Cả 3 trường hợp ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay của Công ty TNHH 2 thành viên Lối sống mới đều nghèo. Vô tình bị ngộ độc, họ phải nằm viện ròng rã từ 3-4 tháng ở nhiều bệnh viện khác nhau. Chi phí chữa trị lên đến hơn 300 triệu đồng/bệnh nhân. Nhưng giờ, bệnh nhân đã ra viện, phía Công ty TNHH 2 thành viên Lối sống mới vẫn “bặt vô âm tín”.
Những cô gái tươi trẻ bỗng thành "người bất động"
|
Bệnh nhân Nguyễn Thị T. diễn tiến nặng, đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. |
Ngày 27/7/2020, chị T. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc Botulinum do ăn pate chay. Thế nhưng, bệnh nhân lơ mơ, không tiếp xúc, suy hô hấp nặng nên được đặt nội khí quản thở máy và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy ngay trong ngày.
Sau một thời gian được chữa trị tích cực, thở máy, dùng thuốc đặc trị thì bệnh nhân tỉnh và được chuyển về lại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vào ngày 26/8 nhưng vẫn phải thở máy. Bỗng đến ngày 31/8, bệnh nhân lại rơi vào hôn mê, không tiếp xúc được.
Cuối cùng, sau 117 ngày chữa trị tích cực, ngày 24/11, gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị T. (20 tuổi, tạm trú tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay: Kể từ ngày chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, chị T. phải thở máy suốt 3 tháng liền. Các bác sĩ phải điều trị 2 đợt nhiễm trùng nặng bẳng loại kháng sinh đắt tiền nhất vì tình trạng kháng thuốc.
Bệnh nhân T. xuất viện để tránh tình trạng lây nhiễm chéo nhưng vẫn còn ăn qua ống sonde. Hàng ngày, chị vẫn đến bệnh viện để tập các chức năng nuốt, vận động. Để tiện đi lại, gia đình bệnh nhân T. đã thuê trọ gần bệnh viện để hàng ngày đưa con đến tập vật lý trị liệu.
|
Chị Trương Thị G. thời gian còn nằm viên sau khi ăn pate Minh Chay |
Cùng nhóm bạn chơi thân và ăn pate với chị T. thì ngày 28/7, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng cấp cứu cho chị Trương Thị G. (26 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, tạm trú tại huyện Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai) bị sụp mí, khó nuốt, nôn ói nhiều, mệt mỏi và liệt nửa người.
Sau đó, chị G. cũng được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị cùng với 2 người bạn của mình. Lúc này, bệnh nhân phải thở máy và được kết luận ngộ độc Botulinum gây biến chứng viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính và viêm phổi. Chị G. phải trải qua 3 nơi điều trị là một phòng khám đa khoa, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai kể từ khi phát bệnh.
Cùng ăn pate chay và xuất viện cùng ngày với chị G., chị Nguyễn Thị Ngọc Tr., 24 tuổi đã về lại Bà Rịa - Vũng Tàu dưỡng bệnh. Bà Nguyễn Thị Ánh, mẹ chị Tr. cho hay, hiện nay, chị đã ăn cơm được nhưng còn yếu. Bà không nghĩ con gái mình đang tươi trẻ bỗng nằm viện lê thê từ ngày này sang ngày khác.
Tiếp tục thuê nhà chữa bệnh cho con
|
Bệnh nhân Gẫm tưới cây tại khu tập vậy lý trị liệu của BVĐK Đồng Nai |
Theo các gia đình nạn nhân, hoàn cảnh của họ đều khó khăn. Số tiền hơn 300 triệu đồng viện phí là quá lớn.
Nếu Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới không có động thái hỗ trợ thì các gia đình sẽ nhờ pháp luật can thiệp.
|
Hơn 3 tháng con bị bệnh là bấy nhiêu ngày vợ chồng bà Ánh bỏ cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Bà Rịa - Vũng Tàu để vào bệnh viện chăm con.
Bà Ánh chia sẻ, gia đình chỉ có quán tạp hóa nhỏ để sinh sống qua ngày. Con gái cùng làm công nhân với nhóm bạn, nên gia đình cũng không khá giả. Khi con bị bệnh, cả vợ chồng bà Ánh phải đi theo con đến các bệnh viện để chăm sóc. Do đó, nguồn thu của gia đình cũng mất.
"Hoàn cảnh khó khăn, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng công ty gây ra sự cố vẫn thờ ơ, không quan tâm bồi thường cho nạn nhân. Tôi phải gọi điện mượn tiền tất cả họ hàng. Mỗi người cho mượn một ít mới ráng chữa bệnh cho con. Giờ con đã được xuất viện nhưng để trở lại sức khỏe như trước là rất khó” – bà Ánh buồn nói.
Cùng cảnh ngộ như gia đình bà Ánh, từ ngày con gái bị bệnh, ba mẹ chị G. phải bỏ công bỏ việc từ ngoài Huế vào chăm sóc con gái. Bà Ngô Thị Me (mẹ chị G.) đã nghỉ làm công nhân hơn 1 năm nay. Chồng bà cũng chỉ làm thuê ở Huế nên kinh tế gia đình rất eo hẹp.
“Tiền viện phí tại 3 bệnh viện khoảng hơn 200 triệu đồng. Các khoản tã, sữa, sinh hoạt phí… cũng phải hơn 100 triệu đồng nữa. Đó là con số lớn mà cả đời tôi chưa mơ tới” – bà Me tâm sự.
Sau nhiều ngày được bác sĩ chữa trị, chị G. đã hồi phục tốt về chức năng hô hấp, các cơ chân tay cũng cử động tốt và bắt đầu đi lại. Dù vậy, chị G. vẫn phải ăn uống qua sonde lúc xuất viện. Đến ngày thứ 99 nằm viện, chị G. đã được xuất viện (vào ngày 6/11). Nhưng từ đó đến nay, ba mẹ chị G. phải thuê phòng trọ gần Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để đưa con đi tập vật lý trị liệu hàng ngày. Như vậy, số tiền chữa bệnh cho chị G. chưa dừng lại ở con số 300 triệu đồng.
|
Hai bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay dù được xuất viện nhưng vẫn tập vật lý trị liệu |
Cả 3 gia đình ngộ độc Botulium do pate chay đều chung cảnh ngộ khó khăn. Cả 3 bệnh nhân đều làm công nhân tại huyện Nhơn Trạch. Họ phải nằm viện dài ngày nhưng suốt thời gian đó, phía Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới chỉ ghé thăm 2 lần với lời hứa hỗ trợ 20 triệu đồng.
“Họ chỉ nói gửi số tài khoản để hỗ trợ nhưng chúng tôi vẫn chưa hề nhận được đồng nào. Họ cũng không gọi điện để thăm hỏi hay thể hiện sự thiện chí giải quyết sự việc” – bà Ánh bức xúc.
Còn bà Me bày tỏ mong muốn, phía Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới sẽ hỗ trợ cho các nạn nhân để chữa bệnh. Dù đã “thoát chết” nhưng sau này liệu các chứng bệnh do lần ngộ độc này để lại là điều mà họ lo lắng.
|
Sản phẩm pate Minh Chay |
Bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, điều mà các bác sĩ lo ngại nhất trong quá trình điều trị là bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nếu bị nhiễm khuẩn bệnh viện trong khi thở máy.
Bên cạnh đó, do các bệnh nhân còn trẻ và trước đó khỏe mạnh nhưng đột ngột rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh nên ngoài điều trị bệnh, các bác sĩ còn phải điều trị tâm lý cho bệnh nhân, trấn an tinh thần người nhà.
"Vấn đề cần lưu ý là chế độ dinh dưỡng bởi bệnh nhân đã nằm viện lâu dài, sức cơ yếu, teo cơ. Khi chức năng nuốt hồi phục hoàn toàn thì bác sĩ mới đóng ống thông dạ dày cho bệnh nhân" - bác sĩ Quang nói.
|
Gia Huy