Bệnh cũ bùng phát
Dù mắc bệnh đái tháo đường suốt bảy năm qua nhưng bà P.T.H. (62 tuổi, ngụ phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM) vẫn kiểm soát chỉ số đường huyết rất tốt, ở mức 7 - 7,5mmol/l nhờ chế độ ăn uống chừng mực, thể dục thể thao, tái khám, uống thuốc đều đặn. Vào đầu tháng 1/2022, bà H. dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sau một tuần tự cách ly và uống thuốc theo hướng dẫn của trạm y tế phường, bà khỏi bệnh, kết quả xét nghiệm đã âm tính. Thế nhưng, từ đó đến nay, bệnh đái tháo đường của bà “nhảy nhót” khó lường dù bà vẫn uống thuốc đều đặn và chế độ sinh hoạt, ăn uống không hề thay đổi. Sau khi tự xét nghiệm chích máu đầu ngón tay, kết quả chỉ số đường huyết lên đến 18mmol/l, bà H. đã đi bệnh viện tái khám, điều chỉnh thuốc nhưng chỉ số vẫn loanh quanh ở mức 15 - 18mmol/l, cao hơn nhiều so với trước khi bà mắc COVID-19. Điều này khiến bà lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và không có hứng thú tham gia bất kỳ hoạt động nào.
|
Mắc COVID-19, bệnh nhân được tẩm bổ quá mức khiến chế độ dinh dưỡng không được kiểm soát tốt, cũng ảnh hưởng chỉ số đường huyết |
Không chỉ những người có bệnh lý về chuyển hóa mới gặp vấn đề về sức khỏe sau khi mắc COVID-19, chị N.T.L. (35 tuổi, làm việc tại quận 3, TPHCM) chia sẻ, trước đây, thỉnh thoảng chị bị đau dạ dày. Vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt, chị cũng bị đau bụng nhưng vẫn trong giới hạn chịu đựng. Ngoài ra, chị L. còn có cơ địa dị ứng, mỗi lần chuyển mùa thường nổi mẩn ngứa khắp cơ thể. Cách đây ba tháng, chị L. mắc COVID-19, khoảng mười ngày thì khỏi bệnh. Từ đó, chị cảm thấy rõ các thay đổi trong cơ thể.
“Tới kỳ kinh, tôi bị đau bụng dữ dội, tình trạng nổi mề đay xuất hiện thường xuyên và nặng hơn khiến tôi ngứa ngáy, cào gãi khắp nơi. Không chỉ thế, các cơn đau dạ dày xuất hiện với tần suất nhiều hơn, chỉ cần tôi căng thẳng hay thức khuya cũng khiến bệnh khởi phát”, chị L. cho hay.
Tương tự chị L., chị Đ.T.T. (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM), một F0 mới khỏi bệnh được hai tuần, cho biết trước đây chị bị dị ứng với hóa chất tẩy rửa, xà bông. Vài ba lần chị rửa chén không đeo găng tay là da lòng bàn tay bong tróc, nứt nẻ, chảy máu. Từ khi mắc COVID-19, tay chị T. chỉ cần chạm vào nước lã, giặt khăn mặt, tắm gội cũng khiến da ở lòng bàn tay nhăn nheo và bong trượt như bị ngâm nước nhiều giờ.
|
Sau khi mắc COVID-19, bàn tay của chị T. chỉ cần tiếp xúc với nước lạnh trong vài phút cũng trở nên nhăn nheo, bong trượt như bị ngâm nước vài giờ - Ảnh: bạn đọc cung cấp |
“Ngày trước, tôi tiếp xúc với xà bông hay rửa chén thì cũng phải vài ngày tay mới bị, vậy mà bây giờ ngay cả đụng nước lã vài phút da bàn tay cũng bong tróc. Điều này khiến tôi cảm thấy mình thật vô dụng bởi tay chân thế thì còn làm được gì?”, chị T. than phiền.
Ai cần khám hậu COVID-19?
Những bệnh nhân mắc COVID-19 thường chỉ quan tâm tới chức năng hô hấp, có bị khó thở không, phổi bị tổn thương chưa… Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề sức khỏe khác, kể cả không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu cứ mãi kéo dài sẽ khiến cuộc sống bị đảo lộn, ảnh hưởng tới hiệu suất lao động.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Tài, Phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, hiện mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 50 - 70 trường hợp đến khám hậu COVID-19. Các vấn đề được điều trị chủ yếu là di chứng về tâm lý; teo cơ; ảnh hưởng các chức năng vận động, hô hấp do bị bệnh nặng phải nằm viện quá lâu. Thế nhưng, theo nhận định của các bác sĩ, 70% bệnh nhân đi khám hậu COVID-19 hiểu sai về chuyên khoa này. Không phải ai mắc COVID-19 cũng cần phải đi khám hậu COVID-19. Nhiều người đi khám hậu COVID-19 nhưng lúc được hỏi tại sao đi khám, có dấu hiệu gì bất thường thì chính họ cũng không biết trả lời thế nào. Điều đó có nghĩa nhiều người hoang mang quá mức. Đối với những trường hợp đó, bác sĩ sẽ tư vấn, trấn an về mặt tâm lý để bệnh nhân tự cởi bỏ nút thắt trong lòng.
Thực ra, khi mắc COVID-19, mọi người hay có tâm lý nghiêm trọng hóa mọi thứ. Bệnh nền trước đó vẫn có, các triệu chứng bất thường của sức khỏe vẫn có nhưng lúc mắc COVID-19, đa số bệnh nhân chỉ tập trung điều trị COVID-19 để không nguy hiểm đến tính mạng mà buông lơi các bệnh lý nền. Đó là một trong những nguyên nhân khiến không ít bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 thì than thở về chỉ số đường huyết và huyết áp bị rối loạn. Dẫu vẫn uống thuốc tiểu đường và huyết áp đều đặn nhưng có thể lúc mắc COVID-19, bệnh nhân được tẩm bổ quá mức khiến chế độ dinh dưỡng không được kiểm soát tốt, chưa kể đến tình huống thiếu vận động trong thời gian mắc bệnh. Tiếp đến, không chỉ riêng COVID-19 mà khi người bệnh mắc các bệnh khác cũng có thể khiến những bệnh sẵn có khởi phát hoặc trở nặng. Đây là một nguyên lý dễ hiểu. Khi chúng ta mắc bệnh nặng, cơ thể suy yếu, đề kháng giảm, cộng thêm tác dụng phụ của thuốc… sẽ dẫn tới một số dấu hiệu sức khỏe như nhiều người chia sẻ.
Lời khuyên của bác sĩ dành cho mọi người sau khi mắc COVID-19 là: “Những ai có bệnh lý nền, chỉ cần đều đặn tái khám định kỳ mỗi tháng như trước đây để được bác sĩ theo dõi, canh chỉnh thuốc cho phù hợp. Nên khám hậu COVID-19 nếu trước đó nằm viện lâu; từng phải can thiệp hồi sức, xâm lấn. Nếu bệnh nhân có bệnh về thực thể, bác sĩ sẽ điều trị chứ không phải bất cứ vấn đề gì cũng được bác sĩ kê toa thuốc. Những trường hợp không có bệnh thực thể mà chỉ vì tâm lý quá lo lắng cần được tư vấn để ổn định về tâm lý. Hầu hết các trường hợp F0 khỏi bệnh, sau một thời gian khi cơ thể hoàn toàn hồi phục, các dấu hiệu bất thường đi kèm sẽ ổn định trở lại.
Thanh Huyền