Nhiều bạn trẻ bị áp lực phải thành công sớm

05/05/2022 - 06:14

PNO - Dù áp lực của người này có thể là ao ước của người kia nhưng sau tất cả, các bạn vẫn chưa bao giờ thôi cố gắng. Tất nhiên, các bạn vẫn cần sự thấu cảm từ những người xung quanh, nhất là gia đình để bản thân không cảm thấy trơ trọi trên hành trình phát triển của mình.

Sinh ra trong một gia đình mà hai bên nội, ngoại đa phần đều là cán bộ nhà nước, tương lai của N.T.N.V. (sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM) vốn đã được định hướng từ sớm. Với điều kiện gia đình, N.V. dường như không gặp bất cứ trở ngại nào về vấn đề kinh tế hay thời gian, chỉ cần tập trung học là đủ. 

Nhưng sự bảo bọc, che chở quá lớn đã khiến nữ sinh thường xuyên cảm thấy trống trải, thua thiệt vì không được trải nghiệm những điều mới lạ ngoài giảng đường. Áp lực ngày càng tăng khi N.V. bước vào năm hai đại học, mọi người xung quanh ai cũng có sở trường, năng khiếu còn mình thì không biết mình giỏi điều gì, phù hợp với vị trí nào.

Đặc biệt, chuyện gia đình muốn N.V. học lên cao học trong khi nữ sinh không muốn đi tiếp con đường học thuật đã làm cô rơi vào trạng thái áp lực cao độ. “Mình là chị lớn trong nhà, phải làm gương cho các em nhưng đôi lần mình vẫn thấy bất lực, thấy bản thân khá giống chuột bạch”, N.V. nói.

Trái lại, M.U. (sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM) lại áp lực vì ba mẹ so sánh khả năng của cô với chị gái. Trong khi chị đã sớm ổn định việc làm thì M.U. hiện vẫn đang ở quê để tìm công việc phù hợp sau khi hoàn thành chương trình học.

“Chị chỉ lớn hơn mình hai tuổi nhưng rất vượt trội, chị đi làm sớm và nuôi cả mình nhưng chẳng bao giờ so sánh mình với chị. Chỉ có ba mẹ và những người xung quanh là hay so sánh”, M.U. chia sẻ.

Những câu nói như “chị có học bổng thì con cũng phải có, không có học bổng thì nghỉ học nha con”, “chị có việc làm sớm và dễ dàng mà sao con kiếm việc khó khăn dữ vậy” tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến nữ sinh nhiều lần bật khóc. 

Sinh viên Trường đại học Y Dược TPHCM S.C.L. cũng cảm thấy áp lực bởi những câu hỏi kiểu như: “ra trường rồi có việc làm không”, “lương có đủ sống không”, “có bỏ nghề sau nhiều năm theo đuổi hay không”.

Do chương trình học kéo dài tận 5 năm, lịch học dày đặc và bận rộn, L. nhận sự “quan tâm” của người xung quanh rằng: “học vậy rồi đã làm gì chưa, định xài tiền của gia đình tới bao giờ…”. Nhiều khi L. cảm thấy bất lực, ngộp thở mà không biết phải làm sao.

Trước những áp lực nói trên, nhìn chung, đa phần các bạn trẻ vẫn chọn cách im lặng mà cố gắng hoặc chỉ nói khi tình trạng thật sự nặng nề. Như M.U. chỉ hy vọng ba mẹ cảm thông cho mình hơn, xem lại rằng nói như vậy có gây áp lực cho con không, có khiến con buồn phiền hay không.

Có lẽ, đây không chỉ là mong mỏi của M.U. mà còn của nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 20 - 25 vì tất cả đều đang cố gắng để ổn định cuộc sống, để biết mình thích gì và phù hợp với điều gì. Các bạn cần thời gian để thích nghi thay vì sự gượng ép phải “bằng chị bằng em” từ bất cứ người nào, kể cả ba mẹ.

Dù áp lực của người này có thể là ao ước của người kia nhưng sau tất cả, các bạn vẫn chưa bao giờ thôi cố gắng. Tất nhiên, các bạn vẫn cần sự thấu cảm từ những người xung quanh, nhất là gia đình để bản thân không cảm thấy trơ trọi trên hành trình phát triển của mình. 

Trang Thư 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI