Nhiều bất cập nhưng không thể bất chấp

06/08/2021 - 07:09

PNO - Nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để lừa đảo...

Kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra kêu gọi quyên góp giúp đỡ các cơ sở y tế điều trị COVID-19, các khu cách ly, phong tỏa. Nhưng… 

Đừng để nhân viên y tế tổn thương!

Khá nhiều tài khoản Facebook cá nhân, nhóm hội, fanpage được lập ra để kêu gọi hỗ trợ cho các nhân viên y tế, người dân, bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Họ lập các tài khoản và nhiều người đã hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi. Một số KOLs (người có tầm ảnh hưởng) cũng “tích cực” tham gia. Có người còn mượn danh các bác sĩ, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung để… quyên góp. 

 

Hình ảnh một số cá nhân, đơn vị kêu gọi tài trợ trên mạng xã hội
Hình ảnh một số cá nhân, đơn vị kêu gọi tài trợ trên mạng xã hội

Thế nhưng mới đây, chuyện bi hài đã xảy ra với những người cả tin chuyển tiền “giúp đỡ” cho những kẻ mạo danh “Tổ chức xe cấp cứu miễn phí chở bệnh nhân COVID-19” - sau khi chuyển tiền vào thì chủ nhân các Facebook này biến mất. Mới nhất, vào ngày 4/8, có kẻ mạo danh xơ Thu Hương ở Dòng Mến Thánh giá Chợ Quán gửi tin nhắn đến nhiều người xin giúp các xơ ở dòng này với nội dung: “Hiện có khoảng 70 xơ bị dương tính. Quý vị có thể giúp thuốc men, găng tay, thiết bị y tế. Xơ cảm ơn nhiều lắm…”. Tuy nhiên, người tại dòng này, xơ Trương Thị Thu Hương đã lên tiếng bác bỏ và cho biết đây là thông tin mạo danh. Hiện nhà dòng chỉ có một ca dương tính mà thôi.

Một bạn đọc cho phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM hay, anh đã phát hiện ra kẻ trước đây từng thực hiện nhiều phi vụ “lừa du học”, nay quay lại hoạt động từ thiện rất tích cực khi dịch COVID-19 bùng phát. Đặc biệt, người này đã dựng nên những câu chuyện rất cảm động để “đánh” vào lòng nhân ái.

Trên một Facebook có hàng chục ngàn thành viên, anh ta kể lại việc đã vượt 25km để đến cứu một gia đình có tám người F0, nhưng đến nơi thì liên lạc điện thoại không được. Sau đó, anh ta đưa ra lời kêu gọi rất nhân văn: “Xin đừng có ai đùa giỡn hay vô trách nhiệm như thế để không cướp đi cơ hội của những người đang cần giúp thật sự!”. Ngay sau đó, nhiều comment đã đề nghị anh ta cho số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền đến…

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - lưu ý cách đây vài tháng, trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát, một vài đơn vị y tế chuyển đổi công năng sang điều trị cách ly COVID-19, có gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Nhưng tình trạng này đã được cải thiện. Hiện, có một số cá nhân nhân danh bác sĩ, hoặc quyên góp dùm bác sĩ này, khu cách ly kia.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định, Sở Y tế Thành phố đã có các văn bản chấn chỉnh, việc kêu gọi tài trợ, quyên góp là không được phép đối với các nhân viên, các cơ sở y tế. Trường hợp gặp khó khăn, các đơn vị phải báo cáo về sở để sở làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố.

“Đối với tài trợ, viện trợ, chúng tôi tập trung một đầu mối là Mặt trận Tổ quốc để thực hiện phân bổ, từ trang thiết bị cho đến dụng cụ, vật tư y tế, kể cả thực phẩm. Một số cá nhân, tổ chức yêu mến bác sĩ, yêu mến cơ sở y tế hay bệnh nhân nào đó, gửi thẳng tới, đa số là thực phẩm, thì không có vấn đề gì, nhưng sau đó cơ sở vẫn phải báo cáo” - bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

“Chúng tôi nỗ lực bảo đảm cung ứng đủ các điều kiện cần thiết cho lực lượng chống dịch. Xin đừng lợi dụng danh nghĩa ngành Y để làm tổn thương thêm cho nhân viên y tế nữa” - bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai kêu gọi.

Nhiều bất cập, lỗ hổng

Theo luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp), hiện tại, chưa có văn bản pháp luật chuyên biệt nào điều chỉnh việc làm từ thiện của cá nhân, tổ chức tư nhân. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng người kêu gọi quyên góp muốn làm gì với số tiền quyên góp cũng được.

Nếu cá nhân nào cung cấp thông tin sai sự thật để kêu gọi quyên góp rồi chiếm đoạt số tiền quyên góp được thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu số tiền chiếm đoạt từ trên 2 triệu đồng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174, Bộ luật Hình sự. Nếu cá nhân quyên góp khi kêu gọi cung cấp thông tin đúng sự thật, nhưng không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần tiền quyên góp vào mục đích kêu gọi trước đó thì hành vi này có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu số tiền chiếm đoạt trên 4 triệu đồng mà không có khả năng trả lại thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự.

“Cái bất cập hiện nay là luật không buộc người kêu gọi quyên góp phải công khai minh bạch, sao kê tài khoản quyên góp, nên minh bạch hay không và minh bạch đến đâu là do chủ tài khoản quyết định. Do đó người dân không thể nào biết được tổ chức, cá nhân đó đã quyên góp được bao nhiêu tiền, đã chi bao nhiêu, chi vào việc gì... Mọi thứ đều dựa vào niềm tin”, ông Phùng Thanh Sơn nói. Chính vì điều này mà nhiều tổ chức, cá nhân đã trục lợi từ việc làm từ thiện. 

Ngoài ra, có một “lỗ hổng” pháp lý khác nữa là thời hạn triển khai việc cứu trợ. Hiện tại, luật không quy định thời hạn thực hiện. Thường thời hạn thực hiện sẽ được người quyên góp công khai khi kêu gọi. Đối với những trường hợp như vậy căn cứ vào thời gian được công khai đó để xác định người tổ chức quyên góp đã thực hiện đúng cam kết hay không.

Tuy nhiên, không phải lúc nào người quyên góp cũng công khai hoặc có thể công khai được kế hoạch thực hiện cho công chúng biết. “Mà cũng rất khó để luật hóa thời hạn này vì nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nói như vậy không có nghĩa là người tổ chức quyên góp muốn giữ tiền của những người ủng hộ trong bao lâu cũng được. Nếu luật không quy định thời hạn thực hiện cứu trợ thì việc cứu trợ phải được thực hiện trong thời gian hợp lý, phù hợp với tính chất và mục đích kêu gọi cứu trợ. Nếu việc cứu trợ không được thực hiện trong khoảng thời gian hợp lý thì đó là hành vi chiếm đoạt, trừ trường hợp bất khả kháng”, luật sư Phùng Thanh Sơn nêu. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI