Bệnh nhân bảo hiểm y tế chịu thiệt
Sáng 30/3, trước khu chờ lấy kết quả xét nghiệm ở một bệnh viện tuyến cuối, hàng trăm bệnh nhân vẫn đang ngồi chờ đến lượt. Mỗi ngày bệnh viện này có hơn 3.000 người đến khám và nhiều trường hợp được chỉ định xét nghiệm. Riêng nhu cầu về xét nghiệm máu, nước tiểu, miễn dịch viêm gan B, viêm gan C... cần máy sinh hóa bán tự động đến cả 1.000 lượt bệnh.
Giám đốc ở bệnh viện này cho biết, dù bệnh viện lớn nhưng cũng không mua đủ máy để giải quyết tình trạng quá tải. Ngoài máy xét nghiệm của bệnh viện ra, phải mượn thêm máy xét nghiệm từ một công ty bán hóa chất xét nghiệm.
Vì hóa chất của công ty nào thì chỉ có loại máy của công ty đó mới cho ra kết quả chính xác nhất. Và công ty này trúng thầu khi ngành y tế tổ chức đấu thầu tập trung, chứ bệnh viện không tự ý mua hóa chất từ công ty khác.
“Nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thanh toán cho người bệnh do xét nghiệm trên máy mượn thì không công bằng cho chính bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế. Bản thân bệnh viện khi ký hợp đồng với bảo hiểm y tế sẽ cung cấp dịch vụ xét nghiệm cho mọi bệnh nhân (cả bệnh nhân dịch vụ lẫn bệnh nhân có thẻ bảo hiểm hiểm y tế) là bình đẳng như nhau.
Hơn nữa, giá cả này đã được thống nhất một giá theo quy định của Bộ Tài chính, theo quy định Luật khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành, chứ bệnh viện không tự “đẻ” ra. Mặt khác, những kỹ thuật xét nghiệm này đã được cơ quan bảo hiểm y tế và Sở Y tế TP.HCM cho phép thực hiện theo hạng bệnh viện. Rõ ràng ở đây chỉ là vấn đề hành chính, gây khó khăn cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế”, một bác sĩ phân tích.
Chúng tôi thử tìm hiểu một bệnh viện hạng 3, ban giám đốc của bệnh viện này cũng bức xúc trước thông tin này từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Giám đốc bệnh viện này cho hay, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 1.000 người đến khám, hầu hết là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Việc xét nghiệm máu xem lượng đường huyết, mỡ máu... là chỉ định cơ bản nhất để điều trị cho 100 ca mỗi ngày nhưng bệnh viện cũng thiếu máy.
Hiện bệnh viện chỉ có duy nhất 1 máy xét nghiệm nhưng do máy cũ nên hư thường xuyên. Do đó, bệnh viện có mượn thêm 1 máy xét nghiệm của công ty trúng thầu. Trong hợp đồng, bệnh viện không có bất cứ ràng buộc nào về số lượng hóa chất mua, phải xét nghiệm bao nhiêu lượt bệnh mỗi ngày với công ty... nên rất có lợi cho người bệnh.
Giám đốc bệnh viện hạng 3 chia sẻ: “Thật sự, bệnh viện may mắn, vì với số lượng bệnh nhân đến khám ít mà công ty chấp nhận cho mượn máy, nếu họ từ chối, chúng tôi không biết lấy máy ở đâu ra xét nghiệm. Bệnh viện cũng nhiều lần kêu than thiếu máy nhưng Sở Y tế cũng chưa cung ứng!
Các máy xét nghiệm hiện nay có giá từ 1 tỷ đồng đến vài trăm tỷ nên bệnh viện không có đủ kinh phí. Trong khi từ năm 2018, tất cả bệnh viện phải tự chủ về tài chính, trả lương cho nhân viên... do đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam siết vô lý thì bác sĩ sẽ chạy hết về bệnh viện tư”.
Bệnh viện đang chờ Bộ Y tế lên tiếng
Các bệnh viện cho rằng, nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam không cho bệnh viện mượn máy, đặt máy thì phải sắm máy móc cho các bệnh viện thực hiện xét nghiệm cho người bệnh. Hiện bảo hiểm y tế mới thanh toán giá khám bệnh, hóa chất... chứ chưa trả chi phí bảo trì, bảo dưỡng máy móc xét nghiệm.
Nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam không mua máy thì ngành y tế phải mua máy cho bệnh viện. Lúc đó, việc áp dụng ngưng thanh toán bảo hiểm y tế cho trường hợp mượn máy mới thuyết phục.
Và điều khiến các bệnh viện băn khoăn là Bảo hiểm xã hội Việt Nam dựa vào đâu để cấm khi Luật Khám chữa bệnh vẫn cho phép?
Nhiều chuyên gia cho rằng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang “dựa hơi” Bộ Tài chính để ra công văn này. Trước đó, ngày 8/12/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn có văn bản phản hồi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và văn bản cũng gửi đến Bộ Y tế với thông báo: “Pháp luật hiện không có quy định về mượn tài sản để sử dụng.
Nhưng theo luật đấu thầu thì việc mua vật tư y tế, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh... phải thực hiện đấu thầu. Căn cứ vào đó, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện mượn máy, đặt máy tránh tình trạng phụ thuộc vào đơn vị cho mượn máy, đặt máy để thực hiện bán hóa chất, vật tư y tế không đúng quy định của pháp luật”.
Từ văn bản của Bộ Tài chính, ngày 2/3/2018, ông Lê Văn Phúc, Phó ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế cho biết Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không có cơ sở để thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các máy mượn (đặt máy) tại cơ sở y tế công lập.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Đinh Thị Liễu – Trưởng phòng Kế toán, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế sẽ có kiến nghị lên Bộ Y tế về vấn đề này. Cụ thể, trong các lần đấu thầu tập trung sắp tới, Sở đề nghị các công ty trúng thầu hóa chất sẽ đặt máy mới tại các bệnh viện và trong hợp đồng không có ràng buộc cam kết số lượng hóa chất phải mua thì sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán.
Thế nhưng một số công ty cho rằng, nếu họ mua toàn bộ máy mới cho tất cả các bệnh viện trúng thầu sẽ khó khả thi, vì lỡ năm kế tiếp họ không trúng thầu thì không thể ôm nợ với máy móc đã mua.
Nói về một số vướng mắc, khó khăn trong việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong quá trình xây dựng các văn bản chỉ đạo, tránh gây hoang mang cho Sở Y tế, bệnh viện. Văn bản ban hành phải có lộ trình cụ thể, không đưa ra những quy định mang tính cực đoan, duy ý chí, không phù hợp với thực tiễn...
Nhiều chuyên gia cho rằng, bảo hiểm y tế đang gây khó khăn cho người bệnh lẫn bệnh viện. Nếu bảo hiểm y tế không thanh toán cho bệnh viện thì chắc chắn bệnh viện sẽ đẩy chi phí này cho người bệnh. Bảo hiểm y tế nên ban hành các quy định cứng nhắc để thu hút bảo hiểm y tế toàn dân.
Văn Thanh