Nhiều băn khoăn cũ về chương trình mới

04/11/2019 - 07:33

PNO - Bộ GD-ĐT dự kiến công bố sách giáo khoa lớp Một mới vào giữa tháng 11/2019, lùi lại so với kế hoạch. Không chỉ chưa có sách, việc tập huấn giáo viên cũng như cơ sở vật chất, thi cử... khiến dư luận băn khoăn .

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện từ năm học tới 2020-2021 với lớp Một và đến năm học 2024-2025 thực hiện ở tất cả các lớp. Chương trình đặt ra mục tiêu phát triển năng lực người học, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo và khả năng tự học. Tuy nhiên, đến nay, nhiều chuyên gia băn khoăn có nhiều yếu tố sẽ làm thất bại mục tiêu tối thượng mà chương trình mới hướng đến.

Giáo viên có “thấu hiểu” chương trình mới?

“Về chương trình phổ thông mới tôi nghĩ rằng có nhiều hạn chế cần phải khắc phục trước khi đưa vào giảng dạy đại trà”, tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nói thẳng.

Cụ thể, theo tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, chương trình mới chú trọng đến kỹ năng của học sinh nhiều hơn, nhấn mạnh kỹ năng học và làm việc nhóm. Muốn dạy về kỹ năng thì điều kiện cơ sở vật chất phải đáp ứng. Thế nhưng hiện nay, một lớp học thông thường chỉ 45-50m2 nhưng lại “nhồi” đến 60 học sinh thì làm sao học nhóm. 

Chưa nói đến việc giáo viên, người trực tiếp triển khai chương trình và quyết định sự thành bại của chương trình liệu đã thấm nhuần cách dạy mới? Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ, đề ra hệ thống câu hỏi giúp học sinh tìm hiểu, kích thích năng lực của học sinh chứ không phải như một cái máy phát lại những kiến thức có trong sách giáo khoa và thầy nói, trò ghi. 

Tuy nhiên, theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, hoạt động bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2019 (công văn 263/KH-BGDĐT ngày 29/3/2019) sẽ bắt đầu từ bồi dưỡng 200 báo cáo viên nguồn, sau đó từ 200 người này mở rộng ra bồi dưỡng 800 giảng viên chủ chốt ở các trường đại học sư phạm - những người sẽ đi bồi dưỡng các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phổ thông. Các trường đại học sư phạm sau đó sẽ bồi dưỡng cho 6.956 tổ trưởng chuyên môn, 28.000 giáo viên chủ chốt và cuối cùng là 100% giáo viên đại trà. 

Nhieu ban khoan cu ve chuong trinh moi
Giáo viên tham gia buổi tập huấn - bồi dưỡng do Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức

Cuối tháng Mười qua, các trường đại học sư phạm đã tiến hành bồi dưỡng cho tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ chốt... Về vấn đề tập huấn cho giáo viên triển khai chương trình mới, tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cho hay: “Không nên tập huấn kiểu “bắc cầu” như vậy. Đó là việc làm thủ công và cũ kỹ quá rồi. Hiện nay, chúng ta đã tiến đến nền cách mạng công nghiệp 4.0 tại sao không tổ chức tập huấn “trực tuyến” do những người trực tiếp viết sách giáo khoa tham gia”. 

Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ phân tích: việc bồi dưỡng cho 200 người, xong 200 người này bồi dưỡng cho 800 người và mở rộng ra giáo viên đại trà là việc làm thiếu tính khoa học mà Bộ GD-ĐT cần xem xét lại một cách nghiêm túc. 200 giáo viên đầu tiên này được bồi dưỡng trực tiếp liệu có thể thấm hết 100% tư tưởng của chương trình mới để về truyền đạt lại cho người khác?

Đó là chưa kể trong quá trình bồi dưỡng thiếu tập trung nhiều người chỉ tiếp thu được 60% sau đó về truyền đạt 40% và cứ thế mất dần, mất dần sẽ thành tam sao thất bản, đầu voi đuôi chuột. Có thể chương trình mới rất hay nhưng kiểu tập huấn thiếu chuyên nghiệp này sẽ “phá nát” chương trình mà bao người bỏ công sức.

Trong khi đó, sách chỉ thể hiện một phần, quan trọng là ý tưởng của những người viết sách được thể hiện thế nào, triển khai ra sao phải được truyền đạt lại cho giáo viên thì giáo viên mới hiểu bản chất. 

Thi cử “mẹo mực”, không đạt được mục tiêu chương trình

Cũng trăn trở, băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông mới, cô giáo dạy môn toán tại một trường THPT ở Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội xin được giấu tên cho hay: “Một thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là cơ quan quản lý giáo dục thì luôn yêu cầu các trường đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, phát triển năng lực người học, thay vì truyền thụ kiến thức một chiều.

Thế nhưng, đến lúc kiểm tra, thi cử lại thiên về thuộc nhớ, tái hiện, thông hiểu kiến thức nên giáo viên dạy theo kiểu truyền thống thì học trò đạt điểm cao còn dạy theo phương pháp tích cực thì học trò bị điểm thấp”.

Cùng với bệnh thành tích lâu nay vẫn tồn tại và áp đặt chỉ tiêu về thành tích cho mỗi trường, mỗi giáo viên thì không hiểu liệu có còn giáo viên nào dám tiếp tục theo đuổi đến cùng phương pháp dạy học tích cực như chương trình phổ thông mới đang nói hay không?

“Tôi nghĩ rằng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cần đi liền với đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá ở nhà trường phổ thông và đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia cũng cần phải có sự thay đổi theo định hướng của chương trình mới. Hiện nay, khi ôn luyện cho học sinh thi THPT quốc gia, giáo viên vẫn dạy lối “học mẹo” để tìm ra đáp án nhanh nhất.

Mà lối “học mẹo” thì không thể đo năng lực tư duy, lập luận và đánh giá khả năng của học sinh. Ở khía cạnh nào đó, chính cách tổ chức kỳ thi quốc gia như hiện nay đã làm thất bại nhiệm vụ tối thượng của chương trình mới”, vị giáo viên dạy toán nói.

Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cho hay: “Tôi nghĩ rằng, nhiều môn có thể dùng hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn để đánh giá khả năng của học sinh nhưng riêng với môn toán thì không nên. Với môn toán, nên dùng hình thức nửa trắc nghiệm, nửa tự luận. Vì nếu thi trắc nghiệm hoàn toàn sẽ làm thất bại ý đồ của chương trình giáo dục phổ thông mới khi không luyện cho học sinh được cách tư duy, lập luận, sáng tạo”.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI