Nhiều băn khoăn với đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 20 giờ/tuần

03/04/2024 - 12:06

PNO - Mới đây, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đề xuất quy định thời gian làm việc của sinh viên.

Cụ thể, học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Các nhà trường có trách nhiệm quản lý việc này.

Trước thông tin này, nhiều sinh viên bày tỏ băn khoăn, lo lắng vì cho rằng đề xuất thiếu tính thực tế, cũng như khó kiểm soát nếu áp dụng.

Với dự thảo sửa đổi, Nga băn khoăn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến

Khi đỗ đại học, chị Nguyễn Thúy Nga - hiện là sinh viên Trường đại học Mỏ Địa chất - xác định phải đi làm thêm để lấy tiền trang trải sinh hoạt cũng như nộp học phí.

Chị Nga có 3 anh em, nguồn thu nhập chính của gia đình từ cây lúa. “Kinh tế gia đình khó khăn nên ngay khi đỗ đại học, lên thành phố lớn, em đã tìm nơi làm thêm. Em làm nhân viên bưng bê cho quán cà phê gần khu trọ với mức lương 20 ngàn đồng/giờ và mỗi ngày em làm ca tầm 4-5 giờ. Ngoài ra, với những ngày nghỉ cuối tuần em làm nguyên cả ngày nên thu nhập cũng vừa đủ cho em nộp tiền thuê trọ và đóng học phí. Em nghĩ rằng việc làm thêm đã giúp em thỏa mơ ước bước chân vào cánh cổng trường đại học mà lại không trở thành gánh nặng kinh tế cho bố mẹ” - chị Nga cho hay.

Với dự thảo luật mới này, Nga cho biết bản thân chị cũng như những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như chị sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ, đa số các đơn vị tuyển sinh viên làm việc bán thời gian thì tuyển theo ca và tuyển tối thiểu 5 giờ/ngày, 5 - 6 ngày/tuần… chứ không thể quy định cứng nhắc 20 giờ/tuần được.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Thái Tuấn - sinh viên năm thứ hai Trường đại học Công nghiệp Hà Nội - cho rằng, đa số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bạn nào cũng phải đi làm thêm kiếm tiền, thậm chí đi làm thêm từ năm thứ nhất.

“Nếu bị khống chế thời gian làm việc thì rất khó để tìm ra việc phù hợp vì công việc làm thêm cũng phải phù hợp với lịch học của trường, giờ lại quy định làm không quá 20 giờ/tuần thì thu nhập vừa thấp không đảm bảo được sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố” - anh Tuấn cho hay.

Anh Tuấn mong các trường đại học hãy xem xét và giảm học phí nhằm bớt gánh nặng cho gia đình và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để tạo điều kiện cho các sinh viên theo đuổi ước mơ và hoài bão mà không phải lo nghĩ vấn đề kiếm việc làm thêm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường đại học Công Thương TPHCM - cho biết: “Quy định sinh viên không được làm quá 20 giờ/tuần và nhà trường có trách nhiệm quản lý là không phù hợp.

Việc xử phạt sinh viên đi làm thêm quá 20 giờ/tuần là có cơ quan chức năng chứ không phải nhà trường. Nhà trường có trách nhiệm trong việc khuyến khích sinh viên đi làm thêm đúng 20 giờ/tuần thôi, trách nhiệm xử phạt không thuộc về nhà trường.

Nếu bắt buộc nhà trường phải xử phạt thì phải có thêm nhân sự, nhưng nhân sự văn phòng thì không đủ sức để xử lý vụ việc này. Không lẽ suốt ngày theo chân các sinh viên và xem các em có làm đúng luật không?

Chưa kể, giới hạn giờ làm thêm 20 giờ/tuần là quá ít với sinh viên có khó khăn thực sự. Nếu giới hạn giờ làm thêm thì làm sao sinh viên có thể làm việc ở nhà hàng, quán cà phê... bởi tại các điểm kinh doanh này thường duy trì từ 4 - 8 giờ/ca làm việc”.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI