PNO - Hàng loạt bệnh viện tại các tỉnh miền Trung đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do vướng các thủ tục đấu thầu, gây khó khăn cho người bệnh và cả bệnh viện.
Bệnh nhân phải xét nghiệm ở ngoài hoặc chuyển viện
Dưới cái nắng đổ lửa trưa một ngày cuối tháng Năm, bà Phan Thị Ngụ - 62 tuổi, trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh - ngồi bệt trước cổng Bệnh viện (BV) Đa khoa Hà Tĩnh, trên tay vẫn cầm đơn thuốc sau ca phẫu thuật chấn thương cột sống thắt lưng.
Tình trạng thiếu hóa chất để xét nghiệm khiến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn trong điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: Phan Ngọc
“Tôi có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng không được hưởng gì cả, phải mang đơn ra ngoài mua. Mỗi lần mấy triệu đồng không biết phải xoay xở ra sao” - bà rầu rĩ. Cũng tại BV này, anh Trần Đức M. - trú phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh - cho biết, mẹ anh hiện đang điều trị ung thư vú. Gần đây, anh phải liên hệ với các đơn vị ở ngoài để làm xét nghiệm máu cho mẹ. Khoản phí này vốn được BHYT chi trả, song vì BV thiếu hóa chất xét nghiệm, nên anh phải bỏ tiền để ra ngoài làm xét nghiệm.
Lãnh đạo BV Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm tại BV đã diễn ra từ nhiều tháng trước. Trong đó, hóa chất, sinh phẩm thiếu chủ yếu phục vụ xét nghiệm chức năng gan, công thức máu, một số xét nghiệm sinh học phân tử…; các loại vật tư thiếu như: xông tiểu, xi sọ não, canyn ngáng lưỡi… Đặc biệt, một số loại vật tư cấp cứu như vòng cao su cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, stent mạch vành trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp… cũng không có sẵn tại BV. Vì vậy, BV chỉ còn cách hướng dẫn bệnh nhân đi làm các xét nghiệm ở bên ngoài, từ đó tham khảo kết quả để chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị. Trường hợp bệnh nhân không đi làm xét nghiệm bên ngoài thì cho chuyển tuyến để điều trị.
Tình trạng trên cũng xảy ra tại nhiều BV tuyến huyện. Ông Nguyễn Hồng Cường - Phó giám đốc BV Đa khoa Đức Thọ, Hà Tĩnh - thông tin, hiện BV phải vay mượn một số thuốc hiếm, vật tư từ các BV trong tỉnh. “Mỗi lần vay mượn cũng chỉ đủ dùng vài tuần. Trường hợp không vay mượn được thì chỉ còn cách chuyển tuyến cho bệnh nhân” - ông Nguyễn Hồng Cường nói.
Nhiều trường hợp bệnh nhân ở Quảng Trị vào BV Đa khoa Quảng Trị, nhưng không được điều trị mà phải chuyển vào BV Trung ương Huế. Như trường hợp ông Lê Sỹ B. (92 tuổi) bị gãy cổ xương đùi. Dù BV có bác sĩ điều trị, nhưng do thiếu thuốc, ông B. phải chuyển vào BV Trung ương Huế. Bà Lê Thị D. (93 tuổi) bị gãy xương, nhồi máu cơ tim, tình trạng bệnh khá nguy hiểm cũng phải chuyển vào BV Trung ương Huế. Hay ông Nguyễn T. (51 tuổi) bị nhồi máu cơ tim, thông thường BV Đa khoa Quảng Trị chỉ cần đặt stent động mạch vành là ổn, nhưng ông cũng bị chuyển viện.
Hơn 3 tháng qua, BV Đa khoa Quảng Trị thiếu nẹp, vít để phẫu thuật gãy xương nên không phẫu thuật được. Đặc biệt, vật tư can thiệp về tim mạch hiện chỉ sử dụng trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Còn bệnh nhân vào cấp cứu, “khả năng còn trụ được” thì phải chấp nhận chuyển lên BV tuyến trên dù có nguy cơ trở nặng trên đường, chi phí điều trị tăng cao.
Chỉ biết kêu và chờ
BV Đa khoa Quảng Nam có dàn máy DSA dùng để can thiệp tim mạch, lấy huyết khối trong bệnh nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, máy này đã hỏng từ trước tết 2023 đến nay chưa được sửa chữa. Lãnh đạo BV cho biết, ban đầu cứ ngỡ sẽ áp dụng Nghị quyết 30 của Chính phủ để thực hiện thủ tục sửa chữa. Tuy nhiên, khi trình hồ sơ lên Sở Y tế, Sở Tài chính, lại được trả lời rằng đây là một vật tư thay thế chứ không phải máy móc thiết bị, do đó không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị quyết 30. BV phải tìm 3 báo giá về thiết bị cần thay thế.
Nhiều bệnh nhân ở Hà Tĩnh không nhận được thuốc bảo hiểm y tế nên rất khó khăn - Ảnh: Phan Ngọc
“Nhưng nhà thầu lại cho biết mỗi hệ thống DSA tại Việt Nam lại hư hỏng các vị trí khác nhau, nên linh kiện thay thế khác nhau. Đối với máy độc quyền, tìm được 3 báo giá với cùng linh kiện là điều không thể. Chúng tôi đã trình nhiều thủ tục xin cơ chế để sửa chữa nhưng đều không được thông qua” - Giám đốc BV Phạm Ngọc Ẩn nói.
