diện được mô hình sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống tại TPHCM.

Một trong những thành tựu của y tế TPHCM là các BV không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Ngành cũng đang chủ động xây dựng và tham mưu đề án phát triển y tế chuyên sâu để từ nay tới năm 2030 và những năm tiếp theo, đưa TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.

Cùng với những kết quả đạt được, thành phố cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn về thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ, chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động khám chữa bệnh không phép và các hành vi vi phạm về quảng cáo liên quan đến y tế…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI