|
Bộ trưởng Bộ VH-TTDL cho biết, dự thảo luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực di sản văn hóa |
Chính sách còn dàn trải
Tiếp tục chương trình Kỳ họp, chiều 18/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TTDL) Nguyễn Văn Hùng trình bày Dự án luật di sản văn hóa (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ VH-TTDL cho biết, dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa.
Dự thảo luật bám sát 3 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể; hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, từng bước đưa di sản văn hóa đóng góp cho sự phát triển kinh tế…
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách tại Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các chính sách còn dàn trải, hỗ trợ cho nhiều đối tượng thụ hưởng, được quy định tại một số điều, khoản trong dự thảo Luật.
Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa.
“Tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật”, ông nói.
Hỗ trợ nghệ nhân để phát huy tài năng
|
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục đề nghị có những chính sách để hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phát huy tài năng |
Dự thảo Di sản văn hóa quy định về quản lý di vật, cổ vật quốc gia. Ủy ban đề nghị rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm “chuyển nhượng”, “mua bán”, “kinh doanh” để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau; đồng thời quy định cụ thể về “chế độ đặc biệt” trong việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật quy định các điều kiện bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhưng nhiều điều kiện còn chung chung, khó xác định. Do đó, ông đề nghị quy định cụ thể, có tính định lượng hơn các yêu cầu trong bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để bảo đảm tính khả thi.
Về đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước và nước ngoài, để phòng ngừa nguy cơ mất mát, hư hỏng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định thời hạn cụ thể tại dự thảo Luật.
Về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước, dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định giá trị di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài xuất xứ từ địa phương mình và huy động nguồn lực để thực hiện việc mua và đưa về. Có ý kiến cho rằng, quy định này chưa rõ tiêu chí định giá giá trị di vật, cổ vật, nguồn lực thực hiện của các địa phương khó đáp ứng. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý để bảo đảm tính khả thi.
Liên quan tới các chính sách với nghệ nhân, Luật quy định nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết.
Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, điều kiện bảo đảm về nguồn lực tài chính khi thực hiện quy định này.
“Qua khảo sát thực tế cho thấy, có nhiều bất cập trong quy định về chính sách công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thẳng thắn nói.
Hiện nay, việc xét tặng danh hiệu, hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định tại 2 nghị định của Chính phủ và giao 2 bộ phụ trách. Tuy nhiên, quy định về đối tượng, tiêu chí xét tặng, quy trình, thủ tục xét tặng tại 2 nghị định chưa phân định rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu có quy định khắc phục bất cập, bảo đảm thống nhất, công bằng trong công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân để phát huy được tài năng và cống hiến của nghệ nhân. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về việc tôn vinh, tuyên truyền, giáo dục về các danh nhân văn hóa thế giới.
Minh Quang