Theo ông, đối với gói thầu mua sắm tập trung hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, BV đã làm đến những bước cuối cùng trình Sở Y tế. Tuy nhiên, sở thông báo ngày 14/4, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08 có nội dung bãi bỏ Thông tư 14 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư 08 cũng không hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ như thế nào sau khi bãi bỏ Thông tư 14. BV chỉ còn cách làm lại quy trình đấu thầu theo Nghị định 98 - tức là phải có 3 báo giá đối với từng loại vật tư. Do vậy, việc thiếu vật tư y tế trên diện rộng tại Quảng Nam là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Tại Hà Tĩnh, tình trạng đáng lo nhất tại BV lớn nhất tỉnh là các loại hóa chất phục vụ xét nghiệm. Ông Lê Ngọc Thanh - Phó giám đốc BV Đa khoa Hà Tĩnh - nói: “Do vừa rồi, các gói thầu này không tổ chức đấu thầu được nên BV không còn hóa chất”. BV phải kêu gọi xã hội hóa, tài trợ các loại vật tư, hóa chất, nhưng theo ông Lê Ngọc Thanh: “Rất khó khăn, thời gian đầu huy động xã hội hóa, nhưng hiện không xin được nữa. Theo quy định, BV chỉ được phép mua các gói nhỏ dưới 100 triệu đồng, chúng tôi cũng chỉ dám mua những thứ cực kỳ cơ bản để phục vụ cấp cứu. Còn lại chẩn đoán bình thường thì giải thích để bệnh nhân ra ngoài làm”.
Theo ông Trương Xuân Nhuận - Phó giám đốc BV Đa khoa Quảng Trị - căn cứ vào các thông tư của Bộ Y tế trước đây, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, dự kiến tháng 5/2023 có kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 14 được ban hành, hiện BV phải rà soát, sửa đổi giá các gói thầu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm năm 2023. Dự kiến tháng 9/2023 mới có kết quả đấu thầu mua sắm. “Như vậy, từ tháng 6 đến 9/2023, BV sẽ thiếu trang thiết bị y tế. Nếu không thay đổi, sẽ không thể tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Không thể để điều đó xảy ra” - ông Trương Xuân Nhuận chia sẻ.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế sẽ tiếp diễn
Ông Nguyễn Tải - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Quảng Nam - cho biết hiện kho thuốc trong danh mục BHYT của BV đã hết. BV phải kê đơn để bệnh nhân ra ngoài mua thuốc. Theo ông, hồ sơ đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế của BV đã hoàn thành từ ngày 27/4. Tuy nhiên, khi đem ra áp dụng thông tư mới thì không khớp vì có điều chỉnh. “Do vậy, chúng tôi phải làm lại từ đầu. Mà để hoàn thành 1 bước đấu thầu thuốc, vật tư y tế nhanh thì cũng ít nhất 5 tháng. Vì thế, việc thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian tới sẽ tiếp diễn” - ông Nguyễn Tải nói.
Đà Nẵng thiếu vắc xin
Không đến nỗi căng như một số tỉnh trên, nhưng Đà Nẵng lại thiếu vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR). Thậm chí, tiêm vắc xin dịch vụ cũng đang bị gián đoạn do nguồn cung vắc xin đã hết. Tại Trung tâm Tiêm chủng CDC Đà Nẵng, nhiều phụ huynh đăng ký tiêm vắc xin cho con phải trở về. Một số loại vắc xin tiêm dịch vụ đã được CDC Đà Nẵng thông báo hết như: Infanrix Hexa (6 trong 1 BH-HG-UV-BL-Gan B-HIB, xuất xứ Bỉ); vắc xin cúm GC Flu Tetra (Hàn Quốc); viêm gan A Avaxim 80IU (Pháp); viêm màng não do HIB-Quimi-HIB (Cuba)…
Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết: theo danh mục các vắc xin triển khai trong CTTCMR có vắc xin DPT-VGB-Hib thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, trong khi đó đơn vị mua sắm thuốc tập trung chưa có văn bản đề nghị địa phương tự tổ chức mua sắm nên địa phương không có cơ sở để trình xin kinh phí và tổ chức mua sắm. Theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin DPT-VGB-Hib chỉ cung ứng cho các địa phương đến tháng 2/2023, và tại TP Đà Nẵng vắc xin này đã hết từ tháng 4/2023.
Không những vậy, việc xây dựng giá kế hoạch vắc xin trong CTTCMR gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin về giá trúng thầu, giá kê khai của các loại vắc xin, một số loại vắc xin không tìm thấy thông tin về giá. Điều này gây khó khăn cho việc trình cấp kinh phí và xây dựng kế hoạch mua sắm. Đó là chưa nói để có kết quả đấu thầu, phải chờ đến 3-4 tháng với điều kiện đấu thầu thành công… “Các nguyên nhân trên dẫn đến thiếu vắc xin cục bộ tại bất cứ địa phương nào, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tiêm chủng cho trẻ em, phụ nữ có thai; cũng như tỉ lệ bao phủ vắc xin dẫn đến bùng phát dịch bệnh” - bà Ngô Thị Kim Yến cho hay.
Sự gia tăng của bệnh lý tim mạch trong cộng đồng khiến nhiều người lo lắng, các chuyên gia khuyến cáo nên có giải pháp phòng ngừa bệnh tim mạch từ sớm.