Nhiều bằng chứng cho thấy người khỏe mạnh vẫn có thể lây truyền virus

02/04/2020 - 15:21

PNO - Chính phủ Mỹ hôm 1/4 ban hành quy định mới cảnh báo bất kỳ ai tiếp xúc với người bệnh đều có thể xem như là người mang mầm bệnh, sau khi các nhà khoa học đưa ra thêm nhiều bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được “phát tán” bởi những người trông khỏe mạnh và không có các triệu chứng bệnh.

Người dân Paraguay xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí bên ngoài trường tiểu học Santa Ana ở Asuncion trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở nước này - Ảnh: AP
Người dân Paraguay xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí bên ngoài trường tiểu học Santa Ana ở Asuncion trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở nước này - Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, các nhà nghiên cứu Singapore mới đây ước tính rằng khoảng 10% ca nhiễm mới COVID-19 có thể do những người mang virus nhưng chưa có triệu chứng gây ra.

Đáp lại nghiên cứu đó và các nghiên cứu tương tự, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã thay đổi cách xác định nguy cơ lây nhiễm đối với người Mỹ. Hướng dẫn mới của CDC lưu ý đến những người không có triệu chứng nhưng đã tiếp xúc với những người nhiễm virus, đã xác nhận cũng như còn nghi ngờ. Luận điểm quan trọng của CDC là bất cứ ai cũng có thể là người mang mầm bệnh, cho dù người đó có triệu chứng bệnh hay không.

Phát hiện trên làm phức tạp thêm nỗ lực nhằm giành quyền kiểm soát đại dịch và củng cố tầm quan trọng của biện pháp “giãn cách xã hội” (tránh tụ tập đông người ở nơi công cộng) và các biện pháp khác được thiết kế để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Lauren Ancel Meyers - một nhà nghiên cứu của Đại học Texas (Mỹ) - cho biết, trong giai đoạn này “chúng ta cần thực sự chủ động giảm tiếp xúc với những người có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh”.

Nghiên cứu mới nhất được CDC công bố trực tuyến tập trung vào 243 ca nhiễm virus được báo cáo ở Singapore từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 3/2020, bao gồm 157 ca nhiễm ở những người gần đây không tiếp xúc bên ngoài. Các nhà khoa học phát hiện rằng những người mang “tiền triệu chứng” đã kích hoạt lây nhiễm ở bảy cụm bệnh khác nhau, chiếm khoảng 6% các ca nhiễm ở nước này.

Một trong những ca nhiễm gây chú ý đặc biệt là trường hợp một phụ nữ 52 tuổi nhiễm virus khi ngồi lên chiếc ghế tại nhà thờ mà trước đó đã có hai khách du lịch ngồi - những người không có triệu chứng nhưng sau đó phát bệnh. Cơ quan điều tra biết được điều này khi kiểm tra camera ghi hình các dịch vụ trong nhà thờ.

Nghiên cứu trước đó là của Trung Quốc, nơi lần đầu tiên virus dịch viêm đường hô hấp cấp được xác định, cho thấy hơn 10% ca lây truyền bệnh là từ những người bị nhiễm virus nhưng không có triệu chứng bệnh.

Những người trông có vẻ khỏe mạnh nhưng lây truyền virus thuộc về ba nhóm: “Tiền triệu chứng”, là những người không có triệu chứng khi lây truyền nhưng phát bệnh vài ngày sau đó; “Không có triệu chứng”, là người không phát triển các triệu chứng bệnh; và “Hậu triệu chứng”, những người bị bệnh và hồi phục, nhưng vẫn có khả năng truyền bệnh. Các nghiên cứu của Singapore và Trung Quốc tập trung vào các ca nhiễm “tiền triệu chứng”.

Các nhà khoa học chưa biết mỗi loại người mang mầm bệnh kể trên có thể lây cho bao nhiêu người khác.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 31/3 trên một đài phát thanh ở Atlanta, tiến sĩ Robert Redfield - Giám đốc CDC - trích dẫn một ước tính nói rằng 25% người nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng. Không rõ ước tính đó dựa vào đâu và có bao gồm cả hai nhóm triệu chứng còn lại (tiền triệu chứng và hậu triệu chứng) hay không. Tuy nhiên, nhận xét của ông Redfield giải đáp cho câu hỏi liệu cơ quan này sẽ khuyến nghị những người có vẻ khỏe mạnh đeo khẩu trang đi ra ngoài hay không.

Thống đốc tiểu bang California - ông Gavin Newsom - tuần này cho biết ông dự định công bố các hướng dẫn mới của tiểu bang về việc đeo khẩu trang.

Trong những tháng đầu của đại dịch, các quan chức y tế phản ứng dựa trên niềm tin rằng hầu hết các trường hợp lây nhiễm là từ những người hắt hơi hoặc ho ra những giọt có chứa virus.

Cẩm Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